Cho vay vốn XKLĐ: Cần định mức theo thị trường
Kinh tế - Ngày đăng : 07:47, 06/05/2010
Cần có chính sách ưu đãi về vốn cho người đi xuất khẩu lao động. |
Cản trở đầu tiên với người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp là thủ tục cho vay vốn. Về phía NLĐ, gia đình nào thuộc đối tượng chính sách thì được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách, các đối tượng còn lại vay tại Ngân hàng NN&PTNT, mức vay được quy định tối đa là 20 triệu đồng/người. Theo NLĐ cũng như những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, mức vay như vậy là quá thấp cho một số địa bàn "khó tính" như Hàn Quốc, Đông Âu, Nhật Bản, Australia... (số tiền này chỉ phù hợp với thị trường lương thấp như Malaysia, Trung Đông). Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế, có khoảng 97% người đi XKLĐ không đủ điều kiện kinh tế trang trải chi phí để đi; 62% trường hợp người đi XKLĐ phải thế chấp nhà, đất để vay vốn…
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã giảm từ 40 đến 50% lượng lao động xuất khẩu vì những khó khăn về vốn của NLĐ. Trong khi đó, NLĐ thì gần như không có cơ hội đi làm việc ở những nước có mức thu nhập cao. Để hỗ trợ NLĐ, doanh nghiệp XKLĐ phải có giấy giới thiệu của sở, phòng LĐ-TB&XH cho phép được tuyển chọn lao động tại địa phương khi vay vốn. Đồng thời phải tiếp tục ký quỹ tại ngân hàng cho vay nơi mà NLĐ sẽ vay vốn. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp này đã phải ký quỹ để hoạt động XKLĐ tại một ngân hàng thương mại ở nơi đặt trụ sở chính. Nhiều doanh nghiệp kêu trời vì có ngân hàng yêu cầu tỷ lệ ký quỹ lên đến 10% tổng số tiền giải ngân.
Tại hội nghị ký kết thỏa thuận hợp tác về cho vay XKLĐ giữa Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam và Hiệp hội XKLĐ, ông Kiều Trọng Tuyến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT cho biết, càng ngày tỷ lệ nợ xấu ngân hàng càng tăng cao. Cụ thể, năm 2009, tỷ lệ nợ xấu khoảng 15 tỷ đồng, chiếm 10,4% so với tổng dư nợ cho vay XKLĐ, trong khi nợ xấu cho vay thông thường không vượt quá mức 3%. Với lao động gặp rủi ro, ngân hàng NN&PTNT Nghệ An đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nên triển khai ký hợp đồng cam kết trách nhiệm các doanh nghiệp XKLĐ là khi NLĐ gặp rủi ro thì doanh nghiệp chịu gốc, ngân hàng chịu lãi. Như vậy thì cả hai bên đều có trách nhiệm hơn với NLĐ.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Bùi Hồng Lĩnh cũng cho rằng, các ngân hàng nên phân chia cho vay vốn theo 2 loại thị trường: chi phí đi thấp - thu nhập thấp và chi phí cao nhưng thu nhập cao để định lượng mức cho vay hợp lý, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và NLĐ. Thiếu vốn là một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của nhiều lao động không thể thực hiện. Hy vọng, sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác về cho vay XKLĐ giữa Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam và Hiệp hội XKLĐ, NLĐ và doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ, tư vấn để lựa chọn được ngân hàng có dịch vụ tốt nhất để vay vốn, gửi tiền, chuyển tiền an toàn, nhanh gọn và tiết kiệm chi phí. Và quan trọng hơn là NLĐ có đủ điều kiện về tài chính đi làm việc tại một số nước có thu nhập cao hơn.