Hà Nội xây dựng đề án học phí mới:: Mục tiêu: “Gom về một mối”

Giáo dục - Ngày đăng : 07:11, 06/05/2010

(HNM) - Theo lộ trình thực hiện chủ trương của Quốc hội về đổi mới cơ chế tài chính trong GD-ĐT, đồng thời nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển GD-ĐT giai đoạn mới, chiều 5-5, Sở GD-ĐT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo đề án học phí mới, dự kiến triển khai từ năm học 2010-2011.

Đây là lần thứ ba Sở GD-ĐT tổ chức hội thảo về vấn đề này với sự tham gia của lãnh đạo một số trường mầm non, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp, phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan.

Học sinh  cần được tạo  điều kiện tốt nhất để học tập và phát triển toàn diện. Ảnh: Trung Kiên

Mức thu không vượt 5% thu nhập bình quân hộ gia đình

Theo báo cáo của đại diện Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT), việc xây dựng đề án học phí mới trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Chế độ học phí hiện nay được xây dựng từ năm 1998 chưa thay đổi, trong khi từ năm 2000 đến nay, chỉ số giá cả tiêu dùng bình quân tăng gấp 1,95 lần. Mức lương tối tiểu cũng đã được điều chỉnh tới 5 lần, trong khi mức chi cho các hoạt động giảng dạy, học tập và quản lý nhà trường rất hạn chế. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhiều trường đã phải thu thêm các khoản thu hợp lý nhưng không hợp pháp, đôi khi gây bức xúc trong dư luận. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đang thu học phí theo 4 quyết định của 4 địa phương (Hà Nội cũ, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình), cần phải xây dựng một mức thu thống nhất trên địa bàn.

Mục tiêu của việc xây dựng đề án học phí là bảo đảm công bằng trong giáo dục, tạo điều kiện cho HS nghèo, HS có hoàn cảnh khó khăn. Con em của những gia đình ở vùng, miền có thu nhập thấp không phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Mức học phí của Hà Nội xây dựng đã bao gồm mọi khoản thu để phục vụ cho việc học tập của học sinh theo chương trình chính khóa. Theo đó, mức học phí và chi phí học tập khác được xác định không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình ở mỗi vùng. Phần chi phí còn lại, ngoài sự đóng góp của người dân bằng học phí là do Nhà nước đảm nhận nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục tối thiểu.

Thực tế thu nhập của hộ dân ở các khu vực trong thành phố là khác nhau. Do đó để thu học phí được đủ mà vẫn bảo đảm nguyên tắc phù hợp với khả năng chi trả của các hộ dân ở mọi địa bàn, đề án đã chia thành 4 nhóm đối tượng đóng học phí: nhóm 1 là HS có gia đình sống ở các quận, thị xã; nhóm 2 là HS có gia đình sống ở các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức; nhóm 3 là HS có gia đình sống ở các huyện còn lại; nhóm 4 là HS có gia đình sống ở các xã miền núi và 3 xã giữa sông (nhóm này không phải đóng học phí).

Còn tiếp tục hoàn thiện và lấy ý kiến dư luận

Trên cơ sở các nguyên tắc trên, mức học phí mới sẽ bằng mức chi trả khả thi cho 1 HS đi học (tương ứng 5% thu nhập hộ gia đình) trừ đi chi phí học tập khác cho 1 HS. Mức chi trả khả thi và mức học phí được tính dựa trên mô hình gia đình bình quân có 4 người, trong đó có 2 con đi học mầm non hoặc phổ thông. Chi phí học tập khác bao gồm chi phí cho SGK, vở viết, dụng cụ học tập và một phần cho quần áo, giày dép… (chi phí này được điều chỉnh hằng năm ở mức tăng 7%). Theo đó, mức thu học phí của cấp học mầm non ở nhóm thấp nhất (nhóm 3) là 62.000 đồng, nhóm 2 là 115.000 đồng, nhóm cao nhất là 209.000 đồng. Mức thu thấp nhất ở cấp THCS là 10.000 đồng, cao nhất là 143.000 đồng. Ở cấp THPT, mức thu thấp nhất là 22.000 đồng, cao nhất là 143.000 đồng…

Đây là cách làm được các đại biểu đồng tình bởi đã bảo đảm công bằng cho mọi HS, trong đó có quan tâm tới HS vùng khó. Hầu hết ý kiến đều cho rằng, với mức học phí mới được xây dựng theo hướng "gom về một mối", các trường không cần phải thu thêm một khoản nào khác. Vấn đề còn lại là phải phân chia các nhóm đối tượng cho sát hơn theo hướng mức thu nhập bình quân của các đối tượng trong một nhóm không quá chênh lệch nhau và phù hợp với khả năng chi trả của người dân ở từng vùng, miền. Lại có ý kiến đề xuất cùng trong một nhóm có thể chia thành 2 mức thu để phù hợp với các đối tượng HS, thậm chí có thể khích lệ HS tiến bộ bằng cách giảm học phí. Ban soạn thảo cũng nhận được nhiều băn khoăn về sự chưa tương xứng giữa mức học phí của cấp THCS với THPT; về mức thu của giáo dục thường xuyên; sự bất bình đẳng trong thu nhập của giáo viên các cấp học hoặc giữa các vùng, miền; về các khoản thu phục vụ dạy học 2 buổi/ngày…

Một ý kiến được quan tâm tại hội thảo là việc xây dựng mức học phí phải xác định rõ được vai trò và mức chi từ nguồn ngân sách. Ngân sách phải là nguồn thu chủ yếu của các trường mầm non và phổ thông công lập đại trà, học phí chỉ là một phần đóng góp của người dân để chia sẻ chi phí giáo dục với Nhà nước. Đây cũng là khẳng định của Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ. Theo ông, đề án được xây dựng theo Luật Giáo dục và các quy định hiện hành. Ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, HS không phải đóng góp khoản tiền nào khác. Mức thu học phí mới và các chính sách liên quan được xây dựng theo hướng nhằm bảo đảm để mọi người ai cũng được hưởng một nền giáo dục có chất lượng. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp, hoàn thiện đề án và lấy ý kiến dư luận trước khi trình HĐND thành phố.

Nếu được phê duyệt, mức học phí này sẽ áp dụng từ năm học 2010-2011 đến năm học 2012-2013. Từ năm học 2013-2014, mức thu học phí được điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Hồng Hạnh