Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục kêu gọi giảm dần mặt bằng lãi suất
Kinh tế - Ngày đăng : 16:09, 05/05/2010
(HNMO)-Cuối tuần qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tiếp tục có công văn kêu gọi các tổ chức hội viên giảm dần mặt bằng lãi suất thị trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa vay được vốn để phát triển sản xuất-kinh doanh.
Theo Hiệp hội, sau 2 tuần thực hiện hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về cho vay bằng VND đối với khách hàng theo lãi suất thoả thuận, mặt bằng lãi suất thị trường tương đối ổn định và có xu hướng giảm so với trước đây, nhiều NHTM đã công khai mức lãi suất cho vay phổ biến hiện nay ở mức 14-14,5%.
Tuy nhiên, do kinh tế thế giới chưa phục hồi mạnh, thị trường “đầu ra” của Việt Nam còn gặp khó khăn, mức lãi vay trên chưa khuyến khích được phần đông doanh nghiệp, vì vậy, đối với một số lĩnh vực Chính phủ ưu tiên phát triển trong bối cảnh hiện nay như xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn và dự án sản xuất quy mô vừa và nhỏ sản xuất kinh doanh có hiệu quả, các NHTM Nhà nước đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực trên xuống tối đa là 13%/ năm, bắt đầu áp dụng kể từ ngày 1/5. Để tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 20/4 về việc các NHTM cần tiết kiệm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay đến mức thị trường chấp nhận được nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa vay được vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010, Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi tất cả các tổ chức hội viên trên cơ sở tiết kiệm chi phí để xem xét tiếp tục giảm mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất - kinh doanh có hiệu quả để tạo điều kiện cho doanh nghiệpthuộc các lĩnh vực trên tiếp cận được vốn ngân hàng.
LienVietBank là ngân hàng thương mại cổ pâần đầu tiên giảm tiếp lãi suất cho vay
Về lãi suất huy động, sau khi các NHTM thực hiện công khai hoá lãi suất, mặt bằng lãi suất huy động hiện đang xoay quanh mức 11,5%. Tuy nhiên, theo Hiệp hội vẫn còn có một số NHTM chưa thật sự minh bạch lãi suất, ngoài các mức lãi suất huy động đã công bố vẫn đang thực hiện “khuyến mại” dưới nhiều hình thức như thưởng tiền, thưởng thêm lãi suất…, đã làm lãi suất huy động thực cao hơn mức lãi suất đã công bố, người gửi tiền vẫn tiếp tục kỳ vọng vào lãi suất tiền gửi còn cao, tạo tâm lý không thuận cho việc thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay mà Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo, điều cần nói hơn là hành động “khuyến mãi” này vừa không đúng luật, vừa không công bằng, vừa là nhân tố gây mất ổn định thị trường tiền tệ.
Để các NHTM có cơ sở tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đồng thời tạo sự minh bạch và sự công bằng giữa các thành viên tham gia thị trường, Hiệp hội đề nghị các ngân hàng vẫn đang áp dụng việc thưởng tiền và thưởng lãi suất (kể cả các chương trình đã thông báo áp dụng từ trước ngày 14/4/2010) nên chấm dứt ngay các hình thức trên.
Tiên phong trong việc giảm tiếp lãi suất cho vay, trước khi Hiệp hội tiếp tục kêu gọi, ngày 28/4 Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) đã giảm thêm lãi suất cho vay thỏa thuận ngắn hạn bằng VND đối với khách hàng trên toàn hệ thống tối đa là 1%/năm.
Theo đó, lãi suất cho vay tại đây giảm 0,5%/năm đối với tất cả các khách hàng vay ngắn hạn tại LienVietBank, giảm 0,5% tiếp theo (tức 1%/năm) đối với các khách hàng có quan hệ tiền gửi và sử dụng dịch vụ đáp ứng quy định của LienVietBank.
Với việc áp dụng giảm lãi suất cho vay thỏa thuận ngắn hạn như trên, lãi suất cho vay thoả thuận bằng VND đối với các khoản vay ngắn hạn thấp nhất tại Ngân hàng Liên Việt chỉ còn 13%/năm-đây là một trong những mức lãi suất cho vay thấp nhất trong hệ thống ngân hàng TMCP hiện nay.
LienVietBank cũng dự kiến thực hiện cấp bù lãi suất cho vay nông dân tương đương là 1%/năm tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Trước đó, Ngân hàng này đã có đề án cho vay ưu đãi vùng nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2010-2013 với tổng ngân sách là 3000-5000 tỷ đồng, trong đó tập trung triển khai ở ba tỉnh: Hậu Giang, An Giang và TP. Cần Thơ. Tại Hậu Giang, LienVietBank sẽ lựa chọn 1 số huyện để triển khai thí điểm tín dụng ưu đãi và dựa trên tổng kết các hoạt động thí điểm sẽ tiến tới nhân rộng mô hình.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch hội đồng điều hành lão suất LienVietBank cho rằng, xu hướng trong tương lai các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để thu hút các khách hàng làm ăn hiệu quả, tránh khó khăn cho các doanh nghiệp. LienVietBank đã quyết định kéo lãi suất cho vay nông thôn ở Hậu Giang xuống theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng nhằm ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, giúp đỡ bà con nông dân.
Theo đó, từ tháng 4/2010, LienVietBankáp dụng bù lãi suất cho vay đối với nông dân tại Hậu Giang với hình thức áp dụng mức lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay của Ngân hàng nông nghiệp nông thôn Việt Nam tại từng thời điểm, nhưng khi bà con nông dân trả hết nợ sẽ được giảm tương đương lãi suất 1%/năm.