Câu chuyện văn chương và cái nợ mưu sinh của nhà văn Ngô Phan Lưu

Văn hóa - Ngày đăng : 14:59, 05/05/2010

(HNMO)- Dừng chân ở Phú Yên lần này tôi quyết làm hai việc, sau khi đi thăm khu du lịch Gành đá đĩa sẽ gặp bằng được nhà văn Ngô Phan Lưu. Ngỡ như ông ở tận vùng quê nào đó, vì người ta vẫn nói ông là một nông dân viết văn, mà lại ở tuổi 60 mới đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Nghệ.


Gành đá đĩa ở Phú Yên


(HNMO)- Dừng chân ở Phú Yên lần này tôi quyết làm hai việc, sau khi đi thăm khu du lịch Gành đá đĩa sẽ gặp bằng được nhà văn Ngô Phan Lưu. Ngỡ như ông ở tận vùng quê nào đó, vì người ta vẫn nói ông là một nông dân viết văn, mà lại ở tuổi 60 mới đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Nghệ. Âu đó cũng là sự lạ!

Sau khi đi thăm Gành đá đĩa về, tôi tìm cách xin được số điện thoại của ông và gọi liền. Thật không ngờ, ông lại ở ngay trên đường Duy Tân, khá gần chợ Phú Yên. Nghe tôi ở Hà Nội vào, ông rất vui và ra tận đầu phố đón tôi. Thật dễ nhận ra ông với bộ râu quai nón và gương mặt trầm lặng quen thuộc, mặc dù ông không cao lớn như tôi tưởng.


Nhà văn Ngô Phan Lưu


Ngay vừa khi tới nơi, tôi mới nhận ra sự xuất hiện của mình không đúng lúc chút nào, vì nhà ông đang triển khai công việc lát nền cho cửa hàng giải khát mới mở. Thấy tôi ái ngại, ông vồn vã kéo vào nhà và nói rằng cửa hàng là của người con trai út, chứ ông không bận bịu gì. Thế là chúng tôi vào nhà nói đủ thứ chuyện như đã biết nhau từ lâu. Theo thói quen nghề nghiệp tôi rút máy ảnh định chụp, thì ông nhanh nhẹn đứng dậy nói: “Ông lại đây! Chụp tấm ảnh qua máy tính trước đã để tôi lưu vào máy luôn làm kỷ niệm”.

Tôi với ông ngồi chung một ghế trước màn hình. Ông bật webcam, nghiêng đầu về phía tôi rồi nháy phím Enter. Ảnh hiện lên xem ra không hợp, vì nét mặt ông rất nghiêm nghị còn tôi lại nhoẻn cười. Thế là chụp lại. Ông không cho tôi cười nữa. Tôi mím môi. Enter! Ông vẫn chưa hài lòng vì mái tóc của tôi hơi bị rối. Chụp lại! Ông quay ra lấy lược chải đầu cho tôi và còn dặn thêm đừng mím môi quá căng cứng. Tự nhiên tôi chợt nghĩ tới văn ông cũng kỹ lưỡng gọn gàng như cách chỉnh hình, dù chỉ qua một lần chụp ảnh. Phải tới hai lần Enter nữa, ông mới xoa tay nói tạm ổn, nhưng lại chỉ vào ảnh nói: “Tôi dù cười trông vẫn khô, còn ông dù cố nghiêm nom vẫn tươi cái mặt. Âu đó là cái nét riêng của mỗi người. Ép cũng chẳng được. Ông chuyên làm thơ tình là phải!”.

Thế là câu chuyện ông chuyển sang chuyện văn chương. Cũng vì cái khác nhau ở mỗi người mà ông lèo sang chuyện hành văn: “- Từ nay tôi viết sẽ không dùng dấu phẩy nữa!”. Tôi hỏi vì sao, ông lý giải rằng cần phải cho nhịp văn nhanh hơn, nên tất cả những câu văn của ông sẽ chỉ là những câu đơn và không còn các mệnh đề phụ đi theo, do đó không dùng đến dấu phẩy. Ông cho rằng chính những câu đơn mới thu hút sự chú ý của người đọc, không bị phân tán bởi những chữ miêu tả, hoặc diễn đạt tình cảm dài dòng. Tôi tò mò muốn biết xuất phát từ đâu mà có ý định đổi cách hành văn này, ông nói luôn: “- Có lần tôi vào một ngôi chùa. Đường dẫn qua một cái hồ vào chùa chỉ là những cái cọc bê tông vừa đủ đặt bàn chân, chứ không phải là con đường thông thường. Mọi người muốn đi vào cửa chùa đều phải rất tập trung đi trên những cái cọc bê tông đó, nếu không sẽ ngã lập tức”.

Và ông cũng muốn văn mình chỉ là những dấu chấm câu để thu hút người đọc với sự tập trung cao độ, như khi đi trên từng cái cọc để vào chùa. Thế rồi ông nhắc đến văn Nguyễn Huy Thiệp. Xem ra ông đọc rất kỹ truyện ngắn của nhà văn này, ông hóm hỉnh diễn đạt: “- Hành văn của cánh mình ví như nhấc chân lên rồi bước xuống đất một cái “bịch”, thì ông Nguyễn Huy Thiệp, khi nhấc chân lên, bàn chân ông lại ngúc ngoắc sang phải, hay sang trái, hoặc hất lên hất xuống, rồi mới bước xuống cái “bịch”. Văn ông ta hay và hút hồn người đọc bởi cái sự ngúc ngoắc bàn chân ở trên không đó”.

Rồi ông lại xoa tay cười tỏ ra thán phục cách hành văn rất biến ảo, nhưng lại giầu chất hiện thực của Nguyễn Huy Thiệp. Khi thấy tôi nói, thực ra hành văn, dù có lạ cũng chỉ là cái áo, cái vỏ của cốt lõi ý tưởng tác giả. Ông lập tức tán thưởng: “- Đúng vậy điều quan trọng là bố cục, kết cấu truyện nhằm thể hiện chủ đề”. Rồi ông cho là hiện nhiều người chỉ là ở mức độ kể lại một câu chuyện. Câu chuyện dù có xúc động, dù có đẫm chất hiện thực, nếu không có gửi gắm ý tưởng gì, thì vẫn chưa gọi là truyện ngắn. Nhắc đến truyện được giải của mình, ông nói: “- Mọi người hay nhắc đến truyện “Buổi sáng biến mất” nhưng tôi lại thích truyện “Cơm chiều”, bởi ý tưởng rõ nét và sắc bén hơn”.

Thấy chuyện về kỹ thuật viết truyện sẽ rất dài dòng nên tôi lảng sang chuyện khác: “- Ông viết truyện từ năm 1994 đến giờ, hiện sách bán rất được, liệu tích được nhiều tiền không?”. Ông cười rồi nói: “- Không! Lâu nay có đồng nhuận bút nào tôi đưa cho vợ hết. Khi nào cần tiêu gì thì nói bà ấy đưa thôi. Chứ tôi không giữ được tiền”. Vậy xem ra nhà văn Ngô Phan Lưu cùng cánh “nể vợ” như tôi. Vì đã có thời khi đi cắt tóc, tôi cũng đã từng phải ngửa tay xin vợ tiền. Tất nhiên điều này tôi chẳng nói ra trước mặt ông, mặc dù nom tướng ông có vẻ đàn ông hơn tôi nhiều.


Tác giả và nhà văn Ngô Quang Lưu


Tôi chợt hỏi ông sắp tới có ý định viết tiểu thuyết, thì ông lắc đầu ngay lập tức: “- Tôi viết ngắn lắm. Tạng tôi không viết được tiểu thuyết”. Thế rồi ông đột nhiên lái sang chuyện viết tiểu thuyết không thành công vừa qua của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, như lấy làm bài học cho mình rằng, chỉ nên phát huy sở trường của mình, không nên quay hướng. Rồi ông nghiêm sắc mặt. Bộ râu quai nón rung rung. Ánh mắt đã mờ đục như đang nhớ về những hình ảnh của quá khứ đã trải nghiệm trong đời. Những ký ức đó thường quay về làm xáo động tâm hồn ông, suốt 16 năm cầm bút.

Bất ngờ tôi hỏi động lực nào thúc giục ông viết văn, bởi lẽ trước năm 1975, ông từng theo học văn khoa, ham mê triết học và sau này có thời còn kiếm sống bằng nghề chụp ảnh nữa chứ. Ông bộc bạch: “Tôi viết truyện từ năm 1994, vì hồi còn ở quê buồn quá, chẳng biết làm gì”. Ông chợt im lặng, rồi trầm giọng tâm sự: “Duyên nợ với văn chương lại như sợi dây vô hình cột chặt từ tuổi thơ khó mà thoát ra được. Biết bao nỗi niềm về sự sống trong đời cần bày tỏ, và văn chương là sự giải thoát, và cũng là sự chia sẻ với cộng đồng một cách sâu sắc nhất. Thế là tôi viết truyện”.

Tôi ngồi nhìn gương mặt trầm tĩnh của ông, chợt liên tưởng ông như một “Dị nhân” toát lên từ nét khắc khổ, xù xì nhưng lại toát lên tính cách lạ trong văn ông. Tôi vừa lên “Gành đá đĩa” mới hay sự lạ lùng của những tảng đá với hình thù đẹp đến kỳ dị, mặc dù mới nhìn thấy chúng được thiên nhiên sắp xếp một cách rất tự nhiên. Chúng hiện lên đúng như giọng điệu trong văn Ngô Phan Lưu, độc đáo nhưng lại giản dị. Và nữa, trước đây có lần tôi cũng đã về Phú Yên, theo chân những người lặn lội ngược con suối, cách thành phố gần trăm cây số để săn lùng những hòn đá đẹp, những tảng đá kỳ dị. Chúng đều có nét đẹp cổ quái nên thường được gọi là “Dị Thạch”. Người đời có câu: “Có chí chơi đá- Có dạ chơi cây”, vậy nên phong trào chơi đá cảnh đã được coi là một tính cách của Phú Yên. Và, khi tôi gặp nhà văn Ngô Phan Lưu, lại càng liên tưởng tới tính cách này. Đọc mỗi truyện ngắn của ông tôi ngỡ như được gặp một bản “Dị Thạch” với nét chữ hoa đúng nghĩa. Chúng được sắp xếp một cách tự nhiên, với mọi vẻ độc đáo khác nhau do sự gọt dũa của thời gian, làm người đọc nhớ và đọc lại luôn thấy mới. Hẳn vì thế chăng, nhà sách Nhã Nam đã cho tái bản tập truyện và tản văn “Xoa tay và cười” của ông, bởi sau một thời gian ngắn đã bán hết. Có người hỏi vì sao lại là xoa tay và cười, ông lý giải: “Tiếng cười này gần như đồng bộ với việc xoa tay. Tiếng cười của một người vừa xong một công việc tuy chẳng ra sao, nhưng dù sao cũng xong xuôi cả. Tiếng cười này bay vơ vẩn một chặp rồi đáp ngay vào người đẻ ra nó, để chấm dứt cái xoa tay. Tiếng cười này mới ngỡ tưởng chỉ cười người khác, nhưng hóa ra lại cười chính mình cùng lúc với cười người khác”.

Tôi định hỏi ông một câu gì đó về tập bản thảo mới, gồm những truyện ngắn viết không dùng dấu phẩy, sắp xuất bản thì chợt thấy ông xoa tay, nên bật cười. Khi ấy ông mới xoè hai bàn tay chai sạn ra nói: “- Thôi tôi phải đi khuân gạch đây. Chiều thợ đến lát nền cho quán hàng của gia đình rồi. Thông cảm nhé!”. Ôi! Chuyện mưu sinh bận rộn thế đấy. Tôi cũng ra giúp ông một tay đẩy xe gạch vào sân rồi mới chào tạm biệt. Bà vợ ông cười có vẻ mừng ra mặt vì ông chồng vừa thoát khỏi sự phiền nhiễu của những tay làm báo như tôi. Bởi lẽ, sắp tới đây ông sẽ phải cùng bà bưng bê những tách cà phê cho khách.Và thế giới của ông, “xoa tay và cười”, chỉ là khi màn đêm buông xuống với trời sao lấp lánh, rồi gõ máy đến sáng bà cũng mặc kệ. Kiếm sống cái đã!.

Vương Tâm