Giải bài toán nhu cầu - chất lượng
Giáo dục - Ngày đăng : 07:36, 04/05/2010
Sinh viên Đại học FPT thực hành tại thư viện trường. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Nhu cầu cao, chất lượng thấp
Mới đây, tại Hội nghị quốc gia về “Phát triển nguồn nhân lực CNTT” do Bộ GD-ĐT chủ trì, TS. Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT-TT) đưa ra dự báo: Đến năm 2020, nhu cầu nhân lực CNTT là hơn 600.000 người nhưng khả năng đáp ứng chỉ đạt mức khoảng 400.000 người. Còn về phía Bộ GD-ĐT, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT cho biết: Trong giai đoạn 2000-2003, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH và CĐ ngành CNTT hằng năm tăng bình quân 50%. Từ năm 2004 trở đi, mỗi năm có khoảng 10.000 chỉ tiêu. Các cơ sở đào tạo chính quy về CNTT cũng tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, dù chỉ tiêu tuyển sinh ngành CNTT tăng hằng năm nhưng nguồn lao động này vẫn không đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng. PGS. Bùi Thế Duy, Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng: Mặc dù đang tồn tại tình trạng “nhà nhà” đào tạo CNTT nhưng nguồn nhân lực vẫn không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Ví như mới đây, Công ty VTC Intecom cần tuyển khoảng 2.000 nhân sự CNTT nhưng chỉ chọn được 100 hồ sơ đạt yêu cầu. Điều đáng nói hơn là trong số đó chỉ có chưa đầy 30% “làm được việc”. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, nhược điểm dễ thấy nhất của lao động CNTT Việt Nam là kém về ngoại ngữ và kỹ năng mềm bao gồm khả năng trình bày, tư duy độc lập, làm việc nhóm... TS. Nguyễn Thanh Tuyên cho rằng nguyên nhân là từ sự bất cập của chương trình đào tạo, của chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhất là thiếu sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp CNTT. Ông Quách Tuấn Ngọc cũng thừa nhận hạn chế lớn nhất cho sự phát triển của ngành CNTT nói chung và công nghiệp phần mềm nói riêng, là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Tới năm 2010, Bộ GD-ĐT cho biết đã có 10 học viện, 123 trường ĐH, 153 trường CĐ và 351 trường TCCN có đào tạo CNTT - Tin học. Tuy nhiên, điều này không làm giảm đi mối quan ngại về chất lượng nguồn nhân lực, bởi, theo TS. Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, những năm gần đây chỉ có 5 trường đào tạo CNTT trên cả nước có điểm tuyển sinh đầu vào thuộc nhóm cao, còn lại các trường khác, nhất là khối trường ÐH ngoài công lập, mức điểm chuẩn thường chỉ bằng điểm sàn hoặc cao hơn không đáng kể.
Thực hiện mô hình tuyển sinh mới?
Vừa phải cung ứng đủ lao động cho những mục tiêu lớn của ngành CNTT, vừa phải bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, theo ông Phạm Tấn Công, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Vinasa, cần đến các giải pháp đột phá, nếu không thì bài toán về nhân lực CNTT sẽ mãi ở trong vòng luẩn quẩn. Ông Bùi Thế Duy, Chủ nhiệm Khoa CNTT Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) băn khoăn: Có lẽ chính vì sự hạn chế trong điều kiện đào tạo trong nước mà vài năm trở lại đây, CNTT đã không còn giữ được sức hấp dẫn đối với SV. So với các ngành như kinh tế, ngoại thương, tỷ lệ thí sinh dự tuyển vào ngành CNTT đang liên tục giảm. Còn ông Quách Tuấn Ngọc cho biết, dù môn tin học hiện đã là môn học bắt buộc ở cấp THPT, việc tuyển dụng người giỏi về làm giảng viên, giáo viên CNTT còn gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở đào tạo thì thiếu thông tin từ tổ chức, doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm. Việc nghiên cứu, dự báo, phân tích nhu cầu lao động về CNTT ở cả cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương đều chưa được thực hiện. Đặc biệt, chưa có đổi mới các môn thi tuyển sinh cho ngành CNTT...
Để có những bước đột phá trong đào tạo, Hiệu phó Trường ĐH Duy Tân, ông Lê Nguyên Bảo nhấn mạnh tới yêu cầu chuẩn hóa chương trình và nội dung đào tạo, mạnh dạn trong hợp tác và nhập khẩu chương trình và nội dung đào tạo của các trường ĐH tiên tiến hàng đầu thế giới. Bộ GD-ĐT cũng đã đề xuất việc xây dựng chương trình chuẩn quốc gia chung về đào tạo CNTT đối với các trình độ ĐH, CĐ, TCCN, đặc biệt chú ý đến chuẩn đầu ra và tham khảo mạnh yếu tố nước ngoài. TS. Quách Tuấn Ngọc cho biết, một trong những đề xuất, giải pháp trong hoạt động đào tạo nhân lực CNTT đáp ứng nhu cầu xã hội đến năm 2020 là thực hiện tuyển sinh đầu vào ngành CNTT - điện tử, viễn thông với ba môn thi gồm toán, lý, ngoại ngữ thay vì mô hình toán, lý, hóa như hiện nay. Bởi theo các chuyên gia, trong toàn bộ quá trình học, SV CNTT hầu như không sử dụng đến kiến thức hóa học trong khi lại rất cần ngoại ngữ.
Trước mắt, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện tổng điều tra, khảo sát nhân lực CNTT để đánh giá về số lượng, chất lượng để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo CNTT và các doanh nghiệp CNTT, đẩy nhanh việc sử dụng ngoại ngữ trong đào tạo CNTT như dạy một số môn học bằng tiếng Anh.