Để doanh nghiệp của người khuyết tật vượt khó

Kinh tế - Ngày đăng : 07:07, 04/05/2010

(HNM) - Các doanh nghiệp của người khuyết tật (NKT) còn nhiều hạn chế trong quá trình hoạt động. Để tồn tại và phát triển, câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp của NKT là làm thế nào để vượt khó?

Mẫu mã sản phẩm của cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho thanh, thiếu niên khuyết tật “Vì ngày mai” được đổi mới thường xuyên. Ảnh: Linh Tâm


Thông thường các doanh nghiệp tùy theo công việc sẽ tuyển dụng người lao động có nghề hoặc lao động phổ thông nhưng đều phải có sức khỏe. Đối với các doanh nghiệp của NKT thì không thể đưa điều kiện sức khỏe vào danh mục bắt buộc. NKT là nhóm đối tượng không còn đủ 100% sức khỏe, thậm chí có người khả năng lao động chỉ còn 20-30%.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh của NKT đã phải chuyển hướng kinh doanh để tồn tại. Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hùng Hà (Thường Tín - Hà Nội) chuyên sản xuất túi xách thời trang có chất liệu trai và sừng động vật các loại. Sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu ra nước ngoài ổn định. Từ khi cuộc suy thoái kinh tế thế giới bắt đầu lan tỏa, tình hình sản xuất, kinh doanh của cơ sở bị giảm sút, hàng hóa bán được chỉ bằng 50% so với trước, đời sống của cán bộ, nhân viên gặp nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ cơ sở cho biết: "Tuy chỉ là đơn vị nhỏ nhưng chúng tôi cũng bị ảnh hưởng khá mạnh. Mặt hàng thủ công mỹ nghệ của cơ sở được xuất qua khâu trung gian nên chúng tôi cũng chưa thực sự làm chủ được giá cả. Trước sự biến động lớn của nền kinh tế, chúng tôi cũng phải tuân theo quy luật của thị trường, cố gắng bám trụ, mong sớm vượt qua thời kỳ khó khăn này".

Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp phải tự tìm ra cho mình hướng đi. Bà Lê Minh Hiền, chủ cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho thanh, thiếu niên khuyết tật "Vì ngày mai" cho hay, các cơ sở phải phát huy được thế mạnh của mình, tích cực tìm tòi, thay đổi mẫu mã sản phẩm, làm vừa lòng khách hàng với chất lượng tốt. Làm được như vậy thì sẽ không quá lo lắng về vấn đề giá cả và thị trường nữa. Cơ sở "Vì ngày mai" cũng "ba chìm, bảy nổi" để rồi đứng vững trên thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, là mái nhà chung cho hơn 100 trẻ khuyết tật. Bà Hiền khẳng định: "Điều quan trọng là biết cách biến yếu thành mạnh, xây dựng và củng cố mối quan hệ với bạn hàng nước ngoài, tích cực mở rộng các mối quan hệ để học hỏi kinh nghiệm".

Để tồn tại, các doanh nghiệp của NKT cần trang bị cho mình kiến thức cơ bản về kinh tế, về sản xuất kinh doanh, chủ động và mạnh dạn liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp. Đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, đào tạo tay nghề cho người lao động, đặc biệt là những lao động có tố chất tốt. Sắp xếp lại cơ cấu, nhân sự, phát huy những ưu điểm của lao động khuyết tật. Sự sắp xếp, điều chỉnh ở đây không có nghĩa là cắt giảm nhân sự mà phải bố trí công việc sao cho phát huy tối đa hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cần năng động, sáng tạo, tìm tòi cái mới, tranh thủ sự ủng hộ của bạn hàng, thực hiện cơ chế thông thoáng, tạo ấn tượng và niềm tin với đối tác kinh doanh. Nắm vững những chính sách, chế độ đối với các cơ sở dành cho NKT để tranh thủ sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước nhằm phát triển doanh nghiệp.

Triệu Hoàng