Chợ từ Kẻ Chợ
Xã hội - Ngày đăng : 06:41, 03/05/2010
Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng
Câu ca dao xưa đã đi vào tâm khảm nhiều người. Nhưng việc nó gắn liền với Kẻ Chợ thì ít ai hay. Và nó còn ý nghĩa khác": Cầu Đông là chợ gần như cổ nhất, có từ thời Lý - Trần.
Kẻ Chợ là tên gọi khác của Thăng Long - Hà Nội xưa, mà người phương Tây đến đất này quen gọi từ thế kỷ XVI. Có lẽ cố đạo người Bồ Đào Nha Ba-rô-xơ trong cuốn "Nói về châu Á" xuất bản năm 1550 là người đầu tiên nhắc đến tên này.
Chợ Đồng Xuân thời Pháp thuộc. |
Chợ thường họp ở nơi trên bến dưới thuyền cho nên mới có câu chợ búa (búa là "bến"). Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Giang Quân cho biết, bên dòng sông Tô xưa có chợ gạo Giang Khẩu, chợ Cầu Đông, chợ Bạch Mã, chợ Bưởi; bên sông Hồng có chợ Đông Bộ, chợ Nam Hoa. Các phường nghề mở chợ bán sản phẩm của mình như chợ gốm Bát Tràng, chợ Giấy Yên Thái, Hạ Yên Quyết (Cót). Chợ Đình bán yếm lụa ở phường Đồng Lạc, chợ Đình Hoa Lộc của phường nhuộm Đan Loan ở phường Đại Lợi, nay ở phố Hàng Đào vẫn còn bia đá ghi lại. Chợ Đình phường thêu của thợ thêu người Quất Động, Hướng Dương ở ngõ Yên Thái. Chợ Hàng Hoa (Ngọc Hà), Yên Quang của dân trại Hàng Hoa, chợ Đại Yên bán thuốc nam…
Các cửa ô cũng có: chợ Ô Yên Hòa, chợ Yên Thọ - Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa - Ô Thịnh Quang, chợ Ô Đống Mác xưa nhiều người gọi là Ô Ông Mạc, chợ Ô Cầu Giấy, chợ Đồng Lầm - Ô Kim Hoa. Cổng thành tồn tại các chợ Cửa Đông, Cửa Nam, Đình Ngang.
Sự sầm uất của Kẻ Chợ xưa được Ba rôn, du khách người Anh thế kỷ XVII miêu tả: "Thành phố Ca Cho (phiên âm khác của Kẻ Chợ) là thủ phủ của Bắc Kỳ… nó lớn hơn nhiều thành phố khác về mặt dân số, đặc biệt vào ngày 1 và 15 âm lịch là những ngày phiên chợ chính, thì dân lân cận cùng với hàng hóa đổ đến đông không tưởng tượng được".
Phan Huy Chú kể: Thăng Long thế kỷ XVIII có 8 chợ lớn: Cửa Đông, Cửa Nam, Đình Ngang, Huyện, Bà Đá, Văn Cử, Bác Cử và Ông Nước. Đại Nam nhất thống chí viết: Thế kỷ XIX Hà Nội có 12 chợ, trong đó huyện Thọ Xương có 5 chợ: Đông Kiều (Cầu Đông), Đình Ngang, Cửa Nam, Đông Thành, Chợ Mới; huyện Vĩnh Thuận có 2 chợ Yên Thái, Yên Thọ; huyện Từ Liêm có 3 chợ Dịch Vọng, Đông Ngạc, Phù Diễn; huyện Thanh Trì có 2 chợ Am, Văn Điển.
Chợ Mới được ghi: "ở phía đông tỉnh thành, mỗi tháng 6 phiên, nhiều người họp chợ, buôn bán đủ các mặt hàng là một chợ lớn trong tỉnh." Như vậy chợ Đồng Xuân là chợ lớn nhất Hà Nội. Năm 1889, Pháp chiếm xong Hà Nội, cho lấp sông Tô để mở phố xá, dồn hai chợ cổ là Cầu Đông - dấu tích còn lại là ngôi chùa Cầu Đông ở 38b phố Hàng Đường và Bạch Mã (bên cạnh đền Bạch Mã thờ Thành hoàng Thăng Long) vào khu đất trống cạnh đình. Đồng Xuân ban đầu chỉ là những cầu chợ, quán chợ lợp lá, khung tre, bên ngoài có hàng rào nứa. Cái chợ ấy được gọi là "Chợ Mới." Khi chợ họp đông thì được mở rộng: xây 5 cầu chợ khung sắt mái tôn. Mỗi cầu chợ dài 52m, cao 19m rất thoáng đãng, lúc này chợ mang tên Đồng Xuân, khánh thành năm 1890.
Nhà văn Thạch Lam nhìn chợ theo góc độ ẩm thực gọi chợ Đồng Xuân là cái bụng của thành phố. "Tất cả của ngon vật lạ các nơi đều đem đến đây để hiến cho sự thưởng thức sành sỏi của người Hà Nội". Có bài ca dao tả khá sinh động:
Hà Nội như động tiên sa
Sáu giờ máy hét đèn xa đèn gần
Vui nhất là chợ Đồng Xuân
Thức gì cũng có xa gần bán mua…
Chợ Đồng Xuân đã sinh ra 2 chợ khác. Một, là chợ phụ Bắc Qua, để tiếp nhận nông sản, gia cầm, gia súc, hàng tươi sống. Chợ ở sau chợ Đồng Xuân, họp trên nền của nhà máy sợi cũ có tên Bắc Qua, thành tên chợ luôn. Hai, chợ hoa, rất đặc biệt, chỉ họp mỗi năm một phiên từ tết Ông Công đến đêm Giao Thừa. Nguồn gốc là chợ Đồng Xuân cũng có một cầu chợ bán hoa, cây cảnh cho thú chơi tao nhã của người Hà Nội ở sát mé phố Hàng Khoai. Ngày thường họp không sao, nhưng vào dịp Tết Nguyên đán, hoa từ các làng Ngọc Hà, Tây Hồ, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân, Yên Phụ… đổ về thì Đồng Xuân không chứa nổi, lúc đầu nới ra phía trước chợ từ chùa Cầu Đông đến đền Huyền Thiên phố Hàng Khoai, nới rộng sang Hàng Lược rồi lan ra Hàng Mã, Hàng Rươi, Hàng Chai, Hàng Giấy… Dần dần, chợ Hoa Hàng Lược trở thành điểm văn hóa không thể thiếu của Tết Hà Nội.
Chợ Cửa Nam khi chưa bị phá. |
Ngoài ra Hà Nội còn có những chợ xưa như Cửa Nam, Hàng Da, Dừa, Mơ, Hôm, Bưởi… Chợ Hôm còn có tên cũ là chợ Dốc Hàng Gà. Chả là đầu thế kỷ XIX có một chợ bán gà, vịt ở gần phố Hàng Bài bây giờ. Khi các phố Tây mở rộng, nó phải chạy xuống họp ở mảnh đất vườn chùa Đức Viên, thôn Giáo Phường. Đoạn này có một cái dốc. Đến năm 1921, phố Huế xây xong, chợ Hôm mới hình thành, lúc đầu chỉ họp buổi chiều như tên gọi của nó để bà con dân nghèo vùng Đầm Sét, Sở Lờ, Linh Đường… kịp đem mớ tôm, con cá, mẻ ốc, xâu ếch kiếm được về bán. Bưởi là chợ lớn ven đô từ thế kỷ XV, của thợ làm giấy và dệt lụa các làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, Nghĩa Đô, Bái Ân, Trích Sài… chợ họp ở các bến có nhiều cây bưởi chỗ ngã ba sông Tô Lịch - Thiên Phù. Sông Thiên Phù bị lấp, chợ càng rộng đất. Lúc đầu gọi là chợ Thôn Tây Yên Thái, chứng cứ còn ghi trên bia "Tây Thôn Thị bi ký" tạo năm 1851. Bên cạnh giấy moi, giấy bản, giấy thị, giấy lệch, giấy sắc của các làng giấy còn có lĩnh Trích Sài, vải Nghĩa Đô, kẹo nha An Phú, cây cảnh Tây Hồ. Đặc điểm của chợ đã vào ca dao:
Chợ Bưởi một tháng 6 phiên
Ngày tư, ngày chín nên duyên đèo bòng
Tháng Tám lại thêm phiên rằm….
Theo nhà văn Tô Hoài, giáp tết chợ Bưởi có phiên trâu, bò từ các nơi đưa đến phục vụ cho bà con mổ thịt cúng ông bà hàng dầu Vũ Phục - Thần Hoàng của vùng.
Chợ thuốc nam làng Đại Yên có từ thời Lý, gắn với Ngọc Hoa Công chúa đem nghề thuốc nam truyền cho dân làng từ thế kỷ XI, nay vẫn còn họp.
Qua nhiều biến thiên, nhiều chợ của Hà Nội không còn, chỉ có dấu vết hoặc trong ca dao, dân ca và lời kể của người già. Đó là chợ Võng Thị. "Rượu nồng hương mới chín, lũ túy ông tất tưởi dáng sang đò." Chợ Yên Quang, xưa ở khoảng giữa phố Quán Thánh thì "Phiên rằm chợ chính Yên Quang /Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua".
Chợ Lủ, tên thế nhưng lại đặt ở đất Định Công, một thời là niềm tự hào của cả vùng, lúc rộng nhất hơn 3.600m2, họp tháng 9 phiên, có dạo bán cả trâu, bò. Nay nó thành chợ cóc lèo tèo bên bờ bắc sông Tô Lịch.
"Ai về Khương Hạ Đình Gừng/Dưa chua cà muối xin đừng quên nhau". Đã có một dạo cả làng này muối dưa, cà bán, nay số đông đều bỏ vì ít người mua, chum vại úp ngược bỏ không từng đống, chợ Đình Gừng nay thành chợ Khương Đình. Chợ Sét (xóm Bến làng Giáp Lục nằm bên sông Sét nối với sông Tô), chợ Hàng Tre, Hàng Gạo, Cửa Đông, Đình Ngang, Đình Gừng, Đồng Lầm… cả chợ Tơ họp ở ngoài đường phố Hàng Đào vào ngày 1, ngày 6, cũng chỉ còn trong hồi ức.
Nhưng lại có nhiều chợ khác ra đời. Chợ Giời hình thành trước ngày Thủ đô giải phóng quanh hồ Thiền Quang, sau gom thành chợ Hòa Bình. Chợ Âm Phủ - tên nôm na của chợ 19-12, chợ Hàng Bè ở phố Gia Ngư. *
* *
Nói chung ngày nay thành phố không còn chợ phiên nữa. Muốn biết mức sống của người dân vùng nào hãy đến xem chợ nơi đó. Văn hóa chợ còn phản ánh trình độ dân trí bản địa. Giờ thành phố có 136 chợ lớn, nhỏ ở nội, ngoại thành, được xếp thành 4 loại:
A-5 chợ đầu mối nông sản - thực phẩm: Đền Lừ, Dịch Vọng, Xuân Đỉnh, Bắc Thăng Long và chợ hoa hàng hóa Tây Tựu - chủ yếu bán buôn cho người kinh doanh ở các chợ dân sinh.
B-9 chợ loại I: Đồng Xuân, Long Biên, Ngã Tư Sở, Hôm - Đức Viên, Mơ, Dịch Vọng (đồ cũ - xe máy), Hủng Tuần, thị trấn Đông Anh, thị trấn Sóc Sơn.
C-20 chợ loại II: Hàng Da, Ngọc Hà, Ngô Sĩ Liên, Kim Liên, Thanh Xuân Bắc, Kim Giang, Khương Đình, Thượng Đình, Mỹ Đình, Cầu Diễn, Mai Động, Đuôi Cá, Trương Định, Gia Lâm, Thạch Bàn, Ninh Hiệp, Bưởi, Nỉ, Phù Lỗ, Văn Điển.
D-102 chợ loại III: Hoàn Kiếm 4, Ba Đình 5, Đống Đa 10, Tây Hồ 4, Thanh Xuân 2, Cầu Giấy 7, Hoàng Mai 7, Long Biên 3, Từ Liêm 9, Thanh Trì 6, Gia Lâm 14, Đông Anh 15, Sóc Sơn 9. Con số này chưa kể đến một số chợ tạm vừa giải tỏa như Nguyễn Cao, Đặng Trần Côn… Các chợ "xanh", chợ tạm, chợ cóc sinh ra ở các đô thị mới thì không đếm hết.
Có nhiều chuyện, nhiều vấn đề về chợ thành phố hôm nay. Việc chuyển chợ 19-12 thành con đường làm cho nhiều người phấn khởi. Nhưng phố Gia Ngư biến thành chợ gây ô nhiễm môi trường cả một vùng phố cổ. Siêu thị là sự phát triển tất yếu nhưng không nên biến Ta thành Tây: mặt tiền chợ Dừa vừa đắp dòng chữ nổi "OCD PLAZA - chợ - Trung tâm thương mại", luận mãi mới hiểu đó là Ô Chợ Dừa!
5 chợ Châu Long, Mơ, Hôm, Hàng Da, Cửa Nam đang lần lượt trở thành siêu thị. Chợ Cửa Nam xây 2 tầng hầm, 4 tầng nổi, chợ Hàng Da cũng lên cao tầng... Đó là sự phát triển tất nhiên. Nhưng các nhà hoạch định cần nghiên cứu sao cho phù hợp với quảng đại bình dân, đan xen nét tương đồng để đừng xa cách. Siêu thị vẫn nên giữ lại hình bóng của chợ quê xưa. Có tiếp nối truyền thống thì đô thị mới phát triển theo lối ổn định lâu bền.
Về cuộc thi viết "Cả nước hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" Cuộc thi còn hai chu kỳ chấm giải vào tháng 10-2010, với 1 giải nhất 10 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 3 triệu đồng, 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng. Chủ đề: Truyền thống Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm sâu sắc qua các thời kỳ, khuyến khích giai đoạn hiện tại, với những con người, sự kiện mới tiêu biểu cho sự nghiệp CNH-HĐH. Để nâng cao chất lượng, BTC quyết định điều chỉnh dung lượng bài dự thi: dài nhất được 2 kỳ, mỗi kỳ 2.000 từ; dùng cả những bài nêu vấn đề nhưng có hệ thống, không sa vào vụ việc cụ thể. Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn. Rất mong sự hưởng ứng của bạn viết xa gần. BTC |