Vẫn là cách... tiết kiệm!
Kinh tế - Ngày đăng : 06:17, 03/05/2010
* Chỉ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được phân bổ điện ưu tiên
* Thực hiện cắt giảm điện luân phiên tại một số địa phương
(HNM) - Từ nhiều năm nay, cứ như là một quy luật: vào mùa hạn hán là cả nước lại thiếu điện nghiêm trọng. Trong khi đó, tập đoàn kinh tế mạnh là EVN được đặc quyền sản xuất, kinh doanh loại sản phẩm đặc thù thiết yếu này dù có nỗ lực đến mấy, cũng không thể cải thiện được tình hình (ít nhất là trong giai đoạn hiện nay). Và điệp khúc muôn thuở vẫn là: "Thượng đế" hãy tiết kiệm điện nếu không muốn bị cắt điện...
Đến thời điểm này, mực nước ở hầu hết các sông trong cả nước đều cạn kiệt. Đặc biệt, mực nước sông Hồng đang ở mức thấp nhất trong lịch sử cùng kỳ của hơn 100 năm qua. Những số liệu mới đây cho thấy, mực nước của đoạn sông chảy qua Hà Nội chỉ dao động khoảng 0,4-1,0m. Mặc dù đợt rét "Nàng Bân" mới đây, ở nhiều địa phương trên miền Bắc đã có mưa nhưng lượng nước do đợt mưa này không đem lại "sức sống mới" cho các hồ chứa. Theo thống kê của ngành điện, ngay cuối mùa lũ năm 2009, trong khi lượng nước về giảm nghiêm trọng, nhiều hồ thủy điện lại phải xả để chống hạn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải đưa ra giải pháp tích nước cho mùa khô. Các nhà máy thủy điện không được phép vận hành hết công suất. Tình trạng thiếu nước càng ngày càng trở nên trầm trọng hơn và nạn thiếu điện không chỉ dừng lại ở mức cảnh báo. Theo tính toán của EVN, mùa khô năm nay, các hồ thủy điện sẽ thiếu khoảng 3 tỷ mét khối nước, tương ứng 980 triệu kWh điện so với năm ngoái.
Mực nước sông Hồng xuống thấp kỷ lục đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp điện cho mùa khô 2010. Ảnh: Viết Thành |
Mùa hạn - mùa thiếu điện
Gần 2 tháng nay, tại nhiều địa phương, nhất là khu vực miền Trung, người dân vừa phải chống chọi với những đợt nóng khốc liệt, vừa chịu cảnh thiếu điện trầm trọng. Có địa phương mỗi ngày phải cắt điện 10 giờ. Ngay cả TP Hồ Chí Minh, từ ngày 21-4 đến 27- 4 lần lượt cắt điện ở 630 khu vực.
Lượng mưa trên cả nước thấp hơn mức trung bình nhiều năm. Mặc dù có đợt gió mùa vào trung tuần tháng 4, nhưng lượng mưa phổ biến 2-30mm hầu như chỉ giải được "cơn khát" cho đồng ruộng, còn tình thế cạn kiệt nghiêm trọng của các sông hầu như không được cải thiện. Theo dự báo, năm 2010 khi các hoạt động kinh tế tiếp tục gia tăng để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của cả năm mà Chính phủ đề ra, thì mức tiêu thụ điện sẽ tăng thêm khoảng 18% so với năm ngoái. Trong khi nhu cầu về điện càng ngày càng tăng cao, nạn khô hạn lại ngày một khốc liệt, các hồ thủy điện đang khó khăn trong việc tích nước phát điện. Hiện, các nhà máy thủy điện lớn nhất miền Bắc như Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang đều phải vận hành ở mức rất thấp (Thủy điện Hòa Bình, với công suất 1.920MW, chỉ cung cấp cho lưới điện quốc gia 1,7 triệu kWh/ngày; Tuyên Quang có sản lượng đầy tải hơn 7 triệu kWh, cũng chỉ phát không quá 400.000kWh/ngày). Cùng chung cảnh ngộ, các nhà máy thủy điện miền Trung và Tây Nguyên cũng chỉ vận hành ở mức khiêm tốn nhất. Nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ chỉ chạy được 3 giờ/24 giờ. Một số nhà máy thủy điện mới được bổ sung cho hệ thống điện như Cửa Đạt, Bản Vẽ... mới tích nước từ năm 2009 đến nay, hiện vẫn chưa qua mực nước chết... Theo các chuyên gia, việc các hồ thủy điện phải xả để chống hạn trong mùa khô, cộng với tình trạng nắng nóng kéo dài đã khiến tổng lượng nước bị mất đi, tương đương với lượng điện thiếu lên tới 1 tỷ kWh điện. Từ đầu mùa khô tới nay, do lượng nước về các hồ thủy điện thấp, nên sản lượng thủy điện cung cấp cho hệ thống chỉ ở mức nhỏ giọt. Thời gian qua, EVN phải khống chế sản lượng phát điện của 20 nhà máy lớn trong hệ thống (tổng công suất 6.200MW) tối đa không được quá 50 triệu kWh/ngày.
Không để xảy ra sự cố mất điện trên diện rộng
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn trung ương, hiện tượng El Nino vẫn tiếp tục kéo dài làm nhiệt độ tăng cao hơn mọi năm, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, lũ tiểu mãn năm 2010 nhỏ... Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện. EVN cho biết, thời gian cao điểm của mùa khô (3 tháng 4, 5 và 6), hệ thống điện cần khoảng 26,4 tỷ kWh. Trong các tháng 4 và 5, lượng phụ tải trung bình ở mức 285 triệu kWh/ngày, tháng 6 nắng nóng, phụ tải có thể lên tới 297 triệu kWh/ngày; với tình trạng như hiện nay quả là khó cho việc bảo đảm nguồn điện để cung cấp cho mọi nhu cầu thiết yếu. Hiện nay, 20 nhà máy thủy điện có công suất lớn đang phải khống chế sản lượng không vượt quá 50 triệu kWh/ngày, nghĩa là chỉ chạy đầy tải 8 giờ/ngày, thấp hơn nhiều so với năng lực và so với các năm trước. Từng nhà máy thủy điện đều phải tính toán để bảo đảm cho hồ chứa không về mực nước chết quá nhanh. Bởi, nếu cố vận hành máy trong điều kiện dưới mực nước chết sẽ khó có thể lường trước mức độ nguy hiểm.
Công nhân Nhà máy Thủy điện Ialy trực vận hành, kiểm tra kỹ thuật thiết bị các tổ máy. Ảnh: Ngọc Hà |
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 424 (ngày 5-4) về tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm cung cấp điện trong các tháng mùa khô. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành quy trình vận hành liên hồ chứa Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, xây dựng hệ thống quan trắc tự động thu thập các thông số về nguồn nước. Bộ Công thương cũng chỉ đạo EVN và các ngành liên quan bảo đảm an toàn cung cấp điện, không để xảy ra sự cố gây mất điện trên diện rộng. Trên cơ sở đó, cần cân đối với nhu cầu phụ tải để lập kế hoạch tiết giảm, theo nguyên tắc ưu tiên phân bố sản lượng điện cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các khu vực bị tiết giảm sẽ thực hiện luân phiên, tránh tình trạng cắt điện kéo dài cục bộ.
Được biết, EVN đã có kế hoạch giám sát việc tiết giảm điện, công bố công khai để khách hàng bố trí sản xuất, sinh hoạt, không để xảy ra tình trạng tiêu thụ vượt mức cho phép, dẫn đến việc phải sa thải phụ tải và cắt điện không báo trước. Việc tìm ra các giải pháp tiết kiệm điện là yêu cầu cấp thiết nhất không chỉ với ngành điện, mà phải có sự đồng thuận của toàn xã hội. Cho dù các nhà quản lý của EVN đã cam kết sẽ đặt trách nhiệm xã hội lên trên hết, nhưng do không có nước để phát thủy điện, thiếu điện là bất khả kháng. Một trong những giải pháp để ứng phó với tình hình cung ứng căng thẳng hiện nay là ngành điện phải khống chế sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng, nếu sử dụng quá mức cho phép, sẽ bị ngừng cấp điện. Có nghĩa là, đối phó với tình trạng thiếu điện vẫn là cách… tiết kiệm!