Không thể quên đi quá khứ!

Giáo dục - Ngày đăng : 07:14, 02/05/2010

(HNM) - Là thế hệ sống trong hòa bình và hoàn toàn xa lạ với chiến tranh, có một số "9x" cho rằng, với tuổi trẻ hiện nay không nên nhớ nhiều về quá khứ, đặc biệt khi quá khứ ấy là... chiến tranh? Ý kiến của em thế nào?

Em Vũ Nam Anh, lớp 12 Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

- Đó là một ý kiến theo em rất, rất... bồng bột và thiếu sâu sắc. Tại sao bạn ấy không tự hỏi vì sao hôm nay bạn có thể ăn no mặc ấm, được cắp sách đến trường và được làm những gì mình thích - tất nhiên là trong khuôn khổ cho phép. Câu trả lời có thể bạn cũng biết nhưng em vẫn muốn nhắc lại như một bài học không chỉ về lịch sử mà còn về đạo đức. Để đất nước thanh bình như ngày hôm nay, để bạn được sinh ra trong không khí đầm ấm và hạnh phúc của gia đình, cả một thế hệ đã phải hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu và cả sự sống của mình để giành lại độc lập tự do, ấm no hạnh phúc. Bạn có biết đã có khoảng 2 triệu người ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước quyết liệt giữa ta và địch?

Thầy giáo Vũ Huy Thông, dạy lịch sử

- Tôi đã từng nghe một số học sinh nói với nhau thế này trước hàng loạt hoạt động chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: "Có mỗi cái ngày này mà năm nào cũng nói như "ôn nghèo kể khổ", mệt quá!". Cũng có học sinh lại nói: "Chúng ta đang cố gắng hàn gắn các dân tộc, xóa đi mọi thù hận trong quá khứ. Vậy cứ đến ngày này, chúng ta lại nói đến chuyện cũ có khác nào, chúng ta đào sâu vào nỗi đau và cố gắng đẩy ra xa quan hệ giữa hai nước"? Theo tôi với một học sinh chưa tốt nghiệp THPT, lại hỏi câu này là hay và cũng đau đáu với chuyện thế sự. Tôi đã giải thích rất đơn giản với các em rằng, ôn lại lịch sử hào hùng không phải là để "xoáy vào nỗi đau" mà là chúng ta tiếp thêm hào khí của quá khứ cho ngày hôm nay, của thế hệ trước cho thế hệ sau và tỏ lòng biết ơn với thế hệ đã hy sinh xương máu cho cuộc chiến tranh này để giành lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người bằng cách kể lại câu chuyện mà họ là một trong những nhân vật chính chấp nhận hy sinh, chấp nhận gian khổ... Và đó cũng là một hình thức giáo dục đạo đức, lịch sử cho thế hệ hôm nay.

Nguyễn Xuân Bách