Ươm cây chờ ngày hái quả!
Thể thao - Ngày đăng : 07:11, 02/05/2010
18 năm nhọc công gây dựng
Hà Nội không phải là địa phương đầu tiên trong cả nước phát triển cử tạ, môn thể thao không thể thiếu trong các kỳ Olympic. Từ năm 1984, TP Hồ Chí Minh đã phát triển cử tạ. Phải tới năm 1992, Giám đốc Sở TDTT Hà Nội lúc ấy là Hoàng Vĩnh Giang mới quyết định đưa cử tạ vào hệ thống các môn thể thao thành tích cao Hà Nội. Người được ông Giang "chọn mặt gửi vàng" là Hoàng Kim Cúc, xuất thân là VĐV điền kinh, từng là học trò của ông Giang. Cũng không phải ngẫu nhiên mà ông Giang chọn Cúc "voi" (biệt danh của bà Hoàng Kim Cúc). Thời kỳ còn huấn luyện cho Hoàng Kim Cúc, nhìn Hoàng Kim Cúc tập luyện với tạ trong những bài bổ trợ thể lực, ông Giang đã thấy tố chất phù hợp với môn cử tạ của học trò. Và thế là bà Cúc bắt đầu hành trình làm Chủ nhiệm CLB Cử tạ với hành trang như bà tự nhận là "tay không bắt giặc". Cũng phải đi tuyển học trò ở các vùng xa của Hà Nội rồi học hỏi kinh nghiệm từ chuyên gia, dần dà bà Cúc cũng lĩnh hội được những kiến thức của cử tạ và xây dựng nên lứa VĐV đầu tiên. Trong lứa ấy, nổi lên Nguyễn Quốc Thanh, lực sĩ sau này đoạt HCV đầu tiên cho cử tạ Việt Nam tại SEA Games (năm 1997). Cũng nhờ thành tích của Nguyễn Quốc Thanh mà bà Cúc càng có động lực để tin rằng có ngày cử tạ Hà Nội sẽ vươn lên tầm châu lục, thậm chí là Olympic.
VĐV cử tạ Nguyễn Phương Loan đoạt HCV SEA Games 25. Ảnh: Viết Thành |
Nhưng không phải lúc nào trời cũng chiều lòng người. Trong 12 năm sau ngày Nguyễn Quốc Thanh đoạt HCV SEA Games, cử tạ Hà Nội không có lực sĩ nào đoạt thêm 1 tấm HCV SEA Games, cùng lắm chỉ đoạt HCB và đi kèm đó là bao lời trách móc. Lứa VĐV thứ hai và thứ ba, sau lứa Nguyễn Quốc Thanh, được kỳ vọng nhiều nhất vì nhiều VĐV có tố chất cực tốt khi được đưa lên đội tuyển tập với giáo án quá nặng đã lần lượt bị chấn thương nặng, không còn cơ hội lên đến đỉnh cao SEA Games chứ chưa kể đến ASIAD, Olympic. Tới giờ, nhắc lại chuyện này, bà Cúc vẫn tiếc đứt ruột. Tiếc cho mình và cả học trò. Không kể 12 năm ấy bà Cúc "voi" nếm đủ cay đắng của nghề huấn luyện. Học trò thất bại về chuyên môn là một chuyện. Học trò sắp thành tài đột nhiên rẽ ngang bỏ về đi làm hoặc đi lấy chồng khiến các thầy cứ ngẩn ngơ vì tiếc. Có trường hợp cũng có tài nhưng Ban huấn luyện đành "trả về địa phương" vì vô kỷ luật, trộm vặt của đồng đội. Nhưng đau nhất có lẽ là chuyện học trò bỏ ra ngoài đi làm, đến lúc bạn bè hỏi rằng: "Thế mày không nghĩ đến lúc cô trả tiền học để yên tâm tập luyện à?" thì cô học trò dửng dưng: "Ôi dào! Có mấy trăm nghìn tao đi làm rồi trả lúc nào cũng được".
Động lực từ SEA Games 25
Phải đến cuối năm 2009, cử tạ Hà Nội trong đó có bà Hoàng Kim Cúc mới mở mày mở mặt sau khi Nguyễn Phương Loan đoạt HCV SEA Games 25. Cùng lúc đó, những tín hiệu tích cực từ lứa VĐV thứ 6 và thứ 7 (sinh sau 1990) cũng khiến bà Cúc yên tâm với mục tiêu tấn công vào ASIAD và Olympic. Sau những Nguyễn Phương Loan, Nguyễn Mạnh Thắng, giờ đây cử tạ Hà Nội đã có nguồn VĐV kế thừa xứng đáng trong đó nổi lên Nguyễn Thị Hồng (1 HCB, 1 HCĐ giải trẻ thế giới), Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Ngọc Chung, Nguyễn Bách Chinh. Ngay ở giải thiếu niên toàn quốc vừa qua, lứa VĐV thứ 8 của cử tạ Hà Nội cũng tỏ ra vượt trội khi giành tới 40 HCV, 13 HCB, 5 HCĐ hơn đoàn thứ nhì TP Hồ Chí Minh tới 33 HCV. Đấy là thành quả xứng đáng sau bao công sức gây dựng để đến giờ, cử tạ Hà Nội lúc nào cũng có khoảng 60 VĐV trải đều các tuyến cùng hệ thống cơ sở vật chất khá đầy đủ - là mơ ước với nhiều địa phương.
Những nỗ lực và thành công ấy của cử tạ Hà Nội đã được lãnh đạo ngành nhìn ra và từ đầu năm nay đã đưa vào diện đầu tư trọng điểm chuẩn bị cho ASIAD 2014 cũng như Olympic 2016. Vấn đề bây giờ chỉ là như bà Cúc thổ lộ: "Bên cạnh việc được đầu tư mạnh mẽ thì lạy giời đừng VĐV nào của tôi rẽ ngang. Nếu không bao công sức của các thầy cũng thành công cốc".