Số phận hàng nghìn con trẻ
Đời sống - Ngày đăng : 06:46, 02/05/2010
Hoàn cảnh vụ việc tương tự, số phận hai đứa trẻ ở đây có nhiều nét tương đồng: Cậu bé Nguyễn Hào Anh, 14 tuổi, đã bị vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức ở ấp Phú Hiệp, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) là Huỳnh Thanh Giang (30 tuổi) và Mã Ngọc Thơm (33 tuổi) hành hạ đến tàn tạ về thể xác, hoảng loạn về tinh thần.
Vợ chồng chủ trại Minh Đức đã có những nhục hình với cậu bé dã man như thời trung cổ, như: dùng kìm bẻ răng, dùng nước sôi đổ vào người, dùng dây cao su đánh đập… Khi vụ việc được phát giác, cháu Hào Anh được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện trong tình trạng thân thể đầy thương tích. Trong gần 6 tháng qua, cháu bị vợ chồng chủ đánh đập tàn bạo, không cho tiếp xúc với người lạ.
Đây là "vụ Nguyễn Thị Bình thứ hai" nhưng là một trong hàng nghìn vụ ngược đãi, bạo hành trẻ em diễn ra trong mấy năm gần đây, với nhiều mức độ khác nhau. Có trường hợp bị bạo hành bởi… "áp dụng sai phương pháp", chẳng hạn cháu bé Đỗ Ngọc Bảo Trân (TP Hồ Chí Minh), học sinh mẫu giáo, bị giáo viên dán băng keo vào miệng do hay khóc. Một cháu khác, Huỳnh Thị Ngọc Trâm, 10 tuổi (Đồng Tháp), bị nghi lấy 47.800 đồng đã bị thầy hiệu trưởng giao cho Công an xã hỏi cung… Có trường hợp bị bóc lột, chẳng hạn cháu Hồ Thị Bông, 9 tuổi (TP Hồ Chí Minh) bị mẹ nuôi bắt đi ăn xin. Không kiếm đủ "định mức", cháu bị bà mẹ quý hóa này đổ nước sôi lên người.
Ngược đãi, bạo hành, nhục hình… trẻ em - những búp trên cành, những mùa xuân và tương lai đất nước - đã trở thành một tệ nạn không chỉ diễn ra ở trong những môi trường xã hội khắc nghiệt như sử dụng lao động trẻ em, ăn xin… mà còn phổ biến ngay ở những nơi đầy tính quy phạm như nhà trường, thậm chí ngay tại mái ấm của nhiều cháu…
Nói chung là như vậy…
Vợ chồng chủ quán phở trong vụ cháu Nguyễn Thị Bình đã bị pháp luật trừng trị. Còn hiện tại, cơ quan chức năng đã khởi tố "vụ án Nguyễn Thị Bình thứ hai", đã tạm giam ông chủ và cho bà chủ cháu Hào tại ngoại vì đang nuôi con nhỏ. Họ sẽ phải nhận hình phạt trước pháp luật.
Tuy nhiên, ít ai dám tin rồi đây sẽ không còn những vụ việc tương tự. Tại sao lại như vậy?
Bao giờ chúng ta làm được như nhiều nước phát triển: Nếu cha mẹ dùng bạo lực, ngay cả để giáo dục, đối với con cái, bị phát hiện, họ sẽ bị phạt nặng, thậm chí đi tù? Chưa nói đến người ngoài xã hội, chưa nói đến một số… thầy, cô giáo…
Bao giờ bất cứ một vụ bạo hành nào, ở mức độ nhẹ nhất, cũng bị "sờ gáy"? Tại sao vẫn có vô số vụ xảy ra trong một thời gian dài, gần chính quyền sở tại, nhiều người dân biết song chỉ bị "lôi ra" khi báo chí lên tiếng?
Chúng ta có quá nhiều vụ bạo hành trẻ em bị "chìm xuồng", lắng xuống sau những bức xúc ban đầu của công luận. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã hoạt động mấy năm nay sẽ làm được gì?
Ai dám tin rằng cháu Hào Anh sẽ không bị những ám ảnh trong cả cuộc đời! Số phận của cháu cũng là số phận của hàng nghìn trẻ em đang bị bạo hành, ngược đãi khác.