Ước mơ và tính khả thi
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:44, 02/05/2010
Công trình kỷ lục đó có tên "kho nổi chứa xuất dầu FSO5", có công năng tách lọc dầu từ mỏ, xử lý tách lọc nước, tạp chất với một hệ thống hiện đại và xuất dầu thô cho các tàu chở dầu, tàu dịch vụ. Chủ đầu tư là Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí - PTSC thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu (thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin) và Viện Khoa học công nghệ tàu thủy thiết kế thi công. Thứ hai, Công ty Đóng tàu Hạ Long (cũng thuộc Vinashin) đã chính thức bàn giao tàu chở ô tô mang tên Victory Leader có sức chứa 4.900 xe cho chủ tàu Ray Shipping (Israel). Đây cũng được xem là con tàu hiện đại nhất Việt Nam cho đến thời điểm này.
Trước đó, có hàng loạt "hỷ sự" được ngành đóng tàu loan báo, như: đã có những lô đặt hàng sản xuất những con tàu có tải trọng hàng chục nghìn tấn của nước ngoài; đã hạ thủy thành công những con tàu tải trọng từ 53.000 đến 56.000 tấn…; và ấn tượng nhất là, Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong 5 cường quốc đóng tàu của thế giới…
Vậy, đến nay, ngành đóng tàu Việt Nam đã làm được gì?
Trong một hội thảo được tổ chức gần đây trong khuôn khổ Triển lãm hàng hải Việt Nam (Vietship), khi Vinashin đưa ra mục tiêu nội địa hóa 60%, ít ai dám tin.
Bất cứ ngành nào đều có quyền có những ước mơ, khát vọng. Nhưng, ước mơ, khát vọng có tính hiện thực sẽ đem lại niềm vui thực sự. Còn nếu những ước mơ, khát vọng đó quá xa thực tế thì cần phải xem lại về tính lãng mạn thái quá.
Trong khi ngành đóng tàu liên tục loan báo những "kỷ lục mới" thì Việt Nam vẫn chỉ là… nơi gia công cho ngành hàng hải thế giới.
Khách quan mà nói, trình độ kỹ thuật ngành đóng tàu Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể. Tuy vậy, cũng khách quan mà nói, thì "lợi thế so sánh" của ngành đóng tài Việt Nam là… giá nhân công rẻ. Ngay nguồn nhân lực có tay nghề cao của Vinashin cũng chỉ bằng 1/10 so với Hàn Quốc.
Việt Nam là quốc gia biển, với hơn 3.200km bờ biển, hàng nghìn hòn đảo ven bờ, xa bờ và hàng triệu kilômét vuông vùng biển. Từ thời Lý (1010-1226), cha ông chúng ta đã làm chủ vùng biển nước nhà. Còn hiện tại, chúng ta có chiến lược tiến ra đại dương, trở thành một cường quốc biển (chứ không chỉ đơn giản là cường quốc đóng tàu).
Như đã nói, ngành nào cũng có quyền có ước mơ, khát vọng. Vấn đề là ước mơ phải có tính hiện thực và khi gặp lực cản thì phải tìm ra để phá nó, nhằm thực hiện được ước mơ. Nếu không, ước mơ vẫn chỉ là… ước mơ lãng mạn thái quá.