Tấm gương bất diệt

Chính trị - Ngày đăng : 06:40, 02/05/2010

(HNM) - Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1-5-1904, là con ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát, quê xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Phú đã dồn hết tâm trí cho học tập, tham gia "Hội Tu tiến" để giúp đỡ bạn bè cùng chí hướng và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước. Đồng chí đã tiếp nhận những tư tưởng yêu nước và cách mạng của Nguyễn Ái Quốc qua sách, báo truyền vào Việt Nam lúc đó.

Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của Trần Phú là việc đồng chí được cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây Trần Phú đã gặp Nguyễn Ái Quốc, dự lớp huấn luyện chính trị do Người giảng dạy. Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc tin cậy, kết nạp vào nhóm bí mật (Cộng sản Đoàn) với tên gọi Lý Quý, được giới thiệu sang học tại Trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva. Tháng 4-1930, Trần Phú được Quốc tế Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử về nước hoạt động với cương vị là cán bộ chủ chốt của Đảng và có những đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam.

Tháng 7-1930, Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Đồng chí đã khẩn trương xúc tiến việc tổ chức các cuộc trao đổi với các đồng chí lãnh đạo trên các lĩnh vực, các vùng và nghiên cứu khảo sát thực tế tại Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Hòn Gai, Thái Bình để hoàn thành bản Luận cương chính trị. Luận cương chính trị do Trần Phú dự thảo và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng l0-1930 thông qua, là văn kiện quan trọng của Đảng. Với công lao và đóng góp to lớn đó đồng chí Trần Phú đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 10-1930 bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên, Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đồng chí Trần Phú là người cộng sản mẫu mực, nêu tấm gương kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Đồng chí bị địch bắt ở Sài Gòn ngày 18-4-193l.

Trước sự tra tấn và đầy ải dã man của kẻ thù, Tổng Bí thư Trần Phú hy sinh ngày 6-9-1931. Trước lúc hy sinh, Trần Phú nhắn gửi đồng chí, đồng bào lời nói bất hủ: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: "Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng". Trong bài tưởng nhớ đồng chí Trần Phú năm 1932 lưu trữ tại Hồ sơ Quốc tế Cộng sản đã khẳng định: "Sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của Tổng Bí thư Trần Phú trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản trên toàn thế giới, đặc biệt là những người cộng sản Đông Dương".