Quá thờ ơ, chủ quan
Xã hội - Ngày đăng : 06:03, 02/05/2010
Ngày 29-4, có mặt trên đoạn đê Lập Phương (xã Khai Thái), trong cái nắng oi bức, chúng tôi không sao chịu được mùi hôi thối của xác lợn đang trong giai đoạn phân hủy. Mặc dù lợn chết được bọc gói trong bao tải, nhưng mùi nồng nặc, ô uế của xác gia súc chết ô nhiễm không khí trên con đường mà hằng ngày người dân vẫn đi qua. Không chỉ ở trên đê, đoạn cầu Khang, dưới dòng chảy hàng chục bao tải mà người dân nơi đây cho biết đó là tải chứa xác gia súc, gia cầm đang phân hủy, nhìn cảnh tượng đó ai cũng hãi hùng. Điều đáng lo ngại là kênh dòng chảy qua địa phận xã Khai Thái sẽ đi tới 9 xã của huyện Phú Xuyên, vì vậy, lợn dịch ở đây sẽ là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát tán.
Anh Nguyễn Văn Ngọc, ở Thường Tín cho hay: Mấy năm nay, tôi bán hàng trên địa bàn xã Khai Thái, nên thường đi qua đê Lập Phương. Cách đây vài ngày đi vào đoạn đường gần xã thấy có mùi hôi thối bốc lên rất nặng từ các bao tải chứa xác gia súc, gia cầm vứt đầy dưới cầu Khang và quanh các đám cỏ ven đê.
Theo ông Đàm Quang Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Khai Thái, tổng đàn lợn của xã là hơn 2.000 con. Từ đầu tháng 4 bắt đầu xuất hiện tình trạng lợn ốm chết nhưng đến cuối tháng thì số lượng ngày càng nhiều hơn, chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa chú trọng việc tiêm phòng dịch bệnh. Cũng theo ông Phương, những bao tải gia súc, gia cầm chết này là từ các xã khác trôi dạt về. Được biết, huyện đã cấp cho xã 2 tấn vôi bột, 6 lít thuốc sát trùng để tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, chuồng trại chăn nuôi khống chế mầm bệnh, hạn chế sự phát tán lây lan của dịch. Ông Đàm Quang Phương cho biết, chính quyền xã đã tổ chức vớt các bao tải để tiêu hủy. Còn ông Phùng Văn Tảo, Trạm trưởng Trạm Thú y Phú Xuyên cho biết: "Hiện tượng dịch lợn tai xanh đã xuất hiện ở Phú Xuyên từ cuối tháng 4 ở xã Phúc Tiến, ở 1 hộ gia đình, Trạm Thú y huyện và địa phương đã tổ chức tiêu hủy, khoanh vùng dịch, tổng vệ sinh tiêu độc. Các triệu chứng lợn ốm, sốt, bỏ ăn ở xã Khai Thái, chúng tôi nghi ngờ là dịch tai xanh. Ngày 28-4, Trạm đã hướng dẫn cán bộ thú y xã, chính quyền địa phương và người dân khi phát hiện thấy lợn ốm chết phải tổ chức tiêu hủy ngay; kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn trên địa bàn; xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; tổ chức tiêm phòng bổ sung 4 bệnh cho đàn lợn…".
Qua sự việc nêu trên có thể thấy, trước hết là sự thiếu ý thức của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch lợn tai xanh nói riêng. Bên cạnh đó, việc phản ứng với tình hình của chính quyền cơ sở và ngành chủ quản là quá chậm trễ. Những vấn đề này không được nhanh chóng khắc phục và nghiêm túc rút kinh nghiệm thì dịch bệnh có điều kiện lây lan trên diện rộng và môi trường sống của người dân bị đe dọa, ảnh hưởng nghiêm trọng.