Dự luật cải cách tài chính Mỹ: Bức tường khó vượt
Thế giới - Ngày đăng : 05:52, 02/05/2010
Trước đó, ngày 26-4, cuộc cải cách toàn diện nhất trong ngành ngân hàng Mỹ đã suýt bị "tắc" tại Thượng viện khi các nghị sỹ đảng Cộng hòa không muốn thảo luận dự luật vào lúc này. Với tỷ lệ 57 phiếu thuận và 41 phiếu chống, Thượng viện đã không hội đủ 60 phiếu cần thiết để đưa dự luật ra thảo luận tại phiên họp toàn thể. Tuy nhiên, bế tắc tại Thượng viện xung quanh dự luật này bị phá vỡ sau khi Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Chris Dodd, nghị sỹ Dân chủ và Thượng nghị sỹ hàng đầu của đảng Cộng hòa tại ủy ban, ông Richard Shelby đạt thỏa thuận về biện pháp kiểm soát các thể chế tài chính lớn có nguy cơ đổ vỡ, đe dọa nền kinh tế Mỹ.
Cuộc khủng hoảng tài chính là căn nguyên khiến kế hoạch cải tổ tài chính toàn diện phố Wall ra đời. |
Đây được coi là thắng lợi lớn của đảng Dân chủ và chính quyền của Tổng thống B.Obama vì dự luật hiện là ưu tiên hàng đầu của Nhà Trắng vào thời điểm này. Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính của Mỹ vừa qua đã lộ rõ nhiều sơ hở trong hệ thống tài chính - ngân hàng. Hậu quả là kế hoạch giải cứu hệ thống này phải sử dụng đến hàng trăm triệu USD tiền thuế của người dân trong khi giới chủ tài chính - ngân hàng vẫn nhận lương ở mức ngất ngưởng cùng các khoản tiền thưởng cao chót vót.
Đây cũng là một trong những cam kết của Tổng thống B.Obama ngay sau khi nhậm chức. Nội dung của dự luật Cải cách tài chính mới đã đề ra những quy định chặt chẽ hơn về hoạt động của các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn. Cụ thể, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ được quyền kiểm tra bất cứ tập đoàn ngân hàng và tài chính nào có tài sản lớn hơn 50 tỷ USD; đồng thời có quyền buộc các ngân hàng phải cắt giảm hoặc đình chỉ các hoạt động giao dịch nhiều rủi ro. Các tập đoàn tài chính lớn phải ký quỹ 50 tỷ USD dự phòng nhằm giải cứu chính nó khi bị thua lỗ. Các quỹ đầu tư lớn sẽ phải đăng ký hoạt động với Chính phủ...
Nền kinh tế trị giá 13.800 tỷ USD của Mỹ rõ ràng đang lệ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng. Thế nên, việc quản lý tốt các hoạt động của ngân hàng từ Chính phủ là cần thiết; song, thế lực tư bản hùng mạnh với quy mô toàn cầu này không dễ dàng bị khuất phục. Các nhóm vận động hành lang của giới doanh nghiệp Mỹ nhanh chóng "phản pháo". Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Mỹ Edward Yingling cho rằng: "Kế hoạch của Chính phủ là quá lớn và gây nhiều tranh cãi tới mức rất khó để có thể trở thành luật. Kế hoạch này sẽ gây ra những xáo trộn lớn trên thị trường tài chính". Điểm gây tranh cãi nhiều nhất trong dự luật là cho phép FED, cùng một hội đồng do Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ chủ trì, giám sát các định chế tài chính lớn nhất của Mỹ. Các nhà quan sát cho rằng, quyền lực của FED - Ngân hàng trung ương Mỹ trong lĩnh vực tài chính kinh tế đã quá lớn, nếu lại được "ban tặng" quyền lớn hơn, sẽ tạo rủi ro mang tính hệ thống ngày càng lớn hơn. Ngoài ra, dự luật được bàn thảo, nếu được thông qua sẽ là cú giáng mạnh vào quyền lợi không dễ gì chia sẻ của các ngân hàng. Đây chính là điều đã khiến giới ngân hàng Mỹ phản ứng rất mạnh mẽ.
Ngay từ khi dự thảo dự luật được công khai, hàng trăm chuyên gia vận động hành lang của phố Wall, trong đó có nhiều người làm việc trực tiếp với các nghị sĩ Cộng hòa, đã mở chiến dịch cản trở dự luật. Các nhóm "gây áp lực" đã chi gần 500 triệu USD để tìm cách loại bỏ một số điều khoản trong dự luật liên quan đến việc thành lập cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và các giao dịch sản phẩm phát sinh trên các thị trường truyền thống. Song vụ gian lận tài chính của Tập đoàn Tài chính Mỹ Goldman Sachs - tập đoàn nổi tiếng là có uy tín trên toàn nước Mỹ - vừa bị "lộ sáng" vào giữa tháng 4 vừa qua, đang bị các nhà chức trách Mỹ điều tra đã trao cho Tổng thống Obama quân "át chủ bài" để đẩy tới dự luật Cải cách tài chính được xem là một cuộc đổi thay kiến trúc tài chính của phố Wall. Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ Christopher Dodd cho rằng, dự luật sẽ buộc phố Wall có trách nhiệm hơn và giúp người đầu tư tránh được hiểm nguy "trong bóng tối của hệ thống tài chính".
Dự luật cải tổ tài chính đã được Hạ viện thông qua nhưng cuộc thảo luận liên quan tới số phận của nó đang diễn ra quyết liệt tại Washington. Trước cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11 ngày càng đến gần, đây là một thách thức lớn về chính sách đối nội mà chính quyền của Tổng thống B.Obama phải đương đầu.