Ngọc càng thêm sáng
Chính trị - Ngày đăng : 07:12, 01/05/2010
Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. |
Có thể hình dung vai trò trung tâm kinh tế của TP Hồ Chí Minh qua các con số đóng góp 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/3 giá trị xuất khẩu, 1/4 GDP và 1/3 nguồn thu ngân sách cả nước. Tăng trưởng GDP bền vững giữ mức bình quân 10-12%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, chú trọng đầu tư sản xuất công nghệ cao, kết hợp nền nông nghiệp đô thị sinh thái. Trong đó, khối kinh tế tư nhân được hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển, mở rộng quy mô, đồng thời sắp xếp lại, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để hoạt động hiệu quả hơn. Môi trường kinh doanh được quốc tế đánh giá cao nên thu hút đầu tư nước ngoài liên tục tăng trưởng khá, chiếm 1/3 tổng số dự án, 1/4 tổng mức vốn đăng ký của cả nước.
Thành tựu nổi bật nhất của TP là đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đầu tư xây dựng trường lớp chiếm 20% vốn xây dựng cơ bản hằng năm, góp phần hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học. Mạng lưới y tế cơ sở phát triển, củng cố chất lượng, ưu tiên vùng nông thôn ngoại thành. Trẻ em được khám, chữa bệnh miễn phí, hộ nghèo khó khăn, người tàn tật, người già neo đơn được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Thành phố cũng đã "xóa nghèo" xong cho những hộ có (thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/năm) và giảm tỷ lệ hộ nghèo (thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm) còn 8%. Việc quan tâm chăm lo thiết thực cho trẻ em, hộ nghèo, đóng góp ủng hộ đồng bào các tỉnh bị thiên tai... đã lan tỏa sâu rộng, được người dân đồng lòng ủng hộ, dần hình thành nếp sống văn hóa đẹp trong cộng đồng dân cư.
Nói về chặng đường sắp tới, ông Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP cho biết: Người dân có thể tin tưởng và nhìn thấy những nỗ lực của TP trong thời gian qua về quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông với các trục xuyên tâm, trục Bắc Nam, đường vành đai, metro… hình thành một số khu đô thị mới (Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, Tây Bắc…) hiện đại, hài hòa; đồng thời di dời và tái định cư các hộ dân sống trên và ven kênh rạch, xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, ký túc xá sinh viên, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Chúng ta đang hướng đến diện mạo một đô thị văn minh, hiện đại, xanh và sạch. Đến năm 2020, TP phấn đấu nâng diện tích nhà ở bình quân 16-18m2/người, cải tạo thay thế 100% các chung cư đã hư hỏng nặng, chỉnh trang đô thị, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông vành đai; triển khai xây dựng các tuyến metro, đường trên cao, đường cao tốc liên vùng.
Để chương trình tái cấu trúc nền kinh tế đạt hiệu quả, TP đã và đang hạn chế đầu tư vào những ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm cao (thuộc da, nhuộm…) và kiểm soát chặt chẽ việc xử lý chất thải của các doanh nghiệp đang hoạt động. Điều này thể hiện thái độ kiên quyết của chính quyền trong giải quyết ô nhiễm từ hoạt động sản xuất, cùng chủ trương chấp nhận "hy sinh" giảm thu hút đầu tư một số lĩnh vực, tránh tốn kém chi phí, khắc phục ô nhiễm trong tương lai. Nước thải từ cơ sở sản xuất, dịch vụ công cộng phải được xử lý cục bộ 100%, bảo đảm tiêu chuẩn xả thải, vệ sinh môi trường. Đồng thời bảo đảm thu gom 100% chất thải rắn đô thị và giảm chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế rác thải.
Vừa vượt qua đợt khủng hoảng tài chính và phải giải quyết nhiều vấn đề cấp bách, TP Hồ Chí Minh tự tin đẩy mạnh các dự án công trình trọng điểm và dự báo tăng trưởng lạc quan trên cở sở đà hồi phục của nền kinh tế đất nước và những chủ trương kịp thời của Chính phủ cho phép mở rộng cơ chế tài chính đặc thù dành cho TP, cùng phương án bố trí nguồn vốn một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng: Nút giao thông Rừng Sác (Cần Giờ) với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3, dự án đường trên cao số 1, 2, 3, 4 và 6 tuyến tàu điện ngầm... Có thể nói, đây là những chương trình mang tính chất chiến lược, đòi hỏi sự tập trung nguồn lực của cả hệ thống chính trị, yêu cầu sự nỗ lực và sáng tạo, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo thành phố và trên hết là sự đồng thuận của nhân dân.