Doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng thiệt
Đời sống - Ngày đăng : 07:08, 01/05/2010
Ông Trương Quang Luyến - Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh - Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà:
Ngay từ cuối năm 2009, Công ty Văn phòng phẩm Hồng Hà đã dự đoán trước thị trường giấy sẽ có sự biến động lớn về giá trong năm 2010 nên đã chuẩn bị một lượng giấy và bìa vở tương đối lớn. Từ đầu năm đến nay, giá giấy vở học sinh đã tăng trên 20%, giá bìa tăng khoảng 30% so với năm 2009. Với mặt hàng giấy vở, giá giấy chiếm tới trên 80% giá thành, do đó, giá giấy tăng là nguyên nhân khiến nhiều công ty văn phòng phẩm tăng giá giấy vở học sinh từ 10-15%, riêng giá giấy vở của công ty chúng tôi, mức tăng chỉ từ 7-10%. Với các trường thường xuyên đặt hàng giấy vở của công ty, trước các đợt tăng giá, chúng tôi thường gửi thông báo sớm để khách hàng chủ động mua, tránh tình trạng tăng giá đột biến. Mặc dù ngày 1-6 tới, giá giấy sẽ tiếp tục tăng lần thứ 3, song mục tiêu của chúng tôi là ổn định giá giấy vở học sinh từ nay đến trước mùa khai giảng năm học mới. Khi các doanh nghiệp trong nước chưa chủ động được về nguồn bột giấy, các doanh nghiệp in ấn cần tỉnh táo nhìn nhận xu hướng thị trường, chủ động dự trữ nguyên liệu, tránh tình trạng "nước lên, bèo lên", gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính đơn vị mình, gây sức ép cho người tiêu dùng...
Anh Nguyễn Quang - Giám đốc một công ty sách tại Hà Nội:
Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này, chưa bao giờ tôi thấy giá giấy tăng cao như hiện nay. Chỉ riêng mặt hàng giấy trắng, từ đầu năm đến nay đã tăng từ 14,5 triệu đồng/tấn lên 18,2 triệu đồng/tấn và sắp tới sẽ tăng trên 19 triệu đồng/tấn. Đặc biệt, giấy cútsê tăng vọt, từ 16 triệu đồng/tấn lên 24,5 triệu đồng/tấn. Với các công ty sách, giá giấy chiếm từ 60-70% giá thành một quyển sách; trường hợp mua được bản quyền rẻ, giá giấy chiếm tới 80% giá thành... Thông thường, các hợp đồng in ấn đều được chúng tôi ký kết ngay từ đầu năm, nay giá giấy liên tục tăng, chúng tôi buộc phải xin phép xuất bản lại để in giá mới. Kế hoạch in ấn lịch blôc vào cuối năm cũng buộc phải điều chỉnh lại giá theo mức tăng khoảng 30% do giá giấy tăng. Theo tôi biết, hiện các doanh nghiệp sản xuất giấy phải nhập khẩu tới 70% nguyên liệu bột giấy, do đó thị trường giấy trong nước phần lớn bị điều tiết bởi giá bột giấy trên thế giới. Chừng nào ngành sản xuất giấy của Việt Nam chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước thì giá giấy lên xuống thất thường là tất yếu và không chỉ các NXB, các nhà sách, nhà in... mà cả người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng.
Ông Trần Trí Dũng - Phó Giám đốc Công ty Lâm Đại Hải (135 phố Trường Lâm, phường Việt Hưng - Long Biên):
Có nhiều yếu tố khiến giá giấy liên tục tăng thời gian qua: Giá bột nguyên liệu tăng, tỷ giá USD cũng tăng cao hơn so với năm ngoái, giá nhiên liệu trong sản xuất giấy như than, điện, nước... đều tăng mạnh. Với các doanh nghiệp in ấn, các NXB lớn... sự biến động của giá giấy ảnh hưởng không đáng kể do họ đã có thị phần ổn định nên rất chủ động trong việc dự trữ nguồn nguyên liệu. Nhưng với các đại lý phân phối giấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giá giấy tăng cao tạo rất nhiều áp lực. Các doanh nghiệp không thể đưa ra phương án kinh doanh, càng khó đưa ra mức giá phù hợp khi giá giấy liên tục được điều chỉnh. Để hỗ trợ ngành giấy, Nhà nước nên khuyến khích các doanh nghiệp thu gom nguồn giấy loại trong nước để tái sản xuất, bằng cách điều chỉnh mức thuế VAT với giấy loại thu gom nội địa xuống thấp hơn mức VAT của giấy loại nhập khẩu. Cách làm này không chỉ tiết kiệm lượng giấy loại thu gom trong nước với giá rẻ, vừa giảm tỷ lệ nhập siêu, mà còn cắt giảm đáng kể chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, giảm giá giấy trên thị trường.
Chị Phạm Thị Quế (quận Tây Hồ):
Vợ chồng tôi đều là công nhân, mọi chi tiêu trong gia đình và nuôi hai cháu ăn học đều trông cả vào đồng lương ít ỏi. Mỗi tháng, chỉ tính riêng tiền học phí, tiền học bán trú, tiền thuê gia sư, sách vở... đã lên đến trên 4 triệu đồng. Nay nghe nói sắp tới giá sách giáo khoa, vở viết học sinh cũng tăng do giá giấy tăng cao, chúng tôi rất lo. Từ đầu năm đến nay, giá điện, nước sinh hoạt, giá lương thực, thực phẩm... đều tăng, nay đến lượt giá sách, vở học sinh cũng tăng, chắc chắn những gia đình nghèo như chúng tôi sẽ gặp khó khăn hơn nữa. Rất mong Nhà nước có chính sách trợ giá cho các doanh nghiệp sản xuất giấy vở và các nhà in để thị trường sách giáo khoa, giấy vở học sinh ổn định, tạo điều kiện cho các gia đình nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có đủ sách, vở đến lớp...