Kinh tế trang trại ở Hà Nội: “Đói” vốn - Khó làm
Kinh tế - Ngày đăng : 06:43, 01/05/2010
Mô hình trang trại chăn nuôi lợn giống tại gia đình anh Trần Văn Tuấn (huyện Đông Anh). Ảnh: Trung Kiên |
Thiếu vốn trầm trọng
Chị Dương Thị Hường, chủ trang trại rộng 1,6 mẫu ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu (Quốc Oai) cho hay: Từ giữa năm 2009, gia đình chị bắt đầu làm trang trại VAC, ngoài 150 triệu đồng vốn tự có, gia đình chị phải vay tư nhân 200 triệu đồng với lãi suất cao để đầu tư cho thức ăn chăn nuôi và phòng dịch. Vì vậy, dù làm ăn có hiệu quả nhưng lợi nhuận thực tế thu về của trang trại lại rất thấp do phải trả lãi cao. Ở xã Hồng Phong (Chương Mỹ) có hàng chục hộ phát triển mô hình trang trại, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha, nhưng không thể mở rộng sản xuất do thiếu vốn. Hộ anh Nguyễn Văn Khuyến thường xuyên nuôi hơn 100 con lợn thịt, 10 con nái và có hơn 1,1ha ao thả cá... thu nhập 150 triệu đồng/năm. Để duy trì sản xuất, anh phải vay hơn 500 triệu đồng chi phí thức ăn, con giống... Anh Khuyến cho biết, để mở rộng sản xuất đúng với mô hình trang trại quy mô lớn thì số vốn ấy chẳng thấm tháp gì. Hiện nay, gia đình anh cần vay thêm khoảng 500 triệu đồng đầu tư nhưng cũng đang rất khó khăn.
Chủ nhiệm CLB Chăn nuôi xã Hồng Phong Nguyễn Văn Lực cho biết: Mới đây, xã đã quy hoạch 36ha đất tại khu đồng Cầu cho 20 hộ phát triển kinh tế trang trại nhưng cái khó là nguồn vốn của người nông dân có hạn, chỉ đầu tư "nhỏ giọt". Thực tế, nhiều hộ gia đình mới bắt tay vào sản xuất, vốn tự có rất eo hẹp nên đầu tư xong cơ sở hạ tầng, chuồng trại thì hết tiền mua cây, con giống.
Không chỉ ở các xã Cấn Hữu, Hồng Phong mà ở nhiều địa phương khác, nguồn vốn cho phát triển kinh tế trang trại vẫn là bài toán khó với người nông dân. Toàn thành phố hiện có khoảng 1.368 tỷ đồng vốn đầu tư vào kinh tế trang trại thì có tới 85-90% là vốn do các chủ trang trại tự xoay sở, chỉ khoảng 10-15% là được vay từ các tổ chức tín dụng.
Khó tiếp cận vốn ngân hàng
* Hà Nội hiện có 3.207 hộ, nhóm hộ phát triển mô hình trang trại trên diện tích 8.259ha với tổng giá trị sản lượng hàng hóa, dịch vụ đạt gần 1.614 tỷ đồng. * Theo Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Hà Tây, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng hết tháng 3-2010 đạt trên 7.557 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay phát triển kinh tế trang trại chỉ đạt hơn 55 tỷ đồng (chiếm 0,73%). |
Nhu cầu vay vốn thì nhiều, cơ chế chính sách đã có nhưng các chủ trang trại muốn vay vốn ngân hàng lại không dễ. Để mở rộng sản xuất, anh Nguyễn Văn Khuyến có nhu cầu vay 500 triệu đồng nhưng mới được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng NN&PTNT huyện. Còn chị Dương Thị Hường, sau cả năm trời liên hệ vay vốn ngân hàng, đến nay vẫn chưa có kết quả. Theo chị Hường, để đủ điều kiện vay vốn, các chủ trang trại phải xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hợp lý và có tài sản thế chấp.
Trong khi đó, phần lớn đất phát triển kinh tế trang trại ở xã đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, thậm chí nhiều cơ sở còn chưa cấp cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư cho hộ gia đình, nên không thể thế chấp. Còn theo ông Nguyễn Văn Lực, thủ tục hành chính trong vay vốn mất nhiều thời gian, khi lập đề án phải được xã, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện xác nhận. Sau khi đầy đủ thủ tục hồ sơ vay vốn ngân hàng tiếp tục thẩm định xem có khả thi hay không, mỗi công đoạn cũng mất cả tháng. Thời gian từ khi lập đề án đến khi nhận được tiền vay có thuận lợi cũng mất từ 5 đến 6 tháng. Đấy là chưa kể nhiều người lập đề án xong, ngân hàng trả lời chưa có nguồn vốn (tiền), phải tiếp tục đợi.
Nhiều ý kiến cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn một phần do việc cho vay còn quá nhiều thủ tục, trình tự. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro vì thiên tai, dịch bệnh, giá cả... ảnh hưởng đến việc thu hồi vốn nên các ngân hàng ngại cho nông dân vay vốn. Theo ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, phát triển kinh tế trang trại đang cần một sự "cởi mở" hơn từ phía các ngân hàng trong việc cho nông dân vay vốn. Theo đó, thủ tục cho vay vốn cần được rút ngắn, thời gian cho vay phù hợp với đặc điểm chu kỳ sản xuất, kinh doanh, với từng loại hình kinh tế (trung hạn, dài hạn) mới đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế trang trại.