Du lịch dịp lễ 30-4 và 1-5:Quá tải và đắt đỏ

Đời sống - Ngày đăng : 06:07, 01/05/2010

(HNM) - Lượng khách đi du lịch dịp lễ 30-4 và 1-5 dù đã bị san sẻ trong kỳ nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương trước đây một tuần nhưng vẫn tỏ ra

Nhiều bãi biển quá tải do du khách tới tham quan, du lịch đông trong dịp lễ 30-4 và 1-5.


60% khách chọn du lịch biển

Theo thống kê sơ bộ của các hãng lữ hành, những tuyến điểm du lịch biển như Nha Trang (Khánh Hòa), Mỹ Khê (Đà Nẵng), Mũi Né (Phan Thiết), Bà Rịa - Vũng Tàu, Cát Bà (Hải Phòng), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Cửa Lò (Nghệ An)… có số lượng khách đăng ký chiếm tới 60% trên tổng số khách đi du lịch trong nước dịp này.

Với lượng khách tăng 20-30% so với dịp lễ 30-4 và 1-5 năm ngoái, tăng gấp 4-5 lần so với ngày thường, biển Đà Nẵng trở thành tâm điểm thu hút du khách trong kỳ nghỉ này. Từ ngày 30-4 đến 2-5, nhiều khách sạn 3 sao (như Mỹ Khê, Tourane, Golden Sea…) có sức chứa từ 32-63 phòng/khách sạn dọc các bờ biển của Đà Nẵng đã thông báo hết phòng. Các resort lớn (như Furama, Sandy Beach...) có sức chứa từ 123-198 phòng/khách sạn đều đạt công suất ở mức 75-80%. Ước tính, tổng lượng khách đến Đà Nẵng do các hãng lữ hành khai thác vào khoảng 6.500 người, trong đó hơn 20% là khách quốc tế, còn lại là khách nội địa, chủ yếu đến từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Năm nay, dịp lễ liền kề với các ngày nghỉ cuối tuần nên lượng khách đến Khánh Hòa tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng cũng rất đông. Ngoài lượng khách truyền thống đến từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, nguồn khách từ Hà Nội và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cũng tăng đáng kể. Theo thống kê của Sở VH,TT&DL Khánh Hòa, lượng du khách đăng ký đặt buồng phòng tại các cơ sở lưu trú trong dịp lễ 30-4 và 1-5 trên địa bàn tỉnh là 55.000 lượt. Trong đó, khách nội địa là 48.500 khách (tăng 5% so với cùng kỳ năm trước), khách quốc tế là 6.500 khách (tăng 8% so với cùng kỳ), công suất buồng phòng tại các cơ sở dịch vụ lưu trú đạt gần 100%.

Biển Vũng Tàu quá tải vì lượng du khách đổ về quá đông.


Không chỉ ở miền Trung, mà tại những điểm du lịch ở miền Bắc, nơi có những bãi tắm phẳng lặng, phong cảnh sơn thủy, hữu tình như Cát Bà, Vịnh Hạ Long... cũng quá tải. Tại một số công ty du lịch như Trung tâm Lữ hành Hà Nội Redtours, Du lịch Việt hay Viettravelmate, tour Cát Bà, Vịnh Hạ Long có đông khách nhất và đã khóa sổ từ cách đây 2 tuần. Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hà Nội Redtours cho biết, tổng lượng khách đặt mua tour Cát Bà trọn gói qua công ty vào khoảng 2.000 khách và tour lẻ khoảng 1.000 khách. "Nguyên nhân khiến các điểm du lịch biển năm nay tăng cao là do du khách thích đặt phòng ở những khách sạn gần biển để được ngắm nhìn phong cảnh và tận hưởng khí hậu trong lành. Thêm vào đó, dịp 30-4 cũng được nhiều địa phương chọn là ngày khai trương mùa du lịch biển, vì vậy, lượng khách đến đây khá đông và cũng là cơ hội để các "cò" làm giá phòng nghỉ", ông Nguyễn Công Hoan giải thích.

Giá phòng tăng theo giờ
Các điểm du lịch quá tải khiến du khách lâm vào cảnh bị "chặt, chém". Bị "thổi giá" nhiều nhất là các nhà nghỉ bình dân, các khách sạn từ 1 đến 3 sao tại các bãi biển được người dân ưa thích như Sầm Sơn, Cửa Lò, Cát Bà...

Anh Đoàn Kim Hùng, nhân viên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Nội kể, vừa đặt chân đến biển Cửa Lò (Nghệ An), một đội quân xe ôm kiêm "cò" phòng khách sạn đã lẵng nhẵng bám theo gạ thuê phòng với mức giá "vừa phải". Nhưng vào bất kỳ khách sạn bình dân nào ở đây giá cũng tăng lên từ 2 đến 4 lần so với bình thường. Không chỉ có vậy, đội quân xe ôm kia còn "xin đểu" mỗi du khách 50.000 đồng tiền "dắt mối". Ngoài giá phòng, theo anh Đoàn Kim Hùng, giá bất cứ các loại dịch vụ nào ở bãi biển này (như ăn uống, thuê chỗ ngồi, phao bơi...) trong dịp 30-4 cũng bị "đội lên" từ 3 đến 5 lần. Đáng buồn, ngay trong những ngày đầu khai mạc mùa du lịch biển Cửa Lò, nhiều du khách thiếu ý thức đã xả rác bừa bãi.

Còn tại Vịnh Hạ Long, nơi diễn ra Lễ hội Du lịch Hạ Long kéo dài từ ngày 29-4 đến 2-5, tất cả khách sạn đều kín chỗ. Không chỉ bị nhồi nhét trên những chuyến xe khách quá tải, những khách lẻ tự tổ chức tour đến đây ngày 30-4 đã gặp khó khăn trong việc thuê phòng. Một lái xe ở khu vực bến phà Bãi Cháy cho biết, giá phòng khách sạn, nhà nghỉ tại Trung tâm TP Hạ Long, nhất là tại cầu Bãi Cháy (vịnh Cửa Lục), nơi diễn ra Lễ hội Carnaval Hạ Long tăng theo từng giờ. Anh kể, một cặp vợ chồng vừa lắc đầu ra khỏi một nhà nghỉ vì không thể thuê phòng bình dân với giá 500.000 đồng/ngày. Nhưng chỉ 2 tiếng sau họ quay lại, mức giá phòng này đã lên tới 700.000 đồng. "Những khách sạn lớn có uy tín đều giữ nguyên giá hoặc tăng không đáng kể vào dịp lễ hội. Tuy nhiên, thật khó có thể kiểm soát giá của những nhà nghỉ bình dân mọc lên tự phát tại đây", một nhân viên Sở Thông tin - Truyền thông Quảng Ninh nhận xét.

Ông Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch Việt Nam cũng thừa nhận về tình trạng làm ăn "chụp giật", "chặt chém" du khách tại các điểm du lịch. Nguyên nhân là do lực lượng thanh tra chuyên ngành về du lịch tại các địa phương còn thiếu và yếu. Thậm chí, hiện tại, mỗi Sở VH,TT&DL chỉ có thanh tra chung của toàn ngành chứ chưa có lực lượng thanh tra chuyên ngành về du lịch. Chính vì vậy, dù biết rõ các sai phạm thường xảy ra khi du lịch vào mùa cao điểm nhưng các địa phương cũng không biết nên xử lý như thế nào.

Thu Trang