Báo động nạn sinh vật lạ xâm lấn
Xe++ - Ngày đăng : 11:31, 08/10/2003
Chuột hải ly cũng là một mối đe doạ. |
Ông Dương Minh Tú ở Trung tâm Phân tích Giám định & Thí nghiệm Kiểm dịch Thực vật cho biết giờ mới là lúc nó thách thức chúng ta. Mới tháng trước, 2 tỉnh Đồng Tháp và Bắc Ninh chứng kiến trận bùng phát ốc bươu vàng mà không thuốc nào trị được. Đấy là minh chứng cho thấy ốc bươu vàng đã trở thành loài sinh vật bền vững trong hệ sinh thái đồng ruộng Việt Nam và việc tiêu diệt triệt để chúng là không thể. Ngành bảo vệ thực vật vừa chính thức chỉ đạo áp dụng chương trình "sống chung" với ốc bươu vàng mà cụ thể là chương trình quản lý tổng hợp ốc bươu vàng trên ruộng lúa. Tư tưởng "sống chung" rõ đến mức Cục Bảo vệ Thực vật hoan hô một sáng kiến ở phía Nam đề nghị nghiên cứu giải pháp thu bắt ốc bươu vàng để làm phân bón. Nghĩa là thừa nhận ốc bươu vàng là nguồn khai thác còn lâu mới hết.
Hồi trước năm 1975, cả miền Nam chỉ có một vài đôi được nhập để làm cảnh và chịu quản lý. Cuối thập niên 80, gần như bùng phát phong trào nuôi ốc bươu vàng mà bắt đầu từ 2 công ty nước ngoài ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) và Kiên Giang. Do không kiểm soát chặt, ốc bướuc vàng từ các ao nuôi công nghiệp lan nhanh ra các thuỷ vực xung quanh, nhất là mùa nước nổi. Đáng tiếc là hồi ấy một số nhà khoa học có tiếng cổ suý cho phong trào trong khi những ý kiến đề nghị đánh giá nghiêm túc rủi ro hầu như không được để ý. Với việc di giống ốc bươu vàng ra nuôi thử ở miền Bắc tháng 3/1990, chỉ 5-6 năm sau, chúng gây kinh hoàng đến mức Thủ tướng Chính phủ ban hành liên tiếp 2 chỉ thị cấm nuôi và trừ tận gốc. Một chương trình loại trừ ốc bươu vàng do FAO tài trợ hết 250.000USD. Đấy là chưa kể chương trình khác của Chính phủ trị giá 500 triệu đồng và một dự án cho riêng tỉnh Nghệ An 500 triệu đồng nữa. Thiệt hại do ốc bươu vàng không kể xiết.
Nếu bài học lớn nhất ở vụ ốc bươu vàng, vẫn theo đại biểu ở ĐH Nông nghiệp I, là bị người ta lừa dối thì bài học lớn nhất ở vụ hải ly sau đó, theo một nhà khoa học ở ĐH Quốc gia Hà Nội, là ta lừa dối ta. Không có thư tay của một vị cao cấp, GS Hà Đình Đức cho biết, chưa chắc 10 con hải ly đầu tiên qua lọt cửa khẩu sân bay đem từ Trung Quốc về vào một ngày mùa Hạ tháng 6/2001. Rất may, ở cuộc này, các nhà khoa học quyết không lùi. Họ gặp trực tiếp hoặc viết thư gửi các nhà lãnh đạo. Không ít người trong số đó bị đe doạ. Một nhà khoa học kiên quyết nhất trong cuộc chiến nhận được nhiều cú điện thoại gọi về số di động và nhà riêng với những lời lẽ như "Được rồi ông sẽ biết", "Mày nên nhớ tao không có gì để mất. Mày phải lên... tạ tội với anh tao. Trong 3 ngày, nếu mày không đến, cả nhà mày sẽ biết", v.v... Sức ép đến mức nhà khoa học phải nhờ người đi kèm khi lên giảng đường dạy học và làm đơn gửi công an. Thế nên kế hoạch nhân rộng từ 500 con hải ly, một trong 16 loài động vật nguy hại nhất thế giới, được Bộ NN&PTNT cho nhập tiếp, mới bị chặn lại hồi năm ngoái.
Tràn lan
Tiếc là không phải trường hợp nào cũng chặn thành công như hải ly. Qua Đèo Ngang (Quảng Bình) bây giờ ai nấy trông thấy những cây hoa ngũ sắc không phải bản địa mọc dày đặc. Thuộc họ cỏ roi ngựa hay họ cúc, thứ cây thích nghi và phát triển rất nhanh như cỏ dại từ chỗ chỉ làm cảnh đến chỗ bung ra môi trường hoang dại làm vui mắt lữ khách. Rồi keo giậu, loài cây không gai mọc thành bụi rậm và có khả năng cạnh tranh với tất cả các loài khác. Rồi bèo Nhật Bản nhập vào Việt Nam từ những năm 30 của thế kỷ trước. Rồi sáo đá xanh, loài chim phàm ăn, xơi hầu như mọi thứ và làm giảm đáng kể các loài côn trùng bản địa, các loài đặc hữu, phá hoại mùa màng. Chúng từng xuất hiện ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, trừ khử nhiều loài chim bản địa, chiếm cứ nơi làm tổ và gây nguy cơ biến đổi da dạng sinh học. Hãi nhất có lẽ là cây trinh nữ ở Đồng bằng Cửu Long (sẽ có bài riêng), rừng tràm U Minh.
Buông lỏng
Báo động thì thế và, sắp tới đây, các tổ chức quốc tế phối hợp với một số viện nghiên cứu Việt Nam cho ra mắt cuốn sách "Sinh vật ngoại lai xâm hại - Sự xâm lăng thầm lặng", song mọi hoạt động cảnh báo, phòng ngừa mang tính quy mô, hệ thống, dường như chưa có gì. Một đại diện ở Bộ Thương mại tại hội thảo thừa nhận: "Việt Nam chưa có một công trình nghiên cứu đầy đủ, toàn diện nào về sinh vật lạ xâm lấn". Gần đây nhất, có hai nghiên cứu quy mô nhỏ tiến hành ở 2 viện chăn nuôi và thuỷ sản kéo dài trong 1 năm, mỗi nghiên cứu cỡ 50 triệu đồng, và kết quả không là bao. PGS.TS Hồ Hữu Nghị ở Bộ môn Công nghệ Sinh học (ĐH Quốc gia Hà Nội) đánh giá số lượng thực vật lạ vào nước ta khá nhiều, khoảng 83 loài thuộc 31 họ. Tuy nhiên, một nhà khoa học ngay tại hội thảo khẳng định con số thực phải gấp 10 lần. Trong danh mục cây nhập nội xâm lấn của thế giới, Việt Nam không chỉ có 4 loài nguy hiểm là cỏ tranh, trinh nữ, bạch đàn và bèo Nhật Bản mà có thể nhiều hơn như bạch đàn, cỏ lông tây, cỏ gấu, cỏ tranh, v.v... Chúng phân bố mọi vùng sinh thái, từ đồng bằng đến núi cao.
... Mặc dù chưa chỉ đích danh, giới khoa học gần như thống nhất quan điểm cho rằng virus gây bệnh lạ SARS bùng phát đầu năm nay xuất phát từ động vật lạ. Hiềm nghi gây xúc động nhất có lẽ là, theo một đại biểu ở hội thảo quốc gia đầu tiên, việc phát hiện virus giống virus SARS trong cơ thể gấu trúc, loài động vật quý hiếm ở Trung Quốc đang có nguy cơ tuyệt chủng. Vẫn theo đại biểu trên, giảng viên bộ môn côn trùng ĐH Nông nghiệp Hà Nội, đã xuất hiện nguy cơ diệt gấu trúc ở một vài nơi hòng trốn chạy SARS.
Đã đến lúc phải hành động
Chẳng cần "nhờ" SARS, chuyện sinh vật lạ gây hại cũng đã là đề tài nóng hổi ở Việt Nam. Từ tin đồn thất thiệt của một người nước ngoài về việc để xổng cá hổ, một loài cá lạ và dữ dằn, ra môi trường tự nhiên một tỉnh miền Nam, đến tin có thật 100% là ngành thuỷ sản vừa kiến nghị ngừng nhân giống cá chim trắng mà nhiều tỉnh, trong đó có Quảng Bình và Quảng Trị, định dùng làm con cá xoá nghèo. Gần đây nhất là việc sở thuỷ sản nhiều tỉnh Nam Bộ yêu cầu các chủ hộ nuôi tôm không được thả chung tôm ngoại nhập với tôm sú bản địa. Một nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Thuỷ sản I cảnh báo loại tôm he chân trắng ngoại lai có nguy cơ mang theo mầm bệnh mới như bệnh đốm trắng và bệnh Taura do virus. Tại một hội thảo vừa diễn ra ở Thái Lan, người ta cảnh báo nguy cơ du nhập mầm bệnh của chủng virus mới vào các vùng nuôi tôm Việt Nam là hiện thực.
Bản thân Việt Nam còn là quê hương của 6 trong số 14 loài động vật có mối đe doạ lớn nhất thế giới như lợn rừng, chuột rừng, chuột nhắt, cáo, khỉ đuôi dài, cầy móc cua. Việc buông lơi quản lý và thống kê sinh vật lạ ở nước ta, vì thế, cũng là mối lo của thế giới. Trong số hàng chục kiến nghị, đáng chú ý có kiến nghị sớm đưa sinh vật lạ vào danh mục kiểm tra bởi hải quan tại các cửa khẩu, có quy định cụ thể bổ sung vào các văn bản pháp luật hiện có hoặc ban hành văn bản mới nhằm tránh sơ hở trong quản lý đối với sinh vật lạ xâm lấn vào Việt Nam. Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả hợp tác chặt chẽ trong việc quản lý nhập sinh vật lạ có khả năng lây lan nhanh giữa các đơn vị quản lý chuyên ngành như Bộ NN&PTTN, Khoa học & Công nghệ, Tài nguyên & Môi trường, Y tế. Trước mắt, học tập kinh nghiệm các nước, Việt Nam cần xây dựng danh sách các sinh vật lạ an toàn được phép nhập khẩu.
Việc Việt Nam hội nhập ở cấp độ ngày càng cao sẽ kéo theo sự nhập cư của các loài sinh vật lạ vào nước ta. Đây cũng là xu thế chung trên thế giới nếu biết hồi tháng 5 vừa rồi, tại Hội nghị Quan chức Cao cấp APEC, các nước thành viên nhất trí xúc tiến xây dựng chương trình hợp tác đối phó với nạn này. Theo hướng đó, một hội nghị vào năm 2004 sẽ được tổ chức để cùng thảo luận vấn đề "sinh vật lạ xâm lấn với khía cạnh thương mại" nhằm xây dựng một chiến lược khung của APEC đối phó với sự xâm nhập của sinh vật lạ và thông qua tại thượng đỉnh APEC năm 2005. Việt Nam có lẽ không nằm ngoài tiến trình khẩn trương đó. Nếu không kịp hành động, có lẽ chúng ta phải chấp nhận một tương lai sống chung với sinh vật lạ mà nguy cơ thì khôn lường, không chỉ có SARS.
TheoNetNam