"Mạng nhện" dưới lòng đất thép Củ Chi
Đời sống - Ngày đăng : 08:52, 30/04/2010
Nắp hầm chui xuống dưới địa đạo. |
Từ năm 1948 đến 1968, từ căn cứ cách mạng cách trung tâm Sài Gòn 70 km về phía Tây Bắc, quân kháng chiến nhiều phen xuất quỷ nhập thần, gieo bao nỗi kinh hoàng cho kẻ địch.
Theo Ban Giám đốc Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, công trình hệ thống ngầm này ghi dấu bao công sức, mồ hôi, máu và nước mắt của người dân vùng quê được mệnh danh đất thép.
Năm 1948, ở hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An đã bắt đầu xuất hiện những đoạn hầm ngắn, cấu trúc đơn giản dùng để cất giấu tài liệu, vũ khí, làm nơi trú cho lực lượng du kích hoạt động. Về sau, mô hình hầm được lan rộng trong nhiều xã. Đến năm 1965, năm xã phía Bắc Củ Chi đã hoàn thành địa đạo "xương sống".
Khi cuộc chiến chống Mỹ phát triển mạnh vào những năm 1966-1968, phong trào đào địa đạo ngày càng phát triển ở vùng đất này. Khắp nơi, trai gái, trẻ già nô nức tham gia kiến tạo đường hầm đánh giặc. Đến năm 1968, hệ thống địa đạo khoảng 250km được hình thành.
Vào những thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, tất cả hoạt động của người dân, lực lượng du kích đều phải chuyển xuống địa đạo. Đường hầm có nơi ẩm ướt và ngột ngạt do thiếu dưỡng khí, ánh sáng (chủ yếu là đèn nến hoặc đèn pin). Mỗi khi có người ngất xỉu phải đưa ra cửa hầm hô hấp nhân tạo mới tỉnh lại. Vào mùa mưa, lòng đất phát sinh nhiều thứ côn trùng, rắn rết... Đối với phụ nữ càng khó khăn hơn, có người sinh con và nuôi con trong địa đạo. Từ đây, lực lượng quân giải phóng liên tục quấy rối, đánh phá địch.
Địa đạo Củ Chi là di tích lịch sử với hệ thống hầm dài 250 km dưới lòng đất. Ảnh: Kiên Cường |
Cấu trúc địa đạo gồm 3 tầng. Tầng một cách mặt đất 3m dành cho lực lượng chiến đấu, tầng thứ 2 cách mặt đất 6 m dùng làm nơi nghỉ ngơi cho thương binh, người già, trẻ em. Tầng thứ 3, sâu nhất cách mặt đất 8 đến 10m.
Hệ thống đường hầm chạy ngoằn ngoèo trong lòng đất, từ đường "xương sống" tỏa ra vô số nhánh dài ngắn, ăn thông với nhau. Có nhiều nhánh đổ ra sông Sài Gòn, để khi tình thế nguy kịch du kích có thể vượt sông sang vùng căn cứ Bến Cát tỉnh Bình Dương.
Dọc địa đạo có rất nhiều lỗ thông hơi thông lên mặt đất được du kích ngụy trang giống những tổ mối. Hầm chông, ụ pháo giúp du kích chĩa súng lên mặt đất. Bố trí hầm đầy đủ chức năng của một căn cứ địa kháng chiến, như có nơi cứu chữa thương binh, bếp ăn Hoàng Cầm (giấu khói) nổi tiếng, khu chế tạo vũ khí, phòng họp.
Mỗi đường hầm chật hẹp với cửa ra vào bé chỉ đủ một người nhỏ gầy chui qua, nhiều đoạn phải bò hoặc đi lom khom nên lính Pháp - Mỹ to cao không thể nào qua được.
Mỹ đã dùng trăm phương nghìn kế để đánh sập địa đạo Củ Chi nhưng đều thất bại. Để phá địa đạo, năm 1966 Mỹ tổ chức cuộc hành quân "Cài bẫy", dùng máy bơm nước vào trong lòng địa đạo. Chiến dịch thất bại do không đủ lượng nước để làm ngập địa đạo.
Bên trong đường hầm chỉ đi khom hoặc phải bò. |
Năm 1967, Mỹ dùng đội quân “chuột cống” mệnh danh "Bóc vỏ trái đất" đánh địa đạo. Trong cuộc càn, Mỹ sử dụng 600 công binh có hình thể nhỏ, mang mặt nạ phòng hơi độc, súng tiểu liên cực nhanh… để phá hủy địa đạo. Lực lượng ít nên việc phá sập một số đoạn ngắn của địa đạo cũng không thấm vào đâu so quy mô đường hầm nên cuộc càn cũng thất bại.
Sau đó Mỹ sử dụng 3.000 con chó dẫn đường săn lùng phát hiện địa đạo, đánh hơi người bốc lên từ các lỗ thông hơi và miệng hầm. Du kích dùng nhiều cách như bắn chết chó, dùng ớt khô trộn với bột tiêu để nhử, nhưng cách này không ổn do địch sẽ phát hiện được địa đạo khi chó bị bắn chết và ho vì ớt. Các đơn vị liền phát động chiến dịch trừ chó trong nhân dân và chiêu này của địch cũng bị thất bại.
Mỹ xoay qua dùng xe cơ giới ủi càn phá địa đạo: hàng trăm xe tăng, cơ giới xúc đứt từng khúc địa đạo, xe ủi cũng thổi chất độc hóa học vào đường hầm. Nhưng cách thức này cũng phá sản do bị quân du kích đánh trả cả ngày lẫn đêm.
Mỹ bèn áp dụng chiến thuật "Gieo cỏ phá địa hình". Cỏ lạ được gieo xuống, một tháng sau cao tới 2-3 m, thân to và sắc gây khó khăn cho du kích. Mùa khô cỏ bị đốt cháy khiến du kích không còn chỗ trú; thế nhưng các lực lượng vẫn kiên trì bám vùng căn cứ khiến sách lược này phá sản.
Ngày nay, địa đạo Củ Chi đã trở thành di tích lịch sử, hầm và các lối dẫn vào hầm được cơi nới rộng ra cho du khách dễ tham quan. Hiện có khoảng 1.000 du khách tham quan địa đạo mỗi ngày.