Tấm gương sáng của lòng quả cảm và tinh thần chiến đấu
Chính trị - Ngày đăng : 07:47, 30/04/2010
Người Mỹ và đồng minh rời khỏi Việt Nam bằng máy bay trực thăng trên nóc một tòa nhà cách sứ quán Mỹ ở Sài Gòn 500m ngày 29-4-1975. Ảnh: Hugh Van Es |
35 năm trước, khi nhân dân Việt Nam đang tràn ngập niềm vui chiến thắng thì tại Mỹ các nhà phân tích đã nhận định rằng chiến tranh Việt Nam "là tai họa tồi tệ nhất với mọi công việc mà Mỹ đảm nhận trong suốt 200 năm lịch sử". Tờ tin điện New York ngày 1-5-1975 viết: "Việc Mỹ dính líu ở Việt Nam là "Sự hy sinh vô ích về sinh mạng và tiền của người Mỹ" và đó là một chương bi thảm trong lịch sử nước Mỹ". Tối 1-5-1975, hầu hết các chương trình 3 hệ thống truyền hình Mỹ đều chiếu những đoạn phim về cuộc "di tản" của người Mỹ ra khỏi Sài Gòn ngày 29-4 và đưa các tin về sự kết liễu của cái gọi là "Việt Nam cộng hòa".
Nhà sử học Mỹ George C.Hersing đã rút ra bài học: "Chiến tranh Việt Nam đã thể hiện rõ là Mỹ không thể giữ vững quan điểm của mình về trật tự thế giới… Người Mỹ phải hiểu rằng, họ sẽ không thể định đoạt những giải pháp cho các vấn đề thế giới và đạt tất cả các mục tiêu mong muốn". Trong khi đó, dường như Mỹ không hiểu, như bất cứ dân tộc nào trên thế giới, độc lập, tự do, thống nhất đất nước là mong muốn cháy bỏng của người Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã làm tất cả để biến mong muốn ấy thành hiện thực và đây là thắng lợi trọn vẹn nhất mà một dân tộc có thể giành được với một đế quốc hùng cường vào bậc nhất. Và mãi mãi về sau, tầm quan trọng của thắng lợi này vẫn được ca ngợi và tự hào.
Báo "Người Lao động" - cơ quan ngôn luận của Cơ quan trung ương những người lao động Cuba ra ngày 27-4-2010 đã đăng bài với tiêu đề "Việt Nam tự do và thống nhất" đánh giá cao ý nghĩa của chiến thắng 30-4. Bài báo viết: "Ngày 30-4-1975, những hình ảnh chiến thắng đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam anh hùng đã nhanh chóng lan tỏa khắp thế giới. Cảnh tượng những tên lính Mỹ hoảng loạn chen lấn, xô đẩy trên những chiếc máy bay trực thăng Black Hawk trong một cuộc tháo chạy nhục nhã trước sức tiến công thần tốc không gì cản nổi của lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như hình ảnh các chiến sĩ giải phóng tiến vào dinh Độc Lập vẫn còn nguyên đó như những bằng chứng hùng hồn của ngày hai miền Nam - Bắc Việt Nam hoàn toàn thống nhất". Cũng theo bài báo, ý chí kiên cường bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam trước sự xâm lăng của kẻ thù là tấm gương sáng của lòng quả cảm và tinh thần chiến đấu. Sau hơn 30 năm đấu tranh chống giặc ngoại xâm, ngày hôm nay nhân dân Việt Nam đang được sống trong hòa bình và thịnh vượng, mười lần tươi đẹp hơn như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lịch sử đã chứng minh rằng, chiến thắng 30-4 là chiến thắng của nội lực bền bỉ, kiên cường của dân tộc Việt Nam, của truyền thống văn hóa Việt Nam, của sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, đồng thời là sự ủng hộ giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, của các nước XHCN anh em, của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Bài viết của nhà báo, nhà Việt Nam học nổi tiếng người Nga Sergey Afonin trên nguyệt san "Tassovets" của Hãng thông tấn ITAR-TASS số ra ngày 12-4-2010 là một khẳng định cho chân lý trên. Tác giả Afonin cho biết những ngày tháng 6-1973, ông với tư cách là nhà báo của Hãng thông tấn Liên Xô TASS chứng kiến bên sông Bến Hải, bất chấp máy bay B-52 của Mỹ dội bom, Đại sứ Liên Xô tại Thái Lan đã trình thư ủy nhiệm lên Chính phủ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị. Trong bài viết, tác giả đã kể lại ấn tượng của mình qua những chuyến thăm Việt Nam sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, khẳng định Việt Nam là mảnh đất tuyệt vời và đầy hấp dẫn, nhân dân Việt Nam anh em hoàn toàn có quyền tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài báo cũng ghi nhận sự giúp đỡ to lớn và hiệu quả của Liên Xô và LB Nga đối với Việt Nam trong công cuộc kháng chiến cứu nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng hòa bình hiện nay, trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị và đối tác chiến lược giữa hai nước.
Theo nhật báo Sankei của Nhật Bản - một tờ báo có số lượng phát hành vào loại lớn nhất và có uy tín tại Nhật Bản - chiến thắng 30-4-1975 là thành quả của cách mạng Việt Nam mang hai ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, đó là cuộc chiến giữa cách mạng Việt Nam với đế quốc Mỹ hùng mạnh, là cuộc chiến giữa những chiến sỹ giải phóng quân của cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam với những binh lính lầm đường lạc lối của chế độ Sài Gòn. Thứ hai, chiến tranh Việt Nam chính là cuộc chiến tranh cách mạng kết hợp với đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngọn cờ giải phóng dân tộc đã giúp cách mạng Việt Nam giành thắng lợi cuối cùng sau 30 năm kiên cường kháng chiến.
Không chỉ trên bình diện quốc tế, chiến thắng 30-4-1975 là dấu mốc chói lọi trong lịch sử dân tộc ta. Ở đó thể hiện lòng kiên trì, sự quyết đoán và tinh thần dũng cảm vô bờ của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh trường kỳ giành độc lập tự do cho Tổ quốc. 35 năm, chiến tranh đã lùi xa, đất nước và con người Việt Nam đang khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, phấn đấu vì một nền hòa bình, thịnh vượng trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.