Gặp những người ném bom sân bay Tân Sơn Nhất
Chính trị - Ngày đăng : 07:13, 30/04/2010
Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan với bài hát “Vì nhân dân quên mình” luôn theo ông suốt đời. |
Chiến công của Phi đội Quyết thắng
Theo lịch hẹn, ngày 26-4 - đúng ngày 35 năm trước ta mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lan, cùng các anh hùng phi công Hán Văn Quảng, Nguyễn Văn Lục gặp lại những đồng đội Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Văn On và Trần Ngọc Xanh... bay từ TP Hồ Chí Minh ra hội ngộ tại sân bay Thành Sơn lịch sử - nơi 35 năm trước Phi đội Quyết thắng cất cánh và mang thắng lợi vẻ vang trở về.
Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan là một trong những phi công thế hệ đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam. Ông là một trong những phi công tham gia trận đánh đầu tiên thắng lợi giòn giã trên bầu trời Hàm Rồng (3-4-1965). Đã qua nhiều trận đánh, nhưng trận đánh mà các anh được lệnh xuất phát lúc 16h17 ngày 28-4-1975, từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang, Ninh Thuận), Phi đội "Quyết thắng" gồm năm máy bay A-37 ta thu của địch, cất cánh bay thẳng vào Sài Gòn ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất vẫn để lại nhiều ý nghĩa, xúc động nhất. Trận đánh này, Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan không trực tiếp tham gia phi đội bay nhưng chính ông là người cùng đồng đội đã dày công nghiên cứu tìm hiểu kỹ thuật làm quen với máy bay A-37 của địch.
Vào thời điểm này, khi đang làm nhiệm vụ tiếp quản sân bay Đà Nẵng, Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan nhận "mật lệnh" bí mật đến sân bay Thành Sơn nghiên cứu chọn lựa một số khí tài quân sự ta vừa thu được, khẩn trương lập phương án đào tạo ngắn ngày hiệu quả nhất để các phi công của ta nhanh chóng làm chủ và sử dụng thành thạo máy bay địch.
Trong các thành viên Phi đội "Quyết thắng" có 2 phi công ngụy là Nguyễn Văn On và Trần Ngọc Xanh trực tiếp được Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan giác ngộ đã tình nguyện đứng trong hàng ngũ ta. Sau này khi được cấp trên hỏi, chỉ trong thời gian ngắn căn cứ vào đâu mà Thiếu tướng Lan có quyết định vội vàng nhưng chính xác như vậy khi chọn Xanh và On, người tướng già chỉ cười nói: "Giặc đã gây tội ác cho đồng bào ta, tôi thấy lòng căm thù giặc cả dân tộc ở đâu cũng vậy, nhất là khi xem lý lịch của anh Xanh và On tôi đều thấy họ xuất thân từ giai cấp công nông như mình nên đã quyết định gọi 2 anh lên nói chuyện. Sau câu chuyện chân tình, cả hai anh đã hiểu ra chính nghĩa và tình nguyện dẫn đường cho phi đội ta xuất kích".
Lịch sử còn ghi, vào thời khắc 5 cánh quân ta tiến vào Sài Gòn với một khí thế thần tốc, quyết thắng, Quân ủy Trung ương đã quyết định dùng máy bay thu được của địch để đánh địch, nhằm tạo yếu tố bí mật, bất ngờ và giao Bộ Tư lệnh Không quân tổ chức thực hiện. Chỉ sau 5 ngày huấn luyện chuyển loại, các phi công của ta đã có thể độc lập sử dụng máy bay A-37, loại máy bay cường kích hạng nhẹ ta vừa thu được của địch. Qua kiểm tra kỹ thuật, Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan xác định có 5 chiếc A-37 bảo đảm chất lượng tốt, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Lúc này, Bộ Tư lệnh quân chủng cũng đã quyết định mục tiêu oanh kích là sân đỗ máy bay chiến đấu của không quân Sài Gòn tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cái khó của phi công ta hồi đó là các hướng dẫn trên máy bay địch đều phiên âm tiếng Anh nên rất khó nắm bắt. Để khắc phục, ta có sáng kiến nhờ ngay những phi công như Nguyễn Thành Trung, Trần Văn On và Nguyễn Xuân Sanh dịch lại ra tiếng Việt rồi dán thẳng lên buồng lái. Ngày xuất kích đã đến, 16h30 ngày 28-4-1975, Phi đội Quyết thắng cất cánh làm nhiệm vụ. Nguyễn Thành Trung bay số 1, Từ Đễ bay số 2, Nguyễn Văn Lục bay số 3, Hoàng Mai Vượng và Nguyễn Văn On bay số 4, Hán Văn Quảng bay số 5. Hai tiếng sau, Phi đội Quyết thắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về an toàn. Chiến thắng đó có công sức không nhỏ của các kỹ sư, thợ máy, những phi công dày dạn kinh nghiệm như Phạm Ngọc Lan, âm thầm làm việc, truyền niềm tin chiến thắng của mình cho đồng đội cất cánh.
Tự tin làm chủ bầu trời hôm nay
Nói về truyền thống chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của đơn vị, Sư đoàn trưởng Đoàn không quân Thăng Long, Đại tá Đỗ Đức Minh cho biết: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sư đoàn đã xuất kích, chiến đấu hàng trăm trận, bắn rơi 320 máy bay của đế quốc Mỹ, gồm 19 kiểu loại, trong đó có 2 máy bay chiến lược B52, bắn chìm và hỏng 6 tàu chiến, phá hủy 3 căn cứ và nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ. Những tấm gương chiến đấu ngoan cường như Trần Hanh, Phạm Tuân, Nguyễn Văn Cốc... phi công của sư đoàn khiến kẻ thù khiếp đảm.
Những thế hệ phi công trẻ hôm nay, thừa hưởng thành quả của cách mạng, khác với những phi công thế hệ đầu tiên, họ đã được đào tạo chính quy, bài bản từ chính "cái nôi" Đoàn không quân Thăng Long anh hùng. Những sĩ quan trẻ như Đại úy Nguyễn Như Khoát, Đại úy Nguyễn Việt Phương, Thượng úy Nguyễn Quang Huy thuộc Phi đội 1 Trung đoàn Sao Đỏ anh hùng đang trực tiếp chiến đấu, bảo vệ bầu trời Thủ đô luôn khắc ghi trong tim niềm tự hào khi được viết tiếp những trang sử vàng của Đoàn không quân Thăng Long anh hùng hôm nay. Thượng úy Nguyễn Quang Huy tâm sự: "Phải là những sĩ quan giỏi trong quân chủng, sử dụng thành thạo và làm chủ những vũ khí tối tân nhất mới vinh dự được bảo vệ bầu trời Thủ đô thân yêu. Càng tự hào hơn với chúng tôi khi mỗi ngày huấn luyện dưới những cánh bay bảo vệ vùng trời Thủ đô và phía Bắc Tổ quốc, hồ Gươm luôn hiện ra xanh ngắt như một lẵng hoa giữa lòng thành phố". Tâm sự của người sĩ quan trẻ này đã nói hộ cho lớp chiến sĩ của thế hệ hôm nay sẵn sàng cống hiến, sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần, như cha anh họ đã từng sống như thế.