Tôi nợ người Bộ đội Cụ Hồ ấy cả cuộc đời!

Đời sống - Ngày đăng : 07:05, 30/04/2010

(HNM) - Kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một số cựu phóng viên Mỹ từng tham gia đưa tin trong thời kỳ chiến sự ác liệt tại miền Nam Việt Nam vừa đến thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) thăm lại nơi họ đã đến và đưa tin về cuộc chiến tranh.

Mike Morrow.


Lần đầu tiên tới Việt Nam vào những năm 1965, 1967, hầu hết các nhà báo Mỹ mới ở độ tuổi 22, 23… Nay trở lại, các cựu phóng viên chiến trường xưa giờ đều đã ngoại lục tuần. Tưởng như cuộc hội ngộ cách đây 5 năm đã là lần cuối cùng do tình trạng sức khỏe của họ ngày càng yếu, mỗi năm lại có người qua đời. Sự ra đi vào tháng 5-2009 của phóng viên ảnh người Hà Lan Hugh Van Es, người đã chụp bức ảnh lịch sử về cuộc di tản bằng trực thăng của người Mỹ khỏi Sài Gòn ngày 29-4-1975, càng trở thành một động lực lớn để những cựu phóng viên - hay theo cách gọi của riêng họ là “những tay viết già về Việt Nam” - trở lại Việt Nam lần này.

Cùng ngồi bên nhau tại trung tâm TP HCM hôm nay, những cựu phóng viên, dù đã già, nhưng vẫn sôi nổi khi kể lại chi tiết những công việc họ từng làm, nơi họ đã sống ở Sài Gòn và các chiến trường miền Nam Việt Nam xưa. Họ tranh luận nhiều vấn đề từ những chi tiết của cuộc chiến, những thông tin nóng hổi từng được đăng tải, cho tới những chuyện đời thường như món gì ngon, ở đâu vào thời đó…

Carl Robinson, cựu phóng viên hãng tin AP thời đó, người tổ chức đều đặn những lần trở lại của nhóm kể từ năm 1995 cho biết: “Tôi cho rằng quay trở lại là cần thiết và có ích về mặt tâm lý đối với các cựu phóng viên. Đó là cách tốt nhất để quên đi những ký ức kinh hoàng về chiến tranh đã theo chúng tôi suốt phần lớn cuộc đời và thấy một Việt Nam hôm nay, đang phát triển và tràn đầy sức sống. Để hiểu những gì đang diễn ra thực tế ở Việt Nam, quên đi những kinh nghiệm chiến tranh ở Việt Nam bởi những ký ức đó không hề dễ chịu. Chúng tôi đã đến độ tuổi cần suy ngẫm, nhìn lại quãng đời đã qua và muốn làm một điều gì đó tốt đẹp, để có thể lạc quan trong phần đời còn lại”.

Carl Robinson.


Cách đây gần 40 năm, khi được cử đến Việt Nam, các phóng viên này tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ. Họ chưa biết nhiều về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, và nhiều người bị chính quyền Mỹ lúc đó che mắt bởi những thông tin không đúng sự thật về cuộc chiến này. Nhưng ngay khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất họ đã rất thất vọng. Như cảm nhận đầu tiên của Carl Robinson, rằng “mảnh đất nơi đây hoàn toàn không phải như anh đã được nước Mỹ tuyên truyền”. Càng ở lâu, các phóng viên, với sự nhanh nhạy nghề nghiệp và nhiều người có kiến thức cơ bản về chính trị, về quan hệ quốc tế, về quân sự… hiểu được sự thật của cuộc chiến tranh, đó chính là cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam và sự can thiệp của Mỹ là một sai lầm to lớn. Chính từ đó, dù là viết bài cho những tờ báo Mỹ nhưng họ đã thông tin cho công luận Mỹ sự thật về những chính sách bẩn thỉu của quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Như Carl Robinson là phóng viên đầu tiên vào cuộc phanh phui vụ nhốt tù nhân vào chuồng cọp tại Côn Đảo. Hay Mike Morrow - người đứng đầu hãng tin Dispatch News - hãng tin đầu tiên công bố câu chuyện về thảm kịch Mỹ Lai năm 1969 do phóng viên Seymour Hersh điều tra.

Với Morrow, trở lại Việt Nam lần này còn để thực hiện một nhiệm vụ cuối đời mà ông chưa làm được: “Tôi là một trong số hiếm hoi các cựu phóng viên từng bị bắt giam ở Campuchia nhưng may mắn thoát chết. Và tôi biết ơn sự sống của mình hiện nay nhờ một người chỉ huy của Quân đội nhân dân Việt Nam. Họ đã bảo vệ chúng tôi trong hoàn cảnh rất nguy hiểm, không chỉ vì trong chiến tranh hỗn loạn, chúng tôi có thể bị lính Mỹ bắn chết bất cứ lúc nào, mà còn vì chúng tôi bị đe dọa bởi Khơme đỏ sẵn sàng giết chết bất cứ tù nhân người Mỹ nào rơi vào tay chúng. Tôi mang nợ cả cuộc đời của tôi với những người Bộ đội Cụ Hồ ấy! Tôi từng trở lại Campuchia 20 năm về trước để tìm tung tích của đội lính đã cứu mạng tôi, nhưng lúc đó tình hình vẫn chưa ổn định và không ai có thể cung cấp thông tin cho tôi. Tôi muốn tìm lại vị chỉ huy đó, có thể anh ấy còn sống mà cũng có thể đã hy sinh, nhưng tôi vẫn muốn tìm lại, dù chỉ là một thành viên trong gia đình anh ấy để nói lời cảm ơn”.

Còn Donald Kirt - cựu phóng viên tự do từng viết cho các tờ “Ngôi sao Washington”, Tạp chí Thời báo New York và International Herald Tribune hào hứng cho biết dự định viết thêm một bài báo về Việt Nam - một Việt Nam mới, hòa bình và phát triển: “Ai trở lại Việt Nam giờ đây đều cảm thấy bất ngờ trước sự phát triển, hồi phục của đất nước này. Với tôi, Việt Nam là một nơi đang phát triển mạnh mẽ và ký ức chiến tranh đang dần lùi xa nhường chỗ cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Lần này tôi dự định viết về những bước phát triển của Việt Nam tại TP HCM, gặp gỡ và trò chuyện với một số doanh nghiệp để viết về cơ hội đầu tư, hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ 35 năm sau chiến tranh”.

Thùy Vân