Sau 35 năm, thành phố đã phát triển toàn diện
Chính trị - Ngày đăng : 06:50, 30/04/2010
Một góc thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: Anh Tuấn |
- (?): Nhớ lại ngày này cách đây 35 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, xin đồng chí tâm sự đôi điều về ý nghĩa ngày lịch sử trọng đại này?
- Dù đã trải qua 35 năm đất nước hòa bình, thống nhất, nhưng với thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau thì thời khắc thiêng liêng 30-4-1975 vẫn mãi mãi là biểu tượng rực rỡ nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của nhân dân ta - một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc ta. Thắng lợi vĩ đại đó có sự đóng góp, hy sinh rất to lớn của các thế hệ, của lớp lớp người con ở mọi miền đất nước, trong đó có nhiều người con thân yêu của Thủ đô Hà Nội.
- (?): Đồng chí có thể nói rõ hơn về những bứt phá trong 35 năm để đưa thành phố Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước như hôm nay?
- Hẳn chúng ta không thể nào quên được những tháng ngày thử thách khắc nghiệt. Trong niềm vui đất nước vừa thống nhất thì phải đối diện với những khó khăn chồng chất, vừa phải giữ vững thành quả cách mạng, ổn định chính trị - xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phải khôi phục kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân. Trên bàn lãnh đạo thành phố những năm 80 đó, là bàn chuyện chén cơm, miếng thịt cho người dân. Nhiều người vẫn thường nói, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những nơi xuất phát ý tưởng sáng tạo, phong cách làm việc năng động và cũng là đúc kết chính sách từ thực tiễn. “Cái khó ló cái khôn”, mọi người còn nhớ chuyện “xé rào”, “cởi trói” của một số đơn vị kinh tế ở thành phố Hồ Chí Minh. Có nhiều ý kiến đánh giá trái ngược nhau lúc ấy. Nhưng thực tiễn khẳng định: Sự năng động, sáng tạo ấy đã góp phần làm tiền đề cho sự nghiệp đổi mới của Đảng để giải phóng sức sản xuất, đưa đất nước phát triển. Khi đã đột phá để giải phóng sức sản xuất, cùng với đổi mới tư duy kinh tế, hình thành những cơ chế, chính sách mới đã có tác động làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển. Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy tốt tiềm năng về huy động nội lực với tổng vốn đầu tư toàn xã hội ngày càng tăng cao, kết hợp đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Song như thế vẫn chưa đủ, thành phố Hồ Chí Minh nhận thức rằng, phát triển kinh tế phải đi đôi với nâng cao chất lượng sống cho nhân dân, bảo vệ môi trường, đưa thành quả của sự phát triển phải đến từng gia đình, từng người dân, không thể để tình trạng khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng ra. Từ đó “chương trình xóa đói giảm nghèo” ra đời, để chăm lo một bộ phận dân nghèo vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Đồng thời, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị như hình thành cơ chế huy động vốn đầu tư, phát hành trái phiếu đô thị, áp dụng phương thức đầu tư BOT, BT, BOO, đổi đất lấy hạ tầng, công tư hợp tác (PPP), đấu giá quyền sử dụng đất, xã hội hóa một số dịch vụ đô thị. Việc này đã tạo thêm nhiều kênh huy động vốn quan trọng và thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng đô thị, qua đó mở một hướng đi mới, giảm áp lực đầu tư từ ngân sách.
- (?): Năm 2002, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết 20-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010. Từ đó đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đạt được kết quả thế nào và còn tồn tại những mặt gì, thưa đồng chí?
- Cách đây không lâu, khi đánh giá thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TƯ, Bộ Chính trị đã khẳng định thành phố tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, kiên cường, chiến đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đóng góp nhiều kinh nghiệm tốt trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, chăm lo các đối tượng chính sách, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Tuy nhiên, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái làm mũi nhọn cho tăng trưởng kinh tế, việc phát triển các loại thị trường tài chính, công nghệ, bất động sản, lao động... còn chậm; khu vực công nghệ cao còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong kinh tế của thành phố; hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế thành phố còn thấp; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị vốn đã rất yếu kém, ngày càng bất cập trước yêu cầu phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông, vận tải hành khách công cộng, ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng; hệ thống thoát nước của thành phố quá lạc hậu và do triều cường ngày càng tăng nên tình trạng ngập nước ngày càng bức xúc, đã gây ô nhiễm môi trường, cản trở sự phát triển kinh tế và gây khó khăn cho đời sống nhân dân; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, nhất là nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao còn thiếu nhiều trước yêu cầu phát triển và hội nhập; vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề rất đáng quan tâm, gây bức xúc trong nhân dân. Bộ Chính trị chỉ đạo Đảng bộ thành phố tập trung sức khắc phục hạn chế, yếu kém, phấn đấu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành một thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn với khu vực phía Nam và cả nước, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á, xứng đáng với thành phố mang tên Bác Hồ.
- (?): Nhìn lại chặng đường 35 năm đã qua, theo đồng chí, đâu là những bài học kinh nghiệm đối với sự phát triển của thành phố?
- Từ thực tiễn, chúng tôi có thể rút ra một số kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mình.
Trước hết, phát huy tính năng động, sáng tạo của nhân dân luôn là kinh nghiệm quý báu của cả quá trình phấn đấu vượt qua bao thách thức và phát triển, đã trở thành truyền thống, thế mạnh của thành phố. Việc quán triệt, vận dụng quan điểm, đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của thành phố cũng như những đóng góp tích cực trong việc tháo gỡ cơ chế cũ không phù hợp, đã chứng minh điều đó. Mặt khác, những hạn chế trong phát triển kinh tế, những yếu kém, tồn tại trong nhiều lĩnh vực chậm được khắc phục đều có nguyên nhân do chưa phát huy cao nhất thế mạnh đó. Đây là kinh nghiệm vừa cấp bách, vừa cơ bản, cần phải được tiếp tục khai thác, phát huy mạnh mẽ hơn nữa.
Trong chỉ đạo tổ chức thực hiện phải luôn bám sát thực tiễn, thật sâu sát và cụ thể, đồng bộ và kiên quyết. Việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện phải kiên trì, kiên quyết thực hiện cho kỳ được mục tiêu khi đã xác định là đúng đắn, vì lợi ích của toàn xã hội. Đây thực chất là sự thay đổi phong cách làm việc, vừa phải đề cao dân chủ bàn bạc, phát huy trí tuệ của tập thể và nhân dân, vừa phải tăng cường trách nhiệm cá nhân; từng thời điểm phải có sự tập trung cao, dám quyết đoán, dám đưa ra giải pháp táo bạo, đột phá; biết tổ chức, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng, các đơn vị. Từ kết quả thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ đã chứng minh và ngược lại, do không thực hiện được như vậy, là nguyên nhân làm cản trở sự phát triển, làm chậm tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu đã đề ra.
Một kinh nghiệm không thể không nhắc đến, đó là công tác cán bộ có vị trí đặc biệt quan trọng. Thực tế chỉ ra rằng, khi đánh giá, bố trí đúng cán bộ, thì công việc được trôi chảy hơn; khi phát hiện, quy hoạch đúng đi liền với bồi dưỡng, đào tạo, giao việc thử thách một cách mạnh dạn và đồng bộ, thì sẽ tạo ra một đội ngũ cán bộ có triển vọng đáp ứng yêu cầu cho lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành; khi kiên quyết thay đổi những cán bộ kém năng lực, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, xử lý nghiêm những cán bộ mắc sai phạm, đã có tác dụng củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, ngăn chặn những hành vi tiêu cực và nhắc nhở đối với đội ngũ cán bộ.
Cuối cùng, kinh nghiệm bao trùm nhất, bảo đảm thắng lợi trong xây dựng, phát triển và bảo vệ thành phố, đó là giữ vững sự đoàn kết trong toàn Đảng bộ, tập hợp và phát huy sức mạnh đoàn kết các tầng lớp nhân dân thành phố. Mỗi khi thành phố đứng trước những khó khăn thách thức, thì chính sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ, đoàn kết các tầng lớp nhân dân thành phố tạo nên sự đồng thuận xã hội, bình tĩnh, tự tin vượt qua khó khăn, từng bước giành thắng lợi… Việc chủ động khai thác nội lực của thành phố gắn kết chặt chẽ với huy động sức mạnh tổng hợp của khu vực và cả nước, với sự hội nhập và hợp tác quốc tế, phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vượt qua khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hai năm vừa qua, là một dẫn chứng sinh động.
- Xin cảm ơn đồng chí!