37 năm công tác, nghỉ hưởng trợ cấp 4 năm

Đời sống - Ngày đăng : 07:25, 29/04/2010

(HNM) - 37 năm 7 tháng làm việc tại Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Hà Nội (CCIC) nhưng khi nghỉ hưu, bà Lê Thị Lan Anh chỉ được giải quyết chế độ trợ cấp 4 năm. Trưởng phòng Tổ chức - hành chính của công ty thừa nhận công ty giải quyết như thế chưa đúng luật.

Theo trình bày của bà Lê Thị Lan Anh, kỹ sư kinh tế xây dựng, bà đã làm việc tại công ty từ năm 1972 đến năm 2009 và đóng BHXH đầy đủ. Năm 2005, công ty cổ phần hóa, bà vẫn ở lại làm việc theo sự phân công của đơn vị. Đến năm 2009, với lý do không đủ sức khỏe, bà xin được nghỉ hưu theo chế độ thì công ty chỉ tính các khoản trợ cấp thôi việc có 4 năm.

Bà Lan Anh cho biết: "Do điều kiện hoàn cảnh khó khăn và sức khỏe không bảo đảm, từ lâu tôi đã có ý định xin nghỉ. Nhưng phải đến ngày 7-7-2009, sau khi công ty có thông báo bản Kế hoạch số 275/2009/KH-CCIC về việc đánh giá, phân loại và sử dụng lao động năm 2009 tới các đơn vị trực thuộc, trong đó mục 4 phần II của bản kế hoạch này quy định: Đối với những trường hợp 6 tháng đến nay tuy được đánh giá xếp loại 1, loại 2 nhưng nay do hoàn cảnh, sức khỏe không đáp ứng được công việc ở đơn vị đang công tác thì có thể trình bày nguyện vọng để lãnh đạo công ty xem xét bố trí công việc ở đơn vị khác phù hợp hoặc đề nghị giải quyết chấm dứt HĐLĐ theo pháp luật quy định. Ngay khi có thông báo này, ngày 21-7-2009 tôi đã có đơn gửi lãnh đạo công ty xin chấm dứt HĐLĐ vì lý do sức khỏe".

Chiều ngày 31-8-2009, lãnh đạo đơn vị này đã triệu tập cuộc họp nhằm giải quyết đơn xin thôi việc của bà Lan Anh với đại diện lãnh đạo, chủ tịch công đoàn công ty và bà Lan Anh. Theo biên bản buổi làm việc, lãnh đạo Công ty CCIC cho rằng, do điều kiện công ty còn nhiều khó khăn nên không chấp nhận đơn xin nghỉ việc của bà Lan Anh, yêu cầu bà tiếp tục công tác bình thường. Nếu bà Lan Anh vẫn xin chấm dứt HĐLĐ thì công ty sẽ chỉ giải quyết theo hai cách: chấm dứt HĐLĐ, cá nhân hưởng trợ cấp thôi việc, thời gian tính từ khi công ty cổ phần hóa và cá nhân tự đi giải quyết chế độ hưu trí. Hoặc công ty giải quyết chấm dứt HĐLĐ để hưởng chế độ hưu trí. Đồng thời, công ty yêu cầu bà Lan Anh có đơn cụ thể xin giải quyết theo trường hợp nào trong 2 cách nêu trên gửi về công ty trước ngày 5-9-2009.

Ngày 4-9-2009, bà Lan Anh có đơn gửi lãnh đạo công ty xin chấm dứt HĐLĐ và tự đi giải quyết các thủ tục nghỉ chế độ. Ngày 5-10-2009, Công ty CCIC ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với bà Lan Anh với nội dung: "Bà Lê Thị Lan Anh có thời gian công tác tính theo thời gian đóng BHXH từ tháng 5-1972 đến tháng 11-2009 là 37 năm 7 tháng, thời gian tính trợ cấp thôi việc tính từ khi công ty chuyển sang cổ phần hóa (tháng 5-2005) đến hết tháng 12-2008 là 3 năm 8 tháng, được làm tròn là 4 năm". Như vậy, số tiền trợ cấp thôi việc cho gần 38 năm công tác của bà Lan Anh chỉ gói gọn trong 4 năm cuối với số tiền 5.460.000 đồng.

Đối chiếu với Bộ luật Lao động và các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan, bà Lan Anh đã có đơn khiếu nại gửi công ty và các cơ quan chức năng về việc thanh toán trợ cấp thôi việc. Theo bà Lan Anh, việc công ty chỉ tính trợ cấp thôi việc cho bà từ khi cổ phần hóa đến nay là không đúng luật. Bà Lan Anh cho rằng: "Theo Điều 42 của Luật Lao động có quy định một trong hai chủ thể của quan hệ này có quyền chấm dứt HĐLĐ, nhưng ở trong trường hợp của tôi, công ty lại không cho quyền đó mà còn ràng buộc bằng một số điều kiện có tính áp đặt đối với NLĐ. Đối với việc tính trợ cấp thôi việc, nếu tính đúng, những trường hợp như tôi phải được hưởng trợ cấp thôi việc tính từ năm 1972 đến nay với số tiền chi trả hơn 50 triệu đồng chứ không phải chỉ có 4 năm với số tiền hơn 5 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa với việc công ty đã xâm phạm quyền lợi hợp pháp chính đáng sau gần 40 năm công tác của tôi".

Chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Văn Tường, Trưởng phòng Tổ chức - hành chính của Công ty CCIC. Ông Tường thừa nhận: Nếu áp theo Luật thì đúng là Công ty thực hiện chưa đúng. Thế nhưng hiện nay công ty còn gặp nhiều khó khăn nên mong bà Lan Anh thông cảm. Ngoài ra, nếu giải quyết đúng chế độ cho bà Lan Anh thì sẽ tạo thành tiền lệ cho những người khác trong công ty. Bởi hiện nay, có gần 10 trường hợp đủ năm đóng BHXH để hưởng chế độ như bà Lan Anh. Nếu số này cũng có yêu cầu như bà Lan Anh sẽ gây khó khăn cho DN.

Rõ ràng, những yêu cầu của bà Lan Anh là hoàn toàn chính đáng theo Luật Lao động cũng như Thông tư số 17 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn về việc thực hiện các chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động. Đối với Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Hà Nội - CCIC, không thể vì cổ phần hóa, vì DN khó khăn mà phớt lờ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ sau hơn 40 năm cống híến với một lời nói vô trách nhiệm: "Mong bà thông cảm!".

Bảo Chân