Không quyết liệt sẽ lỗi hẹn!

Xã hội - Ngày đăng : 06:48, 29/04/2010

(HNM) - Ngày 28-4, Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội đã họp kiểm điểm tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc. Tại cuộc họp, chủ đầu tư và nhà thầu đổ lỗi cho chính quyền địa phương chậm trễ trong công tác GPMB; nguợc lại các địa phương cho rằng nhà thầu thiếu quyết liệt trong thi công…

Các nhà thầu thi công đường Láng - Hòa Lạc. Ảnh: Bá Hoạt


Nan giải mặt bằng
Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc là công trình trọng điểm chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được Chính phủ và UBND TP Hà Nội chỉ đạo sát sao với các mốc tiến độ cụ thể. Gần đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra công trình và chỉ đạo trước ngày 30-3 phải hoàn tất công tác GPMB phục vụ thi công. Tuy nhiên, đến nay trên toàn tuyến vẫn đang tồn tại một số "điểm nóng" về mặt bằng, ảnh hưởng tới tiến độ chung của toàn dự án. Cũng xin được nhắc lại, ngày 30-3 chỉ là mốc gần đây nhất, còn trước đó, dự án này đã phải vài lần xin gia hạn GPMB.

Ông Phí Tất Thắng, Trưởng ban QLDA Đầu tư xây dựng mở rộng đường Láng - Hòa Lạc (Tổng công ty CP Vinaconex) cho biết, đến nay, tại nút giao Phú Đô (thuộc huyện Từ Liêm) vẫn còn 24 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng với tổng diện tích 2.977,4m2; khu vực nút giao với tỉnh lộ 70 vướng 20 hộ (tổng cộng 2.590,6m2). Tại địa phận huyện Hoài Đức, phần diện tích bổ sung cầu vượt sông Đáy còn 17/28 hộ chưa nhận tiền bồi thường hỗ trợ và chưa bàn giao mặt bằng. Huyện Thạch Thất còn khoảng 45,81ha. Tại huyện này, ngoài diện tích đất của một số doanh nghiệp như Kim Đỉnh, Chè Minh Nguyệt, Hùng Hưng, Lisohaka thì tại khu vực nút giao Phú Cát và nút giao Hòa Lạc, khối lượng GPMB còn rất lớn.

Ngày 15-4 vừa qua, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) Hồ Ngọc Loan đã ký văn bản số 665/PMUTL-LHL gửi UBND TP Hà Nội, khẳng định: Rất nhiều vị trí không có mặt bằng khiến cho nhà thầu gặp khó khăn trong thi công. Điển hình là 11 hộ dân ở phần đường dẫn lên cầu tại nút giao An Khánh (huyện Hoài Đức), 17 hộ ở nút giao Phú Đô (huyện Từ Liêm). Cá biệt, tại vị trí mố A1 và trụ P1 cầu vượt Bắc Phú Cát (huyện Thạch Thất), chỉ liên quan đến 1 hộ dân nhưng lại rất phức tạp. Nhà thầu đã nhận mặt bằng và lập hàng rào bao quanh phạm vi thi công nhưng luôn bị hộ này cản trở, thậm chí giữ máy móc thiết bị, dọa dẫm công nhân trên công trường... Các tồn tại trên nếu không giải quyết ngay sẽ ảnh hưởng tới mốc tiến độ thông xe đường gom trái trước Đại lễ theo yêu cầu của Chính phủ và UBND TP Hà Nội.

Khẩn trương tháo gỡ ách tắc
Thừa nhận công tác GPMB chưa tốt nhưng đại diện một số địa phương cho rằng chính chủ đầu tư và nhà thầu chưa làm tròn trách nhiệm. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Chu Đại Thành, vì sức ép tiến độ, thời gian qua huyện đã rất cố gắng. TP đã chỉ đạo có mặt bằng đến đâu thi công ngay đến đó. Tuy nhiên, nhà thầu lại quá chậm trễ. Có chỗ, huyện đã GPMB và bàn giao cho chủ đầu tư phục vụ thi công nhưng nhà thầu để cho cỏ mọc. Dân thấy vậy lại tái lấn chiếm. Quan điểm của huyện là đề nghị TP kiến nghị Bộ GTVT thay thế các nhà thầu không đủ năng lực.

Đến thời điểm này, có lẽ không nên ngồi đổ lỗi cho nhau mà phải tập trung phối hợp, tháo gỡ ách tắc.

Ông Khuất Trọng Kiên, Phó ban Bồi thường GPMB huyện Hoài Đức cho rằng chủ đầu tư và nhà thầu chưa phối hợp chặt chẽ với địa phương để đẩy nhanh tiến độ GPMB. Ngay cả số liệu giữa địa phương với chủ đầu tư và nhà thầu cũng chưa khớp. Như tại nút giao An Khánh hiện chỉ còn 2 hộ chưa bàn giao chứ không phải 11 hộ như báo cáo của nhà thầu và Ban QLDA.

Đường Láng - Hòa Lạc tại địa bàn huyện Từ Liêm vẫn chưa được hoàn thiện. Ảnh: Đàm Duy


Trước ý kiến của các địa phương, đại diện Ban QLDA Thăng Long khẳng định rất ít khi được các huyện gửi giấy mời hay gọi điện mời họp để cùng tháo gỡ vướng mắc.

Tại cuộc họp, thay mặt lãnh đạo TP, ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP đánh giá: Khâu phối hợp giữa chủ đầu tư, nhà thầu với chính quyền địa phương và các sở, ngành còn "vênh", có lúc, có nơi còn chưa nhịp nhàng. Thực tế cho thấy, một số điểm dù đã có mặt bằng nhưng nhà thầu lại chưa có phương án thi công tối ưu và chưa thực sự nỗ lực theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và TP Hà Nội. Hiện tại, cơ chế chính sách bồi thường GPMB, tái định cư đã cơ bản đồng bộ, các địa phương phải chủ động hơn, quyết liệt hơn. Với các hộ chây ỳ, cản trở, từ ngày 25 đến 30-5 phải tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất. Các trường hợp không phải cưỡng chế thì đẩy nhanh tiến độ thẩm định, lên phương án bồi thường, chi trả tiền xong trước ngày 20-5. Quan điểm của lãnh đạo TP là không thể chờ đợi được nữa. Tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Có mặt bằng rồi, nhà thầu phải khẩn trương thi công. Có như vậy, dự án mới không lỗi hẹn.

Tuấn Lương