Hà Nội tìm giải pháp cấp bách để quy hoạch mạng lưới điểm đỗ xe

Đời sống - Ngày đăng : 23:56, 28/04/2010

(HNMO) – Do tăng trưởng nóng trong những năm qua, Hà Nội đang thiếu trầm trọng các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe ở khu vực các quận nội thành, nhất là ở quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.


Bất cập mạng lưới điểm đỗ, bãi đỗ xe

Theo Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, sự bùng nổ của các loại phương tiện trong những năm qua tại Hà Nội đã tạo nên áp lực rất lớn cho kết cấu hạ tầng giao thông. Tính đến tháng 12/2009, Hà Nội có 302.293 xe ô tô các loại, 3.649.315 xe máy, 1.000.000 xe đạp, 300 chiếc xích lô. Theo đó, nhu cầu về giao thông tĩnh của TP Hà Nội tăng đột biến, nhất là sau khi Hà Nội được mở rộng vào năm 2008.

Quỹ đất giành cho giao thông đường bộ của Hà Nội rất thấp, mạng lưới phân bổ không đều. Các tuyến nội đô chưa hoàn chỉnh, thiếu đường nối giữa các trục chính quan trọng, đặc biệt là các khu dân cư cũ, thiếu sự quản lý chặt chẽ theo quy hoạch. Các quốc lộ hướng tâm có xu hướng “phố hóa” như: QL 1A, QL6, QL3, QL5, QL32… gây nguy cơ mất an toàn và ùn tắc giao thông. Đa số các đường đô thị có mặt cắt hẹp từ 7m-11m. Xu thế phát triển đô thị về hướng Tây và Tây Nam làm tăng mật độ dân cư, nhu cầu đi lại lớn gây ùn tắc thường xuyên tại các đường trục chính.

Hà Nội hiện chưa có đường sắt đô thị, một số dự án mới đang trong giao đoạn triển khai như: Hà Đông – Cát Linh, Ngọc Hồi – Yên Viên trong đó hệ thống nhà ga, trạm trung chuyển hành khách đang được xây dựng.

Các tuyến giao thông thủy khu vực Hà Nội, chủ yếu tập trung trên sông Hồng và sông Đuống là các tuyến tự nhiên, không ổn định. Hiện chưa khai thác được tiềm năng vận tải hàng hóa, hành khách của các tuyến này.

Ở Hà Nội, nhu cầu điểm đỗ xe, bãi đỗ xe rất cao nhưng khả năng đáp ứng lại rất thấp. Tính đến tháng 3/2010, Hà Nội chỉ có 1.1178 điểm đỗ ô tô, xe máy, với tổng diện tích là 429.269,3m2.

Theo đó, xuất hiện nhiều điểm đỗ xe, bãi đỗ xe không phép, gây mất trật tự và ùn tắc giao thông. Ở hầu hết các huyện (trừ huyện Từ Liêm có 5 bãi đỗ xe có phép) còn lại không có các điểm đỗ, bãi đỗ xe có phép. Điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tại các huyện đều hình thành tự phát theo mùa vụ như ở Chùa Hương…

Nhìn chung mạng lưới điểm đỗ xe, bãi đỗ xe phân bố không đồng đều và chưa hợp lý gây khó khăn trong quản lý, mất mỹ quan đô thị và gây mất trật tự an toàn giao thông. Kết cấu hạ tầng phần lớn chưa được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Chỉ có một số bến, điểm đỗ đảm bảo yêu cầu kỹ thuật (an toàn cháy nổ, dịch vụ sửa chữa).

Mặt khác, TP Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế chính sách mới trong việc quản lý điểm đỗ, bãi đỗ xe. Tuy nhiên, do sự phát triển bùng nổ các phương tiện, cơ chế chính sách chưa điều tiết kịp, nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo đó, cần phải có cơ chế chính sách mới để đáp ứng kịp nhu cầu thực tế hiện nay và trong những năm sắp tới.



Bãi đỗ xe ở Mỹ Đình


Gấp rút tìm giải pháp sắp xếp mạng lưới bãi đỗ xe


Trước thực trạng rất bất cập của mạng lưới bãi đỗ xe của Hà Nội, trong thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và đơn vị tư vấn là Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải xây dựng Đề án nghiên cứu sắp xếp mạng lưới điểm đỗ xe, bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020. Chiều 28/4, tại UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo về đề án trên và lấy ý kiến đóng góp của các sở, ban ngành của thành phố.

Theo ý kiến của đại diện cảnh sát giao thông thành phố, đề án phải tập trung đưa ra các giải pháp sắp xếp các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe trong các quận nội thành ở giai đoạn trước mắt là đến năm 2012, “cấp cứu” cho các phương tiện hiện đang tăng chóng mặt, nhưng lại không có chỗ đỗ. Sau đó, đề án mới đề cập đến giai đoạn 2015, 2020, cần xây các bãi đỗ xe ngầm, xe nổi, áp dụng công nghệ như thế nào? Việc phân kỳ quy hoạch và đầu tư cũng giúp thành phố có chính sách quản lý và thu hút đầu tư phù hợp.

Theo Tổng công ty Vận tải Hà Nội, đề án cần khớp nối với Quy hoạch phát triển chung Hà Nội giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050 đang được xây dựng. Nhu cầu thiếu điểm đỗ xe, bãi đỗ xe hiện bức bối nhất ở khu vực phố cổ, phố cũ, đề án cần xác định rõ nhu cầu đỗ trong các giờ cao điểm để có các giải pháp phù hợp…

Sau khi nghe thêm ý kiến đóng góp của Sở Giao thông Vận tải, Viện Quy hoạch Xây dựng, Sở Tài chính, Công ty khai thác điểm đỗ xe…Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi kết luận: đề án phải tập trung vào việc tìm ra các giải pháp giải quyết ngay, trong thời gian ngắn việc đỗ xe tùy tiện, gây ùn tắc giao thông đang diễn ra tràn lan trên các quận nội thành. Đề án phải gắn với quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, trình các cấp thẩm quyền xem xét. Đề án phải đưa ra các giải pháp cụ thể như đề xuất quỹ đất làm điểm đỗ xe, bãi đỗ xe, giải pháp tăng sức chứa xe trong các quận nội thành, giảm ùn tắc giao thông, chọn lựa công nghệ phù hợp, giải pháp thu hút đầu tư, quy hoạch tuyến nào cho đỗ tạm, tuyến đường nào không được đỗ. Bên cạnh đó, đề án cũng cần đề xuất các dự án xây dựng điểm đỗ xe, bãi đỗ xe ưu tiên đến năm 2015; xây dựng cơ sở pháp lý hạn chế các xe hoạt động trong khu vực vành đai 2; tạo quy chế khi xây mới hoặc cải tạo, các công trình xây dựng phải tính đến điểm đỗ xe của cơ quan và khách đến giao dịch; Tổ chức mạng lưới giao thông công cộng kết hợp với khu vực cho người đi bộ.

Như vậy, sau cuộc họp chiều 28/4, đơn vị tư vấn sẽ bắt tay nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện lại đề án và trình tiếp các cấp thẩm quyền góp ý kiến, phê duyệt. Hà Nội đang “vắt trí tuệ, sức lực” để có một mạng lưới điểm đỗ xe, bãi đỗ xe bắt kịp sự tăng trưởng nóng của thành phố.

Lan Hương