Nước cờ đột phá

Thế giới - Ngày đăng : 08:01, 28/04/2010

(HNM) - Chiến lược năng lượng của Nga vừa thêm bước tiến quyết định khi cùng Áo ký kết Hiệp định về dự án Xây dựng đường ống dẫn khí đốt

Sơ đồ đường ống dẫn khí mang tên “Dòng chảy phương Nam”.


Sau một loạt nước Bulgaria, Serbia, Hungary, Hy Lạp, Slovenia và Croatia, Áo là điểm đột phá cuối cùng để Cremli có thể bắt tay vào dự án đầy tham vọng này. Như vậy, cùng với "Dòng chảy phương Bắc" - dự kiến hoàn thành vào năm 2012, "Dòng chảy phương Nam" - dự kiến hoàn thành vào năm 2015, sẽ giúp Nga củng cố và tăng cường vị thế là nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho châu Âu, nhất là khi cơn khát nhiên liệu đang tới gần và gõ cửa từng nền kinh tế công nghiệp trên toàn cầu. Tuy nhiên, bước tiến của Nga lại khiến dự án đường ống dẫn khí Nabucco của châu Âu lâm vào khó khăn vì khi hoàn thành sẽ thiếu hẳn một yếu tố quan trọng: nguồn cung.

Được triển khai từ giữa năm ngoái với sự tham gia của Áo, Bulgaria, Hungary, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ, tuyến đường ống dẫn khí quy mô lớn mang tên Nabucco - được gọi hết sức ưu ái là Hành lang phía Nam - con đường "tơ lụa" mới, với hy vọng đem khí đốt từ biển Caspian và Trung Đông qua Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Nhưng Nabucco sẽ thu gom khí đốt từ những nước nào vẫn còn là câu hỏi chưa có đáp án cuối cùng. Đối với châu Âu, phương án lấy khí đốt khả dĩ nhất là từ Turkmenistan và Iran, nhưng hai quốc gia này lại đang chịu ảnh hưởng của Nga.

Đương nhiên, Nabucco sẽ không thể để ống trống rỗng sau khi hoàn thành. Và Nabucco có thể thu mua khí từ các quốc gia Trung Á khác như Azerbaijan, Kazakhstan hay cả Iraq và Ai Cập, nhưng Iran và Turkmenistan lại giữ vai trò lớn nhất nhờ trữ lượng khí đốt khổng lồ. Vì thế, trong thời gian tới, để đổ đầy 31 tỷ mét khối khí đốt/năm cho "đường ống trong mơ" - dự kiến hoàn thành vào năm 2014 - các nước châu Âu phải thuyết phục bằng được các "đại gia" về "vàng xanh" đổ khí đốt vào đường ống này. Thế nhưng, có đến 30 tỷ mét khối khí đốt từ Trung Á đang dành cho Nga/năm nhờ những hợp đồng ký trước. Turkmenistan cũng đã ký hợp đồng thời hạn 30 năm bán cho Trung Quốc 40 tỷ mét khối khí đốt/năm. Lượng khí đốt này sẽ được cung cấp vào đường ống dài 7.000km đi từ Turkmenistan qua Trung Quốc. Với "dòng chảy" quy mô đã được an bài như vậy thì dù có muốn, Ashgabat cũng khó "đào" thêm khí đốt để bơm cho Nabucco. Còn với Iran, sau những căng thẳng với phương Tây liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này, khả năng Teheran cung cấp khí đốt ổn định cho Nabucco là rất bấp bênh.

Ngược lại, những khó khăn liên quan đến dự án Nabucco lại tạo thêm lợi thế cho Nga trong cuộc đua trên thị trường năng lượng khi “Dòng chảy phương Bắc” - dài 1.200km xuyên qua biển Baltic tới tây Bắc Âu và “Dòng chảy phương Nam” - dài gần 900km xuyên qua Biển Đen tới Balkan đang từ từ "cán đích". Sự xuất hiện của hai hệ thống đường ống mới, với khả năng cung cấp trên 100 tỷ mét khối cho châu Âu vào năm 2020 cho thấy cuộc cạnh tranh khốc liệt nhằm kiểm soát nguồn cung đang là rào cản khó vượt với các nước phương Tây trong nỗ lực tìm kiếm sự độc lập về khí đốt với Moscow. Chắc chắn trong thời gian tới, Nga sẽ không để khu vực Caspian - một "cái rốn năng lượng" của thế giới với trữ lượng dầu mỏ là 32,8 tỷ tấn, trữ lượng khí đốt là 18.000 tỷ mét khối - rơi khỏi tầm ảnh hưởng.

Hiện tại, châu Âu tiêu thụ khoảng 600 tỷ mét khối khí đốt/năm. 30 năm tới, nhu cầu về món hàng này của châu Âu sẽ tăng 30%. Trong bối cảnh như vậy, nước cờ "năng lượng" của Nga: “Dòng chảy phương Nam” sẽ không chỉ khiến dự án Nabucco lâm vào thế của một dự án "treo" mà còn khiến các quốc gia khát năng lượng ở Lục địa già tiếp tục phải nhìn nhận Moscow như là một nhà cung cấp nhiên liệu không thể thiếu.

Quỳnh Chi