Chưa ai chịu trách nhiệm

Đời sống - Ngày đăng : 06:59, 28/04/2010

(HNM) - Nhiều người lý giải nhà "siêu mỏng, siêu méo" tồn tại (SMSM, hay còn được gọi vui là nhà "2 siêu") là do thiếu cơ chế. Nhưng trên thực tế, quy định của Nhà nước không thiếu, mà vấn đề nằm ở khâu thực hiện. Đây là một ví dụ điển hình về sự bất cập trong công tác quản lý đô thị hiện nay.

Quy định “trong ngăn kéo”

Gần đây nhất là Quy định 108/2009/QĐ-UB được UBND TP Hà Nội ban hành ngày 29-9-2009: Trường hợp Nhà nước thu hồi, GPMB một phần đất ở của người sử dụng để xây dựng đường giao thông theo quy hoạch mà phần diện tích còn lại có thể hợp khối với thửa đất liền kề phù hợp với quy hoạch thì UBND cấp huyện ra thông báo bằng văn bản để chủ sử dụng hợp khối trong thời hạn 30 ngày làm việc. Quá thời hạn trên mà chủ sử dụng đất chưa hợp khối, UBND TP hoặc UBND cấp huyện theo thẩm quyền ra quyết định thu hồi. Cách giải quyết tiếp theo cũng được quy định cụ thể: UBND cấp huyện có trách nhiệm quản lý chống lấn chiếm để sử dụng theo quy hoạch và gộp chung vào một phương án cùng với phần diện tích đất nằm trong chỉ giới GPMB để thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định chung. Ngay cả kinh phí bồi thường cũng được hướng dẫn tỉ mỉ: Kinh phí bồi thường, hỗ trợ để thu hồi phần diện tích đất còn lại ngoài chỉ giới GPMB đối với trường hợp quy định trên do người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất chi trả và được khấu trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Nhà siêu mỏng trên phố Đào Tấn làm hỏng cảnh quan của một con đường đẹp.
 Ảnh: Đàm Duy

Trước đó, nhiều văn bản quy phạm tương tự đã được UBND TP Hà Nội ban hành, làm rõ 3 nhiệm vụ của các sở, ngành, quận, huyện trong việc ngăn chặn và xử lý nhà SMSM. Đó là hướng dẫn và yêu cầu các chủ sở hữu hợp khối; không cấp phép xây dựng, thu hồi theo quy định (trong trường hợp không chủ động hợp khối). Chưa kể,

Luật Xây dựng và Quyết định 39/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ban hành ngày 28-2-2005) ngoài quy định chung về nghiêm cấm xây dựng trên đất hẹp (nhỏ hơn 15m2 và mặt tiền không quá 3m) còn chỉ ra cách xử lý từng trường hợp nhà SMSM vi phạm. Ví dụ, các trường hợp xây dựng từ năm 2005 đến nay là các công trình vi phạm trật tự xây dựng, cần được xử lý theo quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương các cấp lập phương án xử lý và kế hoạch, thời gian tổ chức thực hiện theo thẩm quyền…

Từ những quy định này có thể thấy sự vô lý khi mỗi con đường, tuyến phố, nút giao thông hoàn thành, nhà SMSM lại xuất hiện như “một phần không thể thiếu”. Không những thế, tình trạng này tồn tại như một thách thức và tiếp tục mọc lên ngay cả tại những công trình vừa mới hoàn thành như nút giao thông Thanh Xuân, chân cầu Vĩnh Tuy...

Phải làm rõ trách nhiệm

Từ ngày 1-3-2010, Luật Quy hoạch đô thị bắt đầu có hiệu lực. Luật quy định thu hồi đất để xây dựng các tuyến đường, cần thu hồi mở rộng quỹ đất hai bên đường để tổ chức đấu thầu, đấu giá (Khoản 3, Điều 65). Đây là giải pháp khắc phục tình trạng nhà SMSM luôn đi kèm với những tuyến đường, nút giao thông mới mở bấy lâu nay. Sau khi luật này có hiệu lực, nhiều người tin tưởng tình trạng nhà SMSM sẽ chấm dứt. Nhưng cũng có không ít người tỏ ra ngờ vực, bởi như trên đã nói, chúng ta không hề thiếu những quy định, nhưng cũng ngần ấy những quy định không được thực thi nghiêm túc.

Để nhà SMSM mọc lên mà không có phép là lỗi của những cơ quan quản lý trật tự xây dựng, mà trực tiếp là UBND các quận, huyện, xã, phường. Để người sở hữu đất nhà SMSM không chịu hợp khối mà cũng không thực hiện thu hồi, lỗi trực tiếp là những cơ quan chịu trách nhiệm công tác GPMB. Rõ như thế, nhưng ngần ấy thời gian, biết bao nhiêu nhà SMSM mọc lên, nhưng chưa từng thấy ai, đơn vị nào bị quy trách nhiệm, khiển trách hay kỷ luật. Có thể nói, khi trách nhiệm bị buông lỏng, quy định chỉ để... làm cảnh.

Điều đáng nói là nhà SMSM vi phạm vẫn còn đó, quy định xử lý đang có hiệu lực, chỉ còn trách nhiệm của nhà quản lý thì vẫn chưa thấy thể hiện đúng và đủ. Dẫu sao, muộn còn hơn là bỏ mặc…

Ông Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, đại biểu HĐND TP Hà Nội:
Làm rõ trách nhiệm quản lý

"Quy định nêu rõ, nếu phần diện tích đất còn lại nhỏ hơn 15m2, có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m thì không được phép xây dựng. Không thiếu những văn bản quy phạm pháp luật, những quyết định của UBND TP về giải quyết nhà loại này, thế nhưng, nhà SMSM vẫn xuất hiện. Không chỉ cần xử lý vi phạm một cách cương quyết, thành phố cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc cấp phép xây dựng cũng như trong công tác quản lý quy hoạch".

80 nhà siêu mỏng, siêu méo và hơn thế nữa…

Theo Sở Xây dựng, năm 2008, kết quả thống kê cho thấy trên địa bàn nội thành có 52 trường hợp nhà SMSM; năm 2009 phát sinh thêm một số mới ở nút giao thông Thanh Xuân, khu vực Cát Linh - Ô Chợ Dừa, chân cầu Vĩnh Tuy… Tổng cộng có khoảng 80 nhà SMSM. Trong khi đó, theo phản ánh của một số đại biểu HĐND TP Hà Nội, hiện nay, nhà SMSM không những vẫn không ngừng phát sinh ở nội thành mà còn bắt đầu hình thành trên một số tuyến đường ngoại thành.

Võ Lâm