Khoảng trống !

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:35, 28/04/2010

1. Một chuyên gia tuyển dụng lao động kể rằng, dù đã ở Việt Nam mấy năm rồi, cũng đã biết kha khá về con người Việt Nam nhưng anh không khỏi ngạc nhiên mỗi khi nghe đoạn phỏng vấn tuyển nhân viên:

- Anh (chị) muốn làm việc gì?

- Việc gì cũng được.

- Muốn mức lương thế nào?

- Lương, lương...? Tôi không biết...

Đa số bạn trẻ trả lời như thế.

Đi làm mà không biết mình muốn làm việc gì? Đi làm mà không quan tâm tới lương? Liệu có ai muốn tuyển dụng một nhân viên như vậy?

2. Sau mấy lần hội chợ việc làm, một công ty nước ngoài chọn được 65 ứng viên. Đòi hỏi đầu tiên không cao - chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT. Phỏng vấn có 3 chủ đề: kiến thức về toán học, môi trường và lịch sử.

Về toán: Cho biết công thức tính diện tích hình vuông, chữ nhật, tam giác và hình tròn. Kết quả - tỷ lệ ứng viên biết tính diện tích hình vuông 65/65; hình chữ nhật là 55/65; hình tam giác là 5/65; còn diện tích hình tròn thì... không ai nhớ.

Về môi trường: Bạn xử lý thế nào khi thấy một người vứt rác ở nơi có biển "Cấm vứt rác"? Phần lớn trả lời là "tôi sẽ nhặt và mang chỗ rác đó bỏ vào thùng rác công cộng". (Thùng rác công cộng ở đâu? Nếu xa thì có mang đi không? Chỉ mang một túi rác đó đi hay mang tất cả số rác đã bị vứt ở đó?...); hoặc “tôi sẽ phê bình và đề nghị người vứt rác phải vứt rác cho đúng chỗ (nếu người ta bảo đó không phải chuyện của anh thì làm sao?...). Khi bị hỏi lại, không ai trả lời được. Đáp án là: cần thuyết phục có tình, có lý sao cho người kia tự giải quyết chỗ rác vứt bậy theo đúng quy định. Muốn vậy phải có hiểu biết về pháp luật, về môi trường và có khả năng thuyết phục người khác.

Bạn trẻ vào đời trước cũng như con thuyền đi ra biển. Trước khi nhổ neo cần biết nơi cần đến và biết cách định hướng để không trệch mục đích. Không thể vào đời là cứ vào, cứ nhắm mắt đưa chân rồi mặc con tạo xoay vần. Hành trang vào đời đó được gọi là kỹ năng sống, thứ mà nhà trường có trách nhiệm trang bị cho thế hệ trẻ. Nhưng ở nước ta, không chỉ nhà trường, các đoàn thể cũng chỉ đưa ra những chỉ giáo chung chung mà không chỉ dẫn cụ thể những kỹ năng sống, những hành trang cụ thể để áp dụng vào cuộc sống như thế nào? Đó đang là khoảng trống của lớp trẻ sau khi học xong THPT và cũng là khoảng trống của ngành giáo dục nước nhà.

Giới trẻ của chúng ta được trang bị nhiều lý thuyết mà lại rất thiếu những chỉ dẫn cụ thể, sinh động mang tính kỹ năng thì rất khó đi ra biển. Khoảng trống này biết lúc nào sẽ được lấp đầy.

Nguyễn Triều