Trung tâm vẫn là con người
Chính trị - Ngày đăng : 06:55, 27/04/2010
Lạc hậu, cản trở phát triển
Ở các vùng nông thôn Hà Nội vẫn tồn tại nhiều tập tục và các thói quen lạc hậu. Câu chuyện về người phụ nữ không được mang họ cha (chỉ được lấy tên đệm của cha làm họ) ở xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) và xã Cộng Hòa (huyện Quốc Oai) là một ví dụ. Việc đặt họ như vậy không trái với quy định pháp luật, nhưng đã gây rắc rối trong quản lý nhân khẩu và làm mất nhiều quyền lợi cho người phụ nữ.
Không chỉ có chuyện lạ về đặt họ cho con gái, những tập tục, thói quen lạc hậu còn ở nhiều lĩnh vực như việc cưới, việc tang… Không phủ nhận những năm qua việc tang lễ ở nông thôn đã bớt rườm rà hơn trước (người chết không để quá 48h, nhiều vùng cũng đã bỏ tục lăn đường, đội mũ rơm, phúng viếng bằng lễ chín...) song chuyện ăn uống linh đình trong đám tang vẫn còn. Chị Nguyễn Thị Trường ở quận Đống Đa sau lần về quê ở xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên) viếng đám ma người bạn không khỏi ngạc nhiên. Người chết vừa nằm xuống, con cháu đã tính chuyện làm ngót trăm mâm cỗ. Ai đến phúng viếng cũng đều được giữ lại ăn cỗ xong mới về. Qua tìm hiểu được biết, tục lệ này có ở làng từ xa xưa, có đám, cha già, mẹ yếu nằm xuống, gia đình khó khăn phải vay mượn hàng chục triệu đồng lo cỗ bàn, hậu sự để bằng anh bằng em và không bị làng xóm chê cười... Đám tang đã vậy, đám cưới còn tổ chức ăn uống linh đình hơn. Mâm cao cỗ đầy nhưng người đến dự chỉ ăn cơm, canh và các món nộm còn tất cả thịt, cá, giò chả... đều được chia phần cho mọi người mang về. Từ đó dẫn đến cảnh trớ trêu, đàn ông đi ăn cỗ lấy phần thì ngại, vì vậy mà đám cưới chỉ toàn đàn bà, con gái.
Ở một số xã thuộc vùng Sóc Sơn lại có tệ cờ bạc trong đám cưới và các ngày lễ hội. Xã Mai Đình là một trong 3 xã được TP Hà Nội đầu tư xây dựng thí điểm mô hình NTM trong 2 năm 2010-2011. Ông Nguyễn Văn Nguyệt, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết: Mai Đình là một xã lớn, đời sống nhân dân được xếp vào diện khá so với các xã khác trên địa bàn huyện song ở địa phương vẫn còn nhiều tập tục lạc hậu. Tệ cờ bạc ở địa phương này còn được người dân xem như "bản sắc" của xã. Trong các đám cưới, ngày tết, ngày hội làng, người dân bất kể già hay trẻ đều có thể chơi chắn, đánh tổ tôm đến quên ăn, quên ngủ.
Mấu chốt từ người dân
Xây dựng NTM, người nông dân không chỉ giàu có về kinh tế mà phải có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh. Do đó, những tập tục, thói quen không phù hợp trong nhân dân cần phải được thay đổi. Dự thảo Đề án NTM được TP Hà Nội đưa ra với số kinh phí dự trù lên tới hơn 52.000 tỷ đồng, chia thành 5 nhóm đầu tư, gồm quy hoạch; xây dựng cơ sở hạ tầng; kinh tế và tổ chức sản xuất… Nhưng theo GS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Hà Nội, con người là linh hồn của nông thôn, là trung tâm và chủ thể xây dựng NTM lại chưa được đề cập đến trong đề án. "Nông dân có trình độ thấp thì không thể xây dựng được nông thôn mới. Vì vậy, những vấn đề liên quan đến tập tục, tôn giáo, thói quen… phải được quan tâm thích đáng" - ông Hoan khẳng định. Đồng quan điểm với GS Vũ Hoan, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, nhận thức của nông dân còn hạn chế khiến khó có sự đồng thuận trong xây dựng và giữ gìn nông thôn. Đề án NTM của TP, hầu hết tiêu chí tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, ít quan tâm đến kiến trúc thượng tầng nông thôn. Đơn cử như trong lĩnh vực văn hóa, đề án mới chỉ đề cập đến xây dựng nhà văn hóa thôn, xây dựng sân vận động đạt chuẩn...
Bà Lê Thị Tân Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thành viên BCĐ xây dựng NTM Hà Nội khẳng định: Xây dựng thành công NTM phải bắt đầu từ người dân dựa trên những tập tục, thói quen từng vùng, miền. Đối với Hà Nội, cần những chính sách đặc thù vì nhiều vùng nông thôn ven đô đang trong quá trình đô thị hóa mạnh. Theo bà Trang, trước mắt cần đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân nông thôn.