Bài 8: 823 ngày chiến đấu giữa sào huyệt địch

Chính trị - Ngày đăng : 06:51, 27/04/2010

(HNM) - Nếu như đến nay, huyền thoại Thành Troy trong sử thi Iliad của Hy Lạp vẫn đang được nhiều sử gia, nhà khoa học bàn cãi về tính sát thực, thì những câu chuyện ở Trại Davis - trong sân bay Tân Sơn Nhất những ngày trước 30-4-1975, dưới sự chứng kiến của gần 80 hãng thông tấn quốc tế là có thực và theo chúng tôi còn lãng mạn, đậm chất hùng ca.

Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất tháng 4-1975. Ảnh: Tư Liệu


Hoa vẫn nở trong vòng thép gai
Trại Davis - tên người lính Mỹ đầu tiên chết tại Việt Nam vốn là doanh trại của một đơn vị không quân Mỹ. Theo Hiệp định Paris ký kết ngày 27-1-1973, tại Trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có hai đoàn đại biểu quân sự của ta ở đó để giám sát việc thực hiện thi hành Hiệp định.

Tất cả các cựu chiến binh trong CLB truyền thống Ban liên hợp quân sự - Trại Davis TP Hồ Chí Minh khi kể cho chúng tôi nghe những ngày sống, chiến đấu trong đó, đều khẳng định: Việc chọn một doanh trại lính làm trụ sở cho hai phái đoàn quân sự của ta đã thể hiện rõ ý đồ của địch muốn cô lập, không cho người dân Sài Gòn thấy được sự hiện diện của các chiến sỹ cách mạng ngay trong sào huyệt của bọn chúng. Trại được xây dựng kiểu dã chiến, tường gỗ, mái lợp tôn hoặc ngói xi măng, trang bị bên trong như giường, tủ, bàn ghế... đều bằng sắt, xung quanh dày đặc thép gai với hàng chục vọng gác, lỗ châu mai, ban ngày trời nóng như nung, cứ 5 phút lại có một chuyến máy bay cất, hạ cánh, khiến môi trường sống cực kỳ căng thẳng. Về việc cung cấp lương thực, thực phẩm, địch không cho các chiến sỹ ta đi chợ, bắt ta phải đặt hàng các nhà thầu do chúng chỉ định, chủ yếu là đám "Thiên nga" thuộc một tổ chức phản động dùng toàn nữ của ngành an ninh quân đội Sài Gòn.

Không chỉ o ép về vật chất, ngụy quyền Sài Gòn còn luôn tìm mọi cách móc nối, dụ dỗ lôi kéo người của ta; đặt máy nghe trộm; ly gián gây mất đoàn kết nội bộ. Địch cũng đã có kế hoạch hèn hạ như đầu độc nguồn nước, thực phẩm, bắt cóc lãnh đạo phái đoàn; thậm chí thuê bọn lưu manh côn đồ kiếm cớ khiêu khích, tấn công vào trại...

Mặc dù gặp vô vàn khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần, nhưng cán bộ, chiến sỹ trong Trại Davis luôn giữ vững khí tiết của người chiến sỹ cách mạng, đồng thời cũng chứng minh cho thế giới: Lính Cụ Hồ là những người có văn hóa. Giữa hàng chục vòng thép gai, bao vọng gác, lỗ châu mai với những họng súng chĩa vào, nhưng các chiến sỹ ta vẫn chơi thể thao, xem ca nhạc, chiếu phim. Để cải thiện đời sống, trong trại trồng rất nhiều loại cây ăn quả như cam, chanh, chuối, mít. Tại các cuộc họp báo, dịp lễ tết, chúng ta còn có hoa trồng được bằng giống hoa lay ơn, đồng tiền, cúc... từ làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội) đem vào, tặng các nhà báo nữ, khiến họ vô cùng xúc động. Một số nhà báo của đoàn Hungari, Ba Lan đã phải thốt lên: "Chỉ có mỗi đạo quân này chịu đựng được như thế".

Hơn 2 năm 3 tháng hoạt động trong lòng địch, thắng lợi lớn nhất của Trại Davis là đã bền bỉ, kiên quyết đấu tranh, buộc Mỹ phải thực thi nghiêm túc các điều khoản đã ký kết trong Hiệp định Paris, tạo tiền đề chiến lược để tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lịch sử không thể bị lãng quên
Có lẽ phần vì đã mất nhiều công sức đến khắp nơi để xin được công nhận Trại Davis là khu di tích lịch sử nhưng chưa được; phần ngại mọi người nghĩ là mình "hăng hái" vì đòi quyền lợi cho bản thân; thêm vào đó là tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhiều, nên Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời, Trưởng ban Liên lạc CLB truyền thống Ban liên hợp quân sự khu vực phía Nam không muốn nhắc đến chuyện đề nghị công nhận Trại Davis là di tích nữa. Thậm chí, trong một số tài liệu gửi lại anh em trong Ban liên lạc, ông còn ghi ở góc: "Tài liệu mật, không sao chép"...

Theo tài liệu chúng tôi có được thì sau nhiều lần đề nghị của Ban liên lạc Trại Davis, ngày 26-8-2002, Ban Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh thuộc Sở VHTT TP Hồ Chí Minh đã xây dựng "Lý lịch trích ngang" Trại Davis, trong đó khẳng định: "Hơn 2 năm 3 tháng kể từ ngày 28-1-1973 đến ngày 30-4-1975, hơn 200 cán bộ, chiến sỹ trong Trại Davis đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Trại Davis là di tích lịch sử cần được bảo tồn để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ".

Tiếp đó, ngày 5-3-2003, Bộ Quốc phòng có Công văn số 685 gửi UBND TP Hồ Chí Minh trong đó cũng nêu rõ: "Trại Davis là một chứng cứ lịch sử, ở đó chứng kiến quá trình đấu tranh kiên cường của cán bộ, chiến sỹ ta; thể hiện ý chí Việt Nam, tính độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng và hoạt động ngoại giao quân sự của ta trong quá trình đòi thi hành Hiệp định Paris. Vì vậy, Trại Davis xứng đáng là một địa danh lịch sử. Theo quy định của Pháp lệnh Sử dụng và Bảo vệ di sản văn hóa thì việc xếp hạng di tích lịch sử văn hóa thuộc trách nhiệm của UBND TP Hồ Chí Minh. Vì vậy đề nghị UBND và Sở VHTT TP Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết".

Thật tiếc, chuyện dừng ở đó. Cho đến nay, dù các cựu chiến binh Trại Davis lận đận đi "gõ" nhiều cửa, nhưng cũng không biết quá trình xét duyệt đang "tắc" ở đâu?

Khu đất nơi Trại Davis đóng khi xưa, nay là một sân bóng đá, do một đơn vị đấu thầu và quản lý. Khi biết chúng tôi có ý định chụp ảnh khu đất này, dù đã được các cựu chiến binh Trại Davis cất công xin phép, nhưng những người có trách nhiệm kiên quyết không cho, lấy lý do là còn phải... thảo luận. Bí mật gì ở đây - Một sân bóng ngày nào cũng có hàng trăm thanh, thiếu niên ra vào tập luyện? Phải chăng đơn vị đang được phép sử dụng lo ngại, nếu báo chí lên tiếng, thì ngày nào đó, nơi đây được xây thành khu di tích lịch sử và họ sẽ mất đi một nguồn thu?

Chúng tôi rời TP Hồ Chí Minh mà lòng nặng trĩu nỗi buồn. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn phải nằm viện sau phẫu thuật, ông đang mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Nhiều nhân chứng đã qua đời; một vài người khi chúng tôi được giới thiệu, tìm đến cũng không gặp vì mới nhập viện để cấp cứu... đa phần các nhân chứng còn lại tuổi đều ở độ tuổi từ 70 đến trên 80 tuổi. 823 ngày đêm tại Trại Davis, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ của ta, đóng quân ngay giữa sào huyệt địch, từng giây, từng phút căng thẳng đấu tranh không khoan nhượng, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ cho đến ngày toàn thắng. Và chuyện một lực lượng hàng trăm người, hơn hai năm trời đấu tranh công khai trong lòng đối phương, trước sự chứng kiến của cộng đồng quốc tế là điều chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới.

35 năm đã trôi qua... chẳng biết trong những lễ kỷ niệm Chiến thắng 30-4 đang diễn ra tưng bừng khắp nơi, còn ai nhắc đến chuyện Trại Davis?

“Xóa sổ” Trại Davis không cần xin ý kiến

- Sáng 1-5-1975, Đại tá Nguyễn Văn Bổ, cán bộ bảo vệ Đoàn VN CCH đi thu thập tài liệu ở Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, vào phòng làm việc của Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, thấy quyển lịch công tác trên bàn có ghi:
Chỉ thị cho cấp dưới: Được quyền sử dụng các biện pháp sau đây đối với Trại Davis, không cần phải xin chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, chỉ cần phát hiện thấy có tiếng súng từ Trại Davis bắn sang sân bay:
1- Bắn pháo và cối vào Trại Davis
2- Cho xe tăng và bộ binh tràn ngập
3- Ném bom
4- Rải chất độc hóa học với điều kiện gió không thổi về phía
thành phố
- Trước đó, ngày 29-4-1975, pháo 150mm của địch đã bắn 2 quả trúng vào Trại Davis. Biệt động Sài Gòn khi đó dò được tần số thông tin của địch, đã nói là bắn chệch hướng, để địch chuyển làn. Chính vì vậy mà không ai ở Trại Davis bị thương.

Anh Tuấn