Bức xúc trước tình hình hành hung, cản trở nhà báo
Đời sống - Ngày đăng : 06:18, 27/04/2010
Theo Hội Nhà báo Việt Nam, từ năm 2006 đến hết quý I năm 2010, có 18 vụ cản trở, hành hung nhà báo. Trong số 13 vụ hành hung, mới có 4 vụ được khởi tố và chỉ theo Điều 104 (cố ý gây thương tích) hoặc các điều luật khác, chứ chưa theo Điều 257 (chống người thi hành công vụ). Trong đó, chỉ một vụ có tin xét xử. Đặc biệt, từ ngày 1-1-2010 đến nay, tình hình hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp gia tăng cao, diễn biến phức tạp…
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến chia sẻ trực tiếp, sâu sắc của đại diện Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo TƯ), Phòng Thanh tra báo chí-xuất bản (Bộ TT-TT); đại diện Văn phòng Quốc hội, các luật sư, nhà báo liên quan hoặc trực tiếp là nhân chứng trong các vụ nhà báo bị hành hung...
Các ý kiến cho thấy, hoạt động tác nghiệp của các nhà báo, đặc biệt là trong các trường hợp chống tiêu cực, tuy là việc thực thi nhiệm vụ cơ quan báo chí, nhưng lại chưa được nhìn nhận đúng mức hoặc có cơ chế hỗ trợ thích hợp… Nội dung kiến nghị tập trung vào việc: Tăng cường tuyên truyền pháp luật, tiêu biểu như áp dụng nghị định về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp. Mặc dù nghị định ra đời từ năm 2001, nhưng đến nay chưa có trường hợp nào được ghi nhận là đã được xử lý theo văn bản này. Các đại biểu thống nhất kiến nghị các cơ quan chức năng ra thông tư liên tịch nêu rõ hoạt động của nhà báo là thực thi công vụ, tạo cơ sở để áp dụng điều 257 khi xử lý vấn đề này; thúc đẩy việc ra đời Luật Tiếp cận thông tin...
Vai trò Hội Nhà báo Việt Nam cũng được nhấn mạnh nhằm gắn kết các hội viên cùng chia sẻ với các đồng nghiệp lâm nạn; có các động thái tích cực hơn để bảo vệ nhà báo chân chính tác nghiệp… Bản thân các nhà báo cũng cần trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình.