Làng nghề Phùng Xá: Vô tư “đầu độc” sông Đáy
Xã hội - Ngày đăng : 21:59, 26/04/2010
Phát triển thiếu bền vững
Có thể nói, con sông Đáy đã tạo cho Phùng Xá có cảnh quan thật đẹp, đời sống của người dân cũng vì thế mà thêm sung túc. Thêm vào đó, nhờ có nghề dệt khăn mặt, khăn bông nên đời sống của người dân Phùng Xá càng thêm khá giả hơn so với các làng, các xã khác trong huyện. Song, do không quan tâm đến bảo vệ môi trường nên sản xuất càng phát triển thì đoạn sông Đáy chảy qua địa bàn xã càng thêm ô nhiễm. Để tạo ra những sắc màu khác nhau cho sản phẩm, trong quá trình sản xuất, các cơ sở đều phải trải qua các giai đoạn như: tẩy, nhuộm, hấp… Trên thực tế, hầu hết các cơ sở sản xuất tại đây đều xả thẳng nước thải chứa những hóa chất công nghiệp độc hại ra sông Đáy mà không qua xử lý.
Nước sông Đáy tại những khu vực nước tẩy nhuộm ở làng dệt Phùng Xá thải ra liên tục đổi màu |
Các loại nước thải được xả thẳng ra sông trên địa bàn Phùng Xá có đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng... Tại các điểm xả thải, nước sông Đáy chuyển màu liên tục. Dòng nước thải từ các cơ sở sản xuất bốc khói với mùi nồng nồng, hăng hắc của thuốc giặt tẩy. Trung tuần tháng 12-2009, Cục Cảnh sát môi trường đã lấy mẫu nước thải từ các cơ sở sản xuất thải ra, kết quả cho thấy, 6/8 mẫu nước vượt mức tối đa cho phép nhiều lần.
Qua quan sát cho thấy, đa số các doanh nghiệp sản xuất lớn tại Phùng Xá đều xây dựng ven trục đường liên xã chạy dọc theo sông Đáy; một số khác được xây dựng cạnh bờ sông. Phải chăng, việc xây dựng này bên cạnh tạo thuận lợi để vận chuyển hàng hóa, còn góp phần thuận tiện cho việc xả nước thải trực tiếp ra sông? Bởi, các doanh nghiệp này đều thiết kế những ống dẫn nước phục vụ sản xuất và ống dẫn nước thải qua thân đê (nằm dưới mặt đê khoảng hơn 1 m).
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức, chưa có đánh giá cụ thể nào về những tác động môi trường của làng nghề dệt Phùng Xá. Hàng năm, phòng chỉ kiểm tra định kỳvà xử lý hành chính. Ước tính của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, trung bình 1 ngày đêm, mỗi cơ sở sản xuất xả khoảng 200 m3 nước thải chưa qua xử lý ra sông Đáy. Như vậy, bình quân mỗi ngày, đoạn sông Đáy chảy qua địa bàn xã Phùng Xá phải tiếp nhận hàng nghìn m3 nước thải từ các cơ sở sản xuất khăn mặt, khăn bông đóng trên địa bàn.
Theo các chuyên gia trong ngành môi trường, nước thải từ các cơ sở dệt nhuộm thường có độ PH cao, nhiệt độ nước thải lớn, chứa nhiều hóa chất, màu khó tan. Nếu nước thải không được xử lý không chỉ gây ô nhiễm nước bề mặt, mà nguy hiểm hơn, các kim loại trong hóa chất sẽ lắng đọng và ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm.
Làm ngơ vì thiếu kinh phí
Theo lãnh đạo UBND xãPhùng Xá, từ nhiều năm nay, ngoài lượng nước thải được xả từ các doanh nghiệp sản xuất lớn, thì toàn bộ lượng nước thải từ gần 1.900 hộ dân làm nghề dệt, nhuộm trong xã cũng được xả trực tiếp ra sông Đáy.
Những khu vực ngay cạnh mặt đê như thế này thường được các doanh nghiệp dệt tại Phùng Xá ngụy trang là nơi hút nước vào để sản xuất, nhưng trên thực tế, đó lại là nơi xả trực tiếp nước thải xuống sông Đáy |
Trên thực tế, từ năm 2000, xã đã xây dựng điểm sản xuất công nghiệp tập trung có diện tích 7 ha với 11 doanh nghiệp tham gia sản xuất. Hiện các doanh nghiệp này đang xây dựng dự án xử lý nước thải. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp ở đây, kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải quá lớn nên chưa biết đến khi nào mới hoàn thành và đi vào hoạt động.
Một khó khăn nữa, do quy hoạch chưa hợp lý, các hộ đăng ký tham gia lẻ tẻ nên mặc dù điểm sản xuất công nghiệp tập trung của xã đã được hình thành từ 10 năm nay, nhưng không thể xây dựng được hệ thống xử lý nước thải chung. Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó chủ tịch UBND xãPhùng Xá cho biết, UBND xã cũng đã phê duyệt dự án xây dựng thêm 1 điểm sản xuất công nghiệp tập trung nữa (rộng 10 ha), nhằm thu hút các hộ, các doanh nghiệp sản xuất dệt, nhuộm ra đây để xa khu dân cư và đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, mặc dù quy hoạch đã được phê duyệt khoảng 10 năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai vì không giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân là do dự án này được quy hoạch trên quỹ đất 1 dành cho cấy lúa.
Chủ tịch hiệp hội làng nghề dệt Phùng Xá Phan Minh Doanh đánh giá, khó khăn lớn nhất của làng nghề dệt Phùng Xá chính là vấn để xử lý nước thải. Theo ông Doanh, thời gian gần đây, một số ngành chức năng đã về địa phương kiểm tra, đánh giá tình hình ô nhiễm, đồng thời đã lên phương án để xử lý nước thải cho điểm sản xuất công nghiệp của Phùng Xá. Tuy nhiên, kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải lên đến 60 tỷ đồng. Trong khi đó, các doanh nghiệp trên địa bàn xã đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, mức đầu tư trên là quá sức đối với họ. Phải chăng vì thế mà bao nhiêu năm nay, làng nghề Phùng Xá cứ vô tư "đầu độc" sông Đáy bằng việc xả thải trực tiếp nước chưa qua xử lý xuống sông.