Ngành đầu tiên ký thỏa ước lao động tập thể bảo vệ quyền lợi người lao động
Đời sống - Ngày đăng : 21:34, 26/04/2010
* Đã có 69 doanh nghiệp dệt may đăng ký tham gia thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt may với 90.266 người lao động
(HNMO) - Ngày 26/4, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành Dệt may Việt Nam với sự chứng kiến của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ LĐTB-XH, Phòng thương mại và công nghiệp VN (VCCI) cùng đại diện các LĐLĐ Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên và đại diện các DN dệt may thuộc Hiệp hội Dệt may VN, các cấp CĐ trong ngành... Đây là ngành đầu tiên ký TƯLĐTT cấp ngành để bảo vệ quyền lợi của NLĐ sau khi lấy ý kiến của 130 doanh nghiệp trong ngành.
Một số nội dung quan trọng được thỏa thuận thống nhất trong TƯLĐTT. Theo đó, với quy định về tiền lương, đối với các đơn vị tự xây dựng thang bảng lương thì tiền lương ở các bậc lương của nhóm điều kiện LĐ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với điều kiện bình thường (quy định của Nhà nước là 5%); số bậc lương mỗi ngạch bậc lương hoặc nhóm lương thiết kế không quá 15 bậc (Nhà nước không quy định về bậc) và mức lương bậc 1 đối với các công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề cao hơn ít nhất là 10% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, sau 1 đến 2 năm phải xét nâng bậc.
Về chế độ ăn giữa ca tùy theo hiệu quả SXKD và giá sinh hoạt tại địa phương nhưng tối thiểu là 5.000đ/bữa và định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm được xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
Thu nhập bình quân của người lao động đối với CNLĐ nếu làm việc đủ 12 tháng và đảm bảo định mức lao động và chất lượng, thì người sử dụng LĐ bảo đảm mức thu nhập bình quân năm (bao gồm tiền lương, phụ cấp lương, tiền thưởng, không kể ăn ca và các khoản nộp bảo hiểm) tương ứng với các vùng được Nhà nước quy định về mức lương tối thiểu vùng: 1.700.000 đ/người/tháng đối với vùng 1; 1.600.000 đ/người/tháng đối với vùng 2; 1.500.000 đ/người/tháng vùng 3 và thấp nhấp là 1.300.000 đ/người/tháng đối với vùng 4.
Trong thời gian áp dụng, nếu người sử dụng LĐ thực hiện đúng các nội dung của thỏa ước thì tập thể người lao động không tự ý tổ chức đình công về những nội dung đã được thỏa thuận. Trường hợp người lao động đình công không đúng trình tự của pháp luật thì ngay sau khi xảy ra đình công ban chấp hành công đoàn cơ sở phải cử đại diện để đàm phán với người sử dụng lao động. Mặt khác khi có tranh chấp dẫn đền đình công thì Hiệp hội dệt may Việt Nam và công đoàn dệt may Việt Nam phải cử đại diện phối hợp cùng doanh nghiệp và các cơ quan liên quan giải quyết theo các quy định của pháp luật.
Việc ký kết thỏa ước này là bước tiến mới trong quan hệ lao động. Trong TƯLĐTT này có qui định rõ về tiền lương - nguyên nhân của nhiều cuộc đình công từ trước đến nay. Điều này hy vọng sẽ giảm được những cuộc đình công tự phát xuống./.