Dịch tai xanh trên lợn “hoành hành” ở đồng bằng sông Hồng

Kinh tế - Ngày đăng : 20:44, 26/04/2010

(HNMO)- Theo đánh giá của Cục Thú y, những ngày gần đây, dịch tai xanh trên lợn có tốc độ bùng phát và lây lan nhanh chóng trên địa bàn các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Trong 2 ngày qua, dịch đã xảy ra tại tỉnh

Nam Định và tại huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Người dân lao đao vì dịch

Theo báo cáo của Cục Thú y chiều 26-4, hiện dịch tai xanh trên lợn đã xuất hiện tại 9 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng, với 125 xã của 19 huyện. Đến thời điểm này, dịch đã làm hơn 33.000 con lợn bị nhiễm bệnh, số lợn bị tiêu hủy là hơn 10.000 con. Trong đó, tỉnh bị nặng nhất hiện vẫn là Hải Dương với 47 xã của 5 huyện, tiếp đến là Thái Bình, Hưng Yên.... Tỉnh Nam Định cũng đã xuất hiện ổ dịch đầu tiên vào ngày hôm nay 26-4.

Theo Cục Thú y, tại Hà Nội, vào ngày 25-4 vừa qua, dịch tai xanh đã xuất hiện trên địa bàn 5 xã là Trung Mầu, Kim Sơn, Phú Thị, Lệ Chi và Dương Quang của huyện Gia Lâm. Dịch đã làm 370 con lợn mắc bệnh, trong đó đã tiêu hủy 320 con.

Cách đây khoảng hơn 10 ngày, tại thôn Giao Tất A, xã Kim Sơn (Gia Lâm), có khoảng 20 hộ gia đình đã phải tiêu hủy lợn vì dịch tai xanh. Trong đó có hộ bị tiêu hủy đàn lợn có tổng trọng lượng gần 1 tấn, thiệt hại gần 30 triệu đồng. Đến thời điểm này, trong thôn chỉ còn khoảng 10 hộ còn lợn nhưng cũng đã có hiện tượng ốm. Được biết, năm 2007, tại đây cũng đã xảy ra dịch tai xanh, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ chăn nuôi.

Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn thôn Linh Quy Bắc, xã Kim Sơn, nhiều hộ chăn nuôi cũng đang lao đao vì lợn đang chuẩn bị xuất chuồng mà lăn ra ốm. Theo nhiều người dân phản ánh, nhiều ngày qua cán bộ thú y chữa trị lợn ốm không thấy khỏi, thì nhận được thông báo tiêu hủy, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy tổ chức tiêu hủy?

Lơ là trong phòng, chống dịch

Trạm trưởng Trạm Thú y Gia Lâm Lê Minh Đạt cho biết, hiện nay, huyện Gia Lâm chăn nuôi khoảng 32 nghìn con lợn. Năm 2007, trên địa bàn huyện cũng đã xảy ra dịch tai xanh. Hiện trong 5 xã có dịch trên địa bàn huyện, thì xã Kim Sơn là chịu thiệt hại nặng nhất. Theo ông Đạt, do huyện Gia Lâm giáp ranh với 2 tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh, trong khi cả 2 tỉnh này đều đã có dịch. Việc vận chuyển lợn lây lan từ các vùng lân cận sang nhau là 1 trong những nguyên nhân chính dẫn đến dịch bùng phát trên địa bàn.

Bên cạnh đó, quốc lộ 5 là trục đường huyết mạch nối từ các tỉnh chạy qua địa bàn huyện Gia Lâm nhưng lại không hề có chốt kiểm dịch động vật. Ông Đạt cho biết, chốt kiểm dịch khu vực cầu Chui được lập trong thời điểm có dịch cúm gia cầm, nhưng khi dịch cúm gia cầm tạm yên, thì chốt kiểm dịch đó đã tạm thời dừng hoạt động. Hơn thế, 5 xã đang có dịch hiện nay gần kề với Bắc Ninh và Hưng Yên, nhất là xã Dương Quang và Kim Sơn của huyện có kênh mương dẫn nước được nối thông với huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) và huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Bởi vậy, qua đường kênh mương này, dịch rất dễ lây lan, phát tán sang các vùng lân cận.

Cũng theo ông Đạt, nguyên nhân dẫn đến việc dịch lợn tai xanh bùng phát trên địa bàn 5 xã của huyện Gia Lâm, chủ yếu do việc vận chuyển từ các tỉnh lân cận, cũng như do người dân trên địa bàn huyện mua lợn giống từ các nơi đang có dịch. Bởi vậy, dịch tai xanh chủ yếu xảy ra trên đàn lợn giống.

Tuy nhiên, điều đáng nói, đến thời điểm này, dịch bùng phát trên địa bàn xã Kim Sơn tương đối rộng, song hiện mới chỉ có thôn Giao Tất A lập chốt kiểm dịch, chống vận chuyển lợn ra vào khu vực có dịch.

Đ.H