Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm tỉnh Giang Tô, Trung Quốc

Chính trị - Ngày đăng : 16:09, 26/04/2010

Quan hệ kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh Giang Tô phát triển mạnh mẽ. Riêng năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các tỉnh, thành phố của Việt Nam với Giang Tô đạt 2,21 tỷ USD.

Phó Tỉnh trưởng tỉnh Giang Tô Trương Vệ Quốc đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phu nhân và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam tại Sân bay quốc tế Lục Khẩu.


Ngày 26/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phu nhân và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã đến Nam Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức tỉnh Giang Tô (Trung Quốc).

Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phu nhân và Đoàn Cấp cao Chính phủ Việt Nam tại sân bay Lục Khẩu có Phó Tỉnh trưởng Giang Tô Trương Vệ Quốc, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ, đông đảo cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Giang Tô.

Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh Giang Tô phát triển mạnh mẽ. Riêng năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các tỉnh, thành phố của Việt Nam với Giang Tô đạt 2,21 tỷ USD.

Các ngành, địa phương của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Giang Tô các sản phẩm hàng dệt may (chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu), cao su thiên nhiên (chiếm 13,3%) và than (chiếm 8,9%); nhập khẩu từ Giang Tô chủ yếu là hàng dệt may, sắt thép, thiết bị xử lý số tự động và linh kiện. Tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) và tỉnh Đồng Nai (Việt Nam) có quan hệ hợp tác hữu nghị từ năm 1995.

Đông đảo cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, các lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Giang Tô đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phu nhân và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam.


Giang Tô cũng quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ với các nước ASEAN. Tính đến năm 2008, Giang Tô có hơn 7.000 doanh nghiệp kinh doanh thương mại với các nước ASEAN, xuất khẩu sang ASEAN hơn 4.000 loại sản phẩm và nhập khẩu hơn 2.600 loại mặt hàng. Trong đó Giang Tô chủ yếu xuất khẩu sản phẩm cơ điện, may mặc, sắt thép; chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm điện, dầu thực vật, cao su tự nhiên… ASEAN có 4500 dự án đầu tư tại Giang Tô, vốn đăng ký trên 28 tỷ USD.

Ngày mai (27/4), theo lịch trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp Tỉnh trưởng Giang Tô La Chí Quân, chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận hợp tác kinh tế, đầu tư, du lịch giữa các ngành, địa phương Việt Nam với tỉnh Giang Tô.

Giang Tô nằm giữa miền duyên hải Hoa Đông, thuộc hạ lưu sông Dương Tử (Trường Giang). Dân số 76,8 triệu người (năm 2008). Từ năm 1985, Giang Tô đẩy mạnh cải cách mở cửa, nên liên tiếp trong 15 năm tăng trưởng ở mức hai con số.

Năm 2009, GDP của Giang Tô tăng 12,4%, đạt 500 tỷ USD, đứng thứ hai Trung Quốc, sau tỉnh Quảng Đông. GDP bình quân đầu người đạt trên 6.400 USD. Trình độ giáo dục khoa học của Giang Tô thuộc hàng đầu Trung Quốc. Lực lượng nghiên cứu khoa học đứng thứ 3 sau Bắc Kinh và Thượng Hải. Giang Tô là tỉnh đi đầu của Trung Quốc trong việc thực hiện mở cửa với bên ngoài, có quan hệ hợp tác hữu nghị với 194 tỉnh, thành phố thuộc 42 quốc gia trên thế giới.

Tỉnh này có 125 khu công nghiệp. Các ngành trụ cột là ô tô, chế tạo máy, thiết bị điện tử, hóa dầu, thông tin, dệt may và các ngành công nghiệp mới có hàm lượng kỹ thuật cao như thực phẩm chức năng, vật liệu nano, kỹ thuật số, vi mạch. Giang Tô cũng là tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài và số lượng bằng phát minh sáng chế liên tục đứng đầu Trung Quốc.

Theo VGPNEWS