Định hướng tương lai
Kinh tế - Ngày đăng : 07:13, 26/04/2010
Lợi thế, cơ hội và thách thức
Tại cuộc họp thẩm định dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020 mới đây, các chuyên gia nhấn mạnh, lợi thế lớn nhất, chính là vai trò Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học của cả nước, có bề dày lịch sử và nguồn lực con người, nhất là chất xám cao hơn hẳn khu vực hay đô thị nào khác. Bộ Chính trị đã dành cho Hà Nội một số cơ chế đặc thù, ban hành Pháp lệnh Thủ đô (sẽ được thay bằng Luật Thủ đô) chính là để tăng tốc phát triển cho Hà Nội trên cơ sở khẳng định vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, dẫn dắt quá trình phát triển KT-XH phía Bắc, nhất là đối với vùng Thủ đô. Lợi thế về nguồn lực con người được khẳng định bởi sự tập trung "đậm đặc" với 65% trí thức, lao động chất lượng cao, hơn 100 trường đại học, cao đẳng và khoảng 85% số viện nghiên cứu khoa học cả nước.
Kinh tế Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong giai đoạn 2011-2015. Ảnh: Phương An |
Hà Nội là đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ và phát triển sản xuất - kinh doanh, có thể tiếp nhận, phân bổ và điều tiết hàng xuất, nhập khẩu, khách du lịch cho vùng Tây bắc, Đông bắc, đến các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, vào miền Trung và Nam bộ. Hà Nội cũng luôn khẳng định và phát huy vai trò là trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, đồng thời là địa bàn thu hút nguồn vốn đầu tư của cả nước.
Tuy nhiên, những hạn chế đã được phát hiện từ lâu của Hà Nội vẫn chưa được khắc phục như mong muốn. Đó là, tình trạng yếu kém và thiếu đồng bộ của hệ thống kết cấu hạ tầng. Mạng lưới cấp điện, nước, vệ sinh môi trường chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh hơn trong thời gian tới. Phân bố trường học, bệnh viện, cơ sở khoa học chưa hợp lý. Tình trạng quá tải, ách tắc giao thông, thiếu giao thông tĩnh. Công tác quy hoạch, quản lý đô thị còn một số bất cập. Nhiều dự án chậm triển khai, chậm tiến độ... Những tồn tại trên ảnh hưởng đến tốc độ cũng như chất lượng phát triển KT-XH, hạn chế sức cạnh tranh của thành phố.
Xác định mục tiêu tổng quát, cụ thể
Từ yêu cầu tự thân và hội nhập, Hà Nội xác định những mục tiêu phát triển cụ thể từ nay đến năm 2015, 2020 và tầm nhìn đến 2030 là đạt mức tăng trưởng cao - bền vững, xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở hiện đại, đồng bộ; môi trường sạch và bền vững; có mức sống ngày càng cải thiện và hiện đại… Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015 là 10%/năm. Tốc độ tăng trưởng sẽ giảm xuống còn 9% trong giai đoạn 2016-2020. Đây là mức tăng khá ấn tượng và cao hơn hẳn so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Năm 2015, thu nhập bình quân của Hà Nội đạt khoảng 3.300 USD/năm và các con số tương ứng sẽ là 5.300 USD. Kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh theo hướng dịch vụ - công nghiệp và xây dựng - nông nghiệp. Trong đó dịch vụ chất lượng và trình độ cao ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tổng giá trị sản xuất và thu nhập với tỷ trọng tương ứng lần lượt năm 2015 là 53,9%, 41,9% và 3%. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trung bình 10-12%/năm giai đoạn 2011-2015.
Hà Nội sẽ trở thành đô thị xanh, sạch với hệ thống hạ tầng được cải tạo và xây dựng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Hệ thống vận tải công cộng sẽ được bổ sung 2 tuyến đường sắt đô thị bên cạnh việc duy trì, mở rộng mạng lưới xe buýt. Dự kiến đến năm 2020, các loại hình vận tải công cộng đáp ứng 35-45% nhu cầu đi lại của người dân. Cảng hàng không Nội Bài sẽ đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm; khả năng sẽ nghiên cứu xây dựng thêm một sân bay để đáp ứng nhu cầu phát triển khi sân bay Nội Bài quá tải. Tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng thông tin với mật độ thuê bao internet đạt khoảng 40%. Cùng với việc phát triển hệ thống cấp nước, cơ bản bảo đảm các hộ gia đình được dùng nước hợp vệ sinh; cải tạo mạng lưới thoát nước để giải quyết tình trạng úng ngập; thu gom, xử lý toàn bộ rác thải khu vực nội thành và 90% rác ngoại thành.
Để bảo đảm phát triển theo những mục tiêu trên, dự kiến tổng vốn đầu tư cho Hà Nội khoảng 2.200 ngàn tỷ đồng (tương đương 98 tỷ USD), thông qua các nguồn như ngân sách nhà nước (chiếm 16-18%), vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước, vốn tín dụng, vốn của DN ngoài nhà nước và dân cư (48-52%), vốn ODA và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (14-16%).