Cú “phản pháo” nguy hiểm

Thế giới - Ngày đăng : 07:04, 26/04/2010

(HNM) - Iran vừa kết thúc cuộc tập trận quy mô lớn (từ ngày 22 đến 24-4), tại Vịnh Persian và eo biển chiến lược Hormuz với sự tham gia của đông đảo các đơn vị bộ binh, hải quân và không quân thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng nước Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRGC).

Cuộc tập trận của lực lượng Vệ binh Cách mạng nước Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRGC) tại Vịnh Persian và eo biển chiến lược.


Khí tài mà lực lượng IRGC phô diễn trong tập trận đã khẳng định điều mà Ngoại trưởng Iran Mottaki tuyên bố cách đây không lâu rằng, bất cứ hành động tấn công nào nhằm vào Iran là "đùa với lửa". Bởi trong tập trận, quốc gia Hồi giáo này đã thử nghiệm một loạt vũ khí mới.

Đó là chiến hạm "siêu tốc" mang tên Ya Mahdi, có tốc độ di chuyển cực nhanh và có khả năng phá hủy rất mạnh, thậm chí, khi đạt tốc độ cao, tàu Ya Mahdi có thể tàng hình trước các hệ thống rađa để tấn công phá hủy các mục tiêu. Cùng với đó là kế hoạch của Iran sản xuất các hệ thống tên lửa phòng thủ giống hệ thống S-300 của Nga. Các hãng thông tấn của Iran còn loan báo, chính quyền của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã quyết định hiện đại hóa các máy bay tiêm kích F-14 Tomcat do Mỹ sản xuất, trong đó trang bị bom thông minh thế hệ mới Qased do Iran chế tạo cho các máy bay F-14. Đây là loại bom không đối đất tầm xa có điều khiển, ứng dụng công nghệ tiên tiến, có khả năng bắn phá mục tiêu từ xa mà không cần mạo hiểm bay vào tầm bắn của đối phương…

Dư luận vùng Vịnh cho rằng, vị trí được chọn để tập trận cũng là những ẩn ý của Tehran. Bởi Vịnh Persian nằm giữa bán đảo Arập và vùng Tây Nam Iran, nơi có trữ lượng dầu mỏ rất lớn, trong khi eo biển Hormuz là một huyết mạch hàng hải quốc tế. Tập trận tại đây là một ngụ ý nhằm khẳng định lời đe dọa của Iran rằng sẽ đóng cửa eo biển Hormuz trong trường hợp nước này bị tấn công...

Rõ ràng, Tehran đã có câu trả lời dứt khoát sau những động thái của các nước phương Tây dự định siết chặt thêm vòng vây quanh cuộc khủng hoảng hạt nhân của nước này. Trước đó, Washington với sự ủng hộ của Anh và Pháp, đã và đang ráo riết vận động áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran. Căng thẳng gia tăng sau khi Mỹ tuần trước công bố chính sách hạt nhân mới mà giới chức Tehran cho là tạo ra một mối đe dọa hạt nhân đối với Iran. Phái viên 6 cường quốc (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) cũng vừa thảo luận kín tại Văn phòng Phái đoàn Trung Quốc tại Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, để cân nhắc biện pháp trừng phạt mới chống Iran. Theo dự thảo trừng phạt mà Mỹ đề xuất và được các đồng minh của Washington tại châu Âu ủng hộ, sẽ bao gồm một lệnh cấm vận vũ khí hoàn toàn, một lệnh cấm đối với các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực năng lượng của Iran, hạn chế vận tải biển và tài chính cũng như các biện pháp trừng phạt nhằm vào các lợi ích kinh doanh của lực lượng Vệ binh Cách mạng hùng mạnh của nước cộng hòa Hồi giáo. Cho đến nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã áp đặt 3 nghị quyết trừng phạt Iran liên quan chương trình hạt nhân của nước này, vốn bị phương Tây nghi ngờ nhằm sản xuất vũ khí hạt nhân.

Với những gì đang diễn ra xung quanh chương trình hạt nhân của Iran, cú "phản pháo" trên biển của Tehran càng khiến căng thẳng giữa Tehran và phương Tây gia tăng và khó có thể tìm được lời giải trong tương lai gần.

Trung Hiếu