Sự đảo chiều ngoạn mục

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:30, 26/04/2010

(HNM) - Cuộc

Thỏa thuận vừa được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych ký kết cuối tuần trước là đột phá mới trong quan hệ giữa hai nước sau nhiều năm căng thẳng. Đây là một thắng lợi chiến lược của Moscow trên vùng biển này.

Bước đi chiến lược mang tên Biển Đen là dấu chấm hết của đường lối mà các nhà cách mạng Cam ở Ukraine từng cố công theo đuổi sau cuộc chính biến năm 2004. Chính sách "hướng Tây" đầy mạo hiểm "thời cam" đã không chỉ làm đóng băng quan hệ Nga - Ukraine mà còn khiến Kiev lạc lõng trước các láng giềng trong không gian hậu Xô viết - khu vực vốn có nhiều ràng buộc cả về lịch sử lẫn lợi ích kinh tế. Kết quả là Ukraine rơi vào khốn cùng, bế tắc cả về chính trị và kinh tế.

Với Ukraine, sự hiện diện tiếp tục của Nga tại Sevastopol sẽ mang lại cho quốc gia đang trên bờ vực phá sản này nhiều lợi ích sống còn, nhất là kinh tế. Trước mắt, Nga sẽ giảm giá bán khí đốt cho Ukraine từ 337 USD/1.000m3 xuống còn 250-260 USD/1.000m3. Như vậy, Ukraine sẽ tiết kiệm được khoảng 1,5 tỷ USD/năm từ việc mua khí đốt. Bên cạnh đó, ngoài tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người dân địa phương, sự hiện diện của hạm đội Biển Đen tại Crimea đồng nghĩa với việc Ukraine duy trì được số tiền tương đương 100 triệu USD do Nga trả mỗi năm vào ngân sách. Không dừng lại ở đó, Moscow còn chi 4 triệu USD tiền trợ cấp đặc biệt với các thành phố Sevastopol, Feodosia và Gvardeisky. Đây là những con số rất ý nghĩa với đất nước hơn 47 triệu dân này trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Nó cho phép Kiev lạc quan trước mục tiêu tăng trưởng 3,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay và tiếp tục vay vốn từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Sự kiện Nga đạt được thỏa thuận kéo dài thời hạn sử dụng căn cứ hải quân ở Crimea ngay sau khi tân Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych lên nắm quyền đã buộc các nước phương Tây phải chấp nhận một sự thật rằng, Nga đang ghi điểm trong quá trình tái thiết lập vùng ảnh hưởng cùng những chính sách tích cực liên quan đến các khu vực tiếp giáp với nước Nga. Tham vọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm xóa bỏ vai trò có tính lịch sử của Nga - "một cường quốc Biển Đen" đã trở nên viển vông.

Trải dài từ phía đông và Nam Âu, chạy qua Trung Đông và châu Á, Biển Đen từ lâu đã trở thành một vùng biển nhạy cảm mang tầm quốc tế. Về mặt quân sự, Biển Đen chưa bao giờ là nơi xảy ra các cuộc giao tranh lớn. Tuy nhiên, khi Đại Dương trở thành các tuyến đường "cao tốc" của chiến tranh thì, Biển Đen là bàn đạp sống còn để tấn công đối phương. Về kinh tế, Biển Đen có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là với đa số các thành viên châu Âu thuộc NATO. Vì đa phần hoạt động xuất khẩu ở Trung Âu phụ thuộc vào Biển Đen. Chi phí vận chuyển trên tuyến đường này rẻ hơn nhiều so với đường bộ và qua biển Baltic. Nhưng điều cốt yếu nhất: Biển Đen là cửa ngõ vào Caucasus và Trung Á - địa bàn chiến lược về năng lượng. Nếu kiểm soát được vùng biển này, phương Tây có nhiều cơ hội kiểm soát "huyết mạch" dầu khí của Nga.

Do Biển Đen có vị trí địa - chiến lược quan trọng như vậy, nên gần 2 thập kỷ qua, tận dụng sự khủng hoảng của nước Nga, NATO không ngừng mở rộng vùng ảnh hưởng, xâm nhập dần vào không gian từng được coi là "vùng đệm an ninh" cho xứ sở Bạch dương với các cường quốc lân cận. Trong ván cờ siết chặt gọng kìm, bao vây lực lượng Nga ở Biển Đen đầu thế kỷ XXI, NATO đã thành công khi kéo Ukraine và Georgia ra khỏi quỹ đạo Nga bằng chiêu bài "dân chủ" qua các cuộc cách mạng màu sắc.

Tuy nhiên, chiến thắng trong cuộc xung đột tại Nam Ossetia hồi tháng 8-2008 đã khẳng định sự trở lại ấn tượng của nước Nga với tiềm lực mạnh lên rất nhiều cả về quân sự và kinh tế. Cùng việc công nhận nền độc lập của 2 tỉnh ly khai của Georgia là Nam Ossetia và Abkhazia, "giấc mộng Biển Đen" của NATO đã bị Điện Kremlin làm cho tan vỡ một cách phũ phàng. Cụ thể hơn, Nga không những không bị cô lập tại vùng biển chiến lược này mà còn được Abkhazia trao quyền kiểm soát thêm 2 hải cảng lớn trên Biển Đen là Sukhumi và Poti - nơi sở hữu cơ sở hạ tầng rất tốt từ thời Xô viết. Như vậy, với sự hiện diện tại Sevastopol thêm một phần tư thế kỷ nữa, hải quân Nga sở hữu cả chuỗi 3 căn cứ trọng yếu trên Biển Đen. Sắp tới, khi căn cứ mới tại Novorossiysk hoàn thành và đi vào hoạt động (năm 2012), cơ hội chiếm ưu thế tại phía bắc và phía đông của Biển Đen sẽ càng nghiêng hơn về phía Moscow.

Thế cờ tại Biển Đen đã đảo chiều khá ngoạn mục. Mục tiêu biến vùng biển này thành "vùng hồ riêng" của NATO vừa bị bẻ gãy. Nước Nga đã lấy lại vị thế vốn có và người dân ở các quốc gia trong không gian hậu Xô viết từng bị làn sóng cách mạng màu tràn qua đang bừng tỉnh sau cơn ác mộng về một nền dân chủ xa vời. Với sự kiện Nga đứng vững ở Biển Đen, hơn 4 thập kỷ tới, NATO buộc phải đứng nhìn đường ranh giới muốn vạch dần bị đẩy trở lại phía tây.

Lâm Phương