Đừng để sân khấu “rơi chạm đáy”
Văn hóa - Ngày đăng : 04:59, 25/04/2010
Ngoài ra các ngành giáo dục, dầu khí, than, quân đội, nông thôn, giao thông... cũng mở trại viết để thu hút tác giả viết cho ngành. Có năm tính tổng cộng có tới 6 trại viết trên cả nước. Vậy mà suốt 7 năm qua Hội NSSK không chọn nổi một giải A trong số lượng trên dưới 100 kịch bản gửi về mỗi năm. Số lượng tác giả thành danh với sân khấu cứ mòn mỏi dần. Những tác giả còn đọng lại với sân khấu cũng không chịu bứt phá để vượt lên chính mình. Các tác giả mới thì dễ nản vì một kịch bản phải đi qua nhiều khâu kiểm duyệt và góp ý. Có những ý kiến về nghệ thuật, có những ý kiến về tính định hướng, tính tư tưởng... Nếu tiếp thu có khi phải viết lại từ đầu thành kịch bản khác. Hoang mang và mất hứng, khiến không ít tác giả bỏ cuộc. Còn lại là những tác giả trung bình, rất yêu nghề và tâm huyết. Trại nào cũng có mặt, viết nhiều nhưng đề tài thì xa lạ với cuộc sống hôm nay còn chất lượng kịch bản cứ nhàn nhạt.
“Đời cười”, một trong số ít chương trình thu hút được khán giả. |
Sau khi có kịch bản trong tay thì phần thành công còn lại thuộc về các thành phần: đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ, giám đốc kiêm chỉ đạo nghệ thuật. Về đạo diễn, vài năm qua đã xuất hiện một số tên tuổi đạo diễn trẻ. Nhưng sức vóc và trường lực của họ còn mỏng và trồi sụt, vở được vở không. Năng lực và thành công của họ giống như hòn sỏi ném ao bèo, không đủ để làm thay đổi sự hiu hắt của sân khấu. Con số quá ít đạo diễn gạo cội của các kịch chủng: tuồng, chèo, cải lương, kịch nói... thì cũng rơi vào tình trạng mòn cũ và lập lại mảng miếng của chính mình. Về diễn viên, khâu được coi là trung tâm sáng tạo, những người làm lên hồn vía của vở diễn cũng có vấn đề. Có diễn viên tuy diễn trên sàn song hồn vía lại ở ngoài cánh gà. Lại có diễn viên hiện diện dưới ánh đèn sân khấu như một công chức nghệ thuật. Với các diễn viên trẻ mới ra trường, họ đồng nghĩa với sự thanh xuân, tươi trẻ nhưng không ít người nản vì cơ chế hợp đồng của các nhà hát. Có nhiều người hợp đồng đến 10 năm không được vào biên chế. Đồng lương hợp đồng ít ỏi không đủ nuôi thân. Đành phải làm thêm nghề khác để nuôi nghề diễn... Còn lại các thành phần khác của sân khấu cũng không thiếu những chuyện bi hài. Một họa sĩ đã thành danh rất tâm huyết với kịch bản dồn hết công sức và trí tuệ sáng tác xong ma két của vở. Khi vở diễn ra đời, đạo diễn chỉ sử dụng vài cái bục, còn bỏ đi hết. Chuyện tương tự như vậy cũng xảy ra đối với nhạc sĩ. Đạo diễn yêu cầu nhạc sĩ sáng tác khoảng 20 phút âm nhạc cho vở diễn, nhưng khi dàn dựng, đạo diễn chỉ sử dụng một ca khúc hoặc một phút rưỡi âm nhạc làm cho nhạc sĩ tự ái không nhận mình là người sáng tác nhạc nữa.
Một thành phần nữa cũng khá quan trọng đó là giám đốc kiêm chỉ đạo nghệ thuật. Hiện nay, không hiếm vở giám đốc khoán trắng cho đạo diễn từ A đến Z. Giống kiểu xây nhà chìa khóa trao tay. Vì không có giám sát nghệ thuật nên có vở được, có vở kém, không có khán giả. Và khi ra diễn thưa thớt khán giả, đạo diễn sẵn sàng đổ lỗi "Vở tao làm rất hay nhưng chúng nó không biết cách tổ chức khán giả...".
Có ý kiến cho rằng, khán giả hôm nay có quá nhiều "món ăn tinh thần" để lựa chọn, cho nên họ không mặn mà với sân khấu cũng là chuyện bình thường. Đã qua rồi cái thời mà khán giả cầm giấy giới thiệu, xếp hàng mua vé xem kịch. Cái thời mà sức hút của sân khấu đã hình thành nên một đội quân phe vé ở các cửa rạp hát. Phải chăng, thời hoàng kim của sân khấu đã một đi không trở lại. Còn hôm nay, mỗi khi ra vở mới các nhà hát lại cử người mang vé đến tận tay khán giả. Vậy mà đến lúc mở màn, ghế hạng nhất vẫn còn chỗ trống. NSƯT Chí Trung - người được bạn bè trong giới sân khấu nể phục vì tài tổ chức khán giả, Chí Trung có cả mấy quyển sổ tay ghi chép các ngày thành lập, ngày khánh thành các công ty, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp, trường học... và có lần Chí Trung còn trèo lên cột điện ở chợ trung tâm thành phố Vinh bắc loa tay quảng cáo vở diễn, tiếp thị khán giả; vậy mà vừa đây thôi, Chí Trung phải thốt lên: "Không hiểu sao khán giả lại thờ ơ với sân khấu đến thế!". Chí Trung có cả một đoàn kịch với các diễn viên cừ khôi kèm theo đủ các loại "Đời cười" thời thượng và các chiêu quảng cáo tuyệt hảo nhất của Nhà hát Tuổi Trẻ... Vậy mà vẫn không trụ được một, hai xuất diễn vào những ngày cuối tuần tại Rạp hát Sinh viên hồ Thiền Quang.
Các vở diễn cứ ra đời theo kế hoạch đã định sẵn, còn khán giả cứ thờ ơ. Nhất là khán giả phía Bắc. Khán giả đã trở thành bài toán hóc búa cho những người làm sân khấu. Hóc búa là bởi vì chúng ta không có một chuyên ngành xã hội học sân khấu. Thành ra chúng ta không biết khán giả hôm nay họ nghĩ gì và họ đang thích cái gì? Không nắm bắt được thị hiếu của khán giả là một nguyên nhân đẩy sân khấu vào tình trạng khủng hoảng. Còn nguyên nhân khác chính do bao cấp. Sân khấu đang rơi nhưng chưa chạm đáy. Tốt nhất là đừng để chạm đáy và để đừng chạm đáy thì phải bỏ bao cấp...