Cạnh tranh thiếu lành mạnh?

Văn hóa - Ngày đăng : 04:57, 25/04/2010

(HNM) - Cạnh tranh là động lực để phát triển. Phim truyền hình Việt Nam nếu muốn phát triển không thể không có cạnh tranh, mặt khác thông qua cạnh tranh, khán giả sẽ được xem những bộ phim không chỉ có giá trị nội dung mà còn có giá trị về nghệ thuật.

Số tập phim các đài “ngốn” mỗi năm lên tới con số 3.000 và hầu như tuần nào cũng có một dự án mới được khởi động. VTV là đài quốc gia, tuy nhiên hiện VTV chỉ có hai khung giờ phát phim mới mỗi ngày trên VTV1 và VTV3, từ thứ hai đến thứ sáu nên số lượng phim phát trong mỗi năm chỉ ở khoảng 500 tập. Trong khi các hãng phim gửi đề cương kịch bản đến ngày càng nhiều, năm nay có khoảng hơn nghìn tập nhưng chỉ 260 tập được duyệt, ông Đỗ Văn Hồng - Trưởng ban Thư ký biên tập - Đài THVN, Ủy viên Thường trực Hội đồng duyệt phim xã hội hóa và Ủy viên Hội đồng duyệt chương trình phát sóng trên VTV, cho biết.

Xung quanh chuyện có khó khăn hay tiêu cực phát sinh trong việc các hãng phim cạnh tranh để có được giờ phát sóng trên VTV, ông Đỗ Văn Hồng khẳng định: "Tôi không rõ các đài khác thế nào còn ở VTV không có chỗ cho tiêu cực hay khó khăn nào cả. Quy trình hợp tác sản xuất phim xã hội hóa được công khai. Không ai riêng lẻ tự quyết mà cả hội đồng duyệt kịch bản và phát biểu công khai". Song thực tế cho thấy, một số hãng phim liên tục có phim được phát trên một đài khiến cho dư luận không khỏi nghi ngờ. Chẳng hạn, Hãng phim Việt thuộc Công ty BHD, sau Cô gái xấu xí (171 tập), hãng này liên tiếp có phim phát trên VTV3: Bỗng dưng muốn khóc, Có lẽ nào ta yêu nhau, Ngôi nhà hạnh phúc và bộ phim đang phát sóng Những thiên thần áo trắng. Theo quy chế của VTV thì để một dự án được phê duyệt, các nhà sản xuất phải gửi đề cương kịch bản, rồi gặp gỡ giữa các bên để thuyết trình về dự án... Tuy nhiên, cũng Hãng phim Việt đã vượt ngoài quy chế này với hai bộ phim sản xuất rồi mới "chào hàng" và phát sóng trên VTV là Bỗng dưng muốn khóc và Những thiên thần áo trắng. Còn ở phía Nam, Hãng phim Lasta cũng bị nghi vấn bởi hãng này liên tục "chiếm sóng" trên HTV kể từ khi đài mở ra dòng phim xã hội hóa. Mặc dù VTV và HTV đều có những quy định về hợp tác sản xuất phim xã hội hóa với quy trình khá chặt chẽ và ban bệ xét duyệt quy củ nhưng vẫn có nhiều dự án phim không được sự đón nhận của khán giả. Những người độc thân vui vẻ (phát trên VTV3) chỉ đi được hơn nửa chặng đường trong khi dự án với hơn 300 tập. Cũng trên VTV3, Cô nàng bất đắc dĩ chỉ sản xuất 100 tập trong khi dự án 150 tập...

Ngay cả khi đấu thầu kịch bản thì vẫn có chỗ cho tiêu cực vì chuyện "đi cổng sau" không còn xa lạ ở Việt Nam. Do vậy các hãng chân chính chỉ hy vọng vào cái tâm của các thành viên trong hội đồng duyệt và sự kiểm tra, giám sát rõ ràng của các cơ quan có chức năng. Làm được điều đó không chỉ tạo ra cạnh tranh lành mạnh, mà khán giả được xem phim hay, đồng thời tiết kiệm được tiền bạc và thời gian cho xã hội.

Người Lái Đò