Cái gì cần “siết”, cái gì phải “mở”?
Đời sống - Ngày đăng : 04:20, 25/04/2010
Việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập (KTĐL) đang là yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, dự thảo Luật KTĐL sửa đổi lần 2, tháng 3-2010, vẫn còn nhiều hạn chế.
Cơ chế xin - cho
Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về một cơ chế xin - cho mới đang được "thai nghén" trong dự thảo Luật KTĐL được hoàn thành tháng 3-2010. Cụ thể, tại khoản 4, điều 4 dự thảo giải thích "Doanh nghiệp kiểm toán: Là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của luật này và các văn bản pháp luật có liên quan". Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng, quy định như vậy thì dù là doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp KTĐL lại không chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Chưa hết, tại điểm d, khoản 2, điều 10 quy định Bộ Tài chính có quyền "Cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp kiểm toán trong nước; chấp thuận thành lập chi nhánh hoặc công ty của doanh nghiệp kiểm toán ở nước ngoài". Còn điều 22 "cho phép" "Bộ Tài chính cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp kiểm toán. Giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh".
Các sở giao dịch chứng khoán phải kiểm toán hằng năm. |
Trong quá trình góp ý cho dự thảo Luật KTĐL, nhiều ý kiến cho rằng, quy định như trên là tái xác lập cơ chế "xin - cho". Viện dẫn điều 57 trong Hiến pháp ("Công dân được quyền kinh doanh trong những lĩnh vực Nhà nước không cấm"), ông Vũ Xuân Tiền khẳng định không có cơ sở để duy trì giấy phép thành lập và hoạt động. Cũng theo ông Tiền, KTĐL là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ thì đương nhiên được quyền kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kinh doanh của mình.
Câu hỏi được đặt ra, chẳng hạn nếu duy trì giấy phép thì khi doanh nghiệp KTĐL "có chuyện" (đang có khả năng phổ biến) cơ quan cấp phép có chịu trách nhiệm hay không?
Mở rộng diện kiểm toán bắt buộc
Hoạt động KTĐL góp phần công khai, minh bạch hóa thông tin kinh tế - tài chính của doanh nghiệp, tổ chức, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành kinh tế... So sánh một cách... hóm hỉnh, PGS-TS Nguyễn Thanh Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, đào tạo kinh tế - tài chính nhìn nhận là nếu như luật sư bảo vệ công lý thì kiểm toán bảo vệ số liệu - một cách khách quan, minh bạch. Chính vì vậy, cần xây dựng Luật KTĐL theo hướng dân chủ, bảo đảm cho KTĐL phát triển.
Tuy nhiên, dự thảo luật lại đang có vô số hạn chế. Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, PGS-TS Nguyễn Thanh Nam cho rằng dự thảo đã "bỏ sót" trách nhiệm của trợ lý kiểm toán viên (KTV). Trên thực tế, mỗi nhóm làm việc chỉ có một KTV hành nghề nhưng có thể có nhiều trợ lý. Quyền hạn của trợ lý không bằng KTV nhưng lại được tiếp xúc với số liệu và hoàn toàn có cơ hội làm sai lệch. Chính vì vậy, chỉ quy trách nhiệm đối với KTV là không ổn. Thứ hai, đối tượng ban hành chuẩn mực kiểm toán phải là Bộ Tài chính chứ không nên giao cho hội nghề nghiệp. Thứ ba, nên đổi chứng chỉ hành nghề thành thẻ hành nghề để phù hợp thông lệ cũng như bớt mang tính học thuật và Bộ Tài chính tiếp tục là cơ quan cấp chứ không nên giao hội nghề nghiệp. Ngoài ra, phải quy định rõ ràng trách nhiệm của KTV và công ty kiểm toán. Đây là điều cấp thiết, vì trong trường hợp kiểm toán cho công ty cổ phần, công ty niêm yết..., báo cáo kiểm toán chính là cơ sở để nhà đầu tư quyết định đầu tư vào công ty hay không. Không quy định rõ ràng, trong trường hợp doanh nghiệp, nhà đầu tư bị thiệt hại bởi báo cáo kiểm toán sai lệch sẽ rất khó "áp" trách nhiệm.
Tại điểm c, điều 23 quy định để thành lập và hoạt động doanh nghiệp kiểm toán, phải "có ít nhất 5 KTV đã có thời gian thực tế làm kiểm toán ở doanh nghiệp kiểm toán từ 36 tháng trở lên, bao gồm cả giám đốc hoặc tổng giám đốc; đối với công ty TNHH kiểm toán thì bao gồm cả chủ tịch hội đồng thành viên" trong khi quy định hiện tại chỉ yêu cầu 3 KTV. PGS-TS Nguyễn Thanh Nam nhận định, nếu thực hiện theo dự thảo, 2/3 công ty kiểm toán hiện nay sẽ phải... giải thể - do không đủ KTV- trong khi họ đang làm ăn hiệu quả. Điều này chỉ bảo hộ các công ty lớn tồn tại và bóp nghẹt, thậm chí xóa bỏ... nhiều công ty kiểm toán nhỏ cho dù ngay các công ty kiểm toán lớn nhất cũng đang có vấn đề về tài chính (đọc bài Các công ty KTĐL - "Sóng ngầm" đe dọa chất lượng, Hànộimới số ra ngày 18-4).
Hiện tại, cả nước có khoảng 460 nghìn doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, đối tượng kiểm toán bắt buộc chỉ là "khối nhà nước", bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước sở hữu vốn từ 51% trở lên, dự án nhóm A, doanh nghiệp niêm yết... Tuy nhiên, trên thực tế, đang có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, doanh thu cao, đóng góp thuế lớn cũng như lao động nhiều... Nếu những doanh nghiệp này "có vấn đề" sẽ gây tác động xấu về mặt việc làm, xã hội... Vì vậy, PGS-TS Nguyễn Thanh Nam đề xuất về lâu dài cũng phải đưa đối tượng này vào diện kiểm toán bắt buộc. Điều này cũng phù hợp với yêu cầu minh bạch hóa nền kinh tế trong tương lai.
Mục đích của việc ban hành luật là tạo môi trường cho doanh nghiệp hoạt động bình đẳng, thuận lợi, đóng góp tích cực cho nền kinh tế, song với các bất cập nêu trên - "siết" cái không cần "siết", "bóp" lại điểm lẽ ra phải "mở", dự thảo Luật KTĐL cần phải... được sửa đổi.