Cần sớm nâng thành luật
Đời sống - Ngày đăng : 05:48, 24/04/2010
Kiểm dịch thực vật tại Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) trước khi nhập khẩu các loại trái cây từ Trung Quốc. |
Hàng nghìn trường hợp vi phạm mỗi năm
Năm 2006, Nghị định 26/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BV&KDTV được ban hành, cùng với trước đó, năm 2001, Pháp lệnh BV&KDTV có hiệu lực. Tưởng chừng đó là cây gậy để cơ quan chức năng áp dụng trong xử phạt, siết chặt công tác quản lý BV&KDTV, bảo vệ chất lượng hàng nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, theo bà Phùng Mai Vân, Thanh tra Cục BVTV, hằng năm thanh tra BV&KDTV đã tiến hành từ 500 đến 600 đợt, phát hiện mỗi năm có 2.000 đến 3.000 trường hợp vi phạm phải xử phạt hành chính.
Đối với hàng hóa nhập khẩu, các cơ quan chuyên ngành đã phân tích, giám định mẫu sản phẩm. Tất cả các lô hàng bị nhiễm dịch hại đã được xử lý triệt để trước khi nhập khẩu vào thị trường trong nước. Với hàng nông sản nội địa, chi cục BVTV các địa phương đã tiến hành lấy mẫu nông sản tại các vùng sản xuất để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV. Trong năm 2009 đã lấy 5.217 mẫu, trong đó có 4.901 mẫu rau và 316 mẫu quả. Sau khi kiểm tra có tới 343 mẫu rau và 13 mẫu quả có dư lượng thuốc BVTV quá mức cho phép. Lý giải về tình trạng này, ông Bùi Sỹ Doanh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục BVTV cho rằng, do kinh phí hạn chế nên các chi cục BVTV chỉ sử dụng phương pháp kiểm tra nhanh chất lượng rau quả chứ chưa có đủ máy móc phương tiện hiện đại để phân tích các chỉ tiêu cần thiết khác. Ông Doanh cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh công tác KDTV để xúc tiến đưa quả tươi Việt Nam vào thị trường các nước như Mỹ, Nhật, Đài Loan...
Tuy nhiên, vấn nạn về kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV mới là kẽ hở lớn nhất trong công tác BV&KDTV. Hiện có tới 99% lượng thuốc BVTV đang được sử dụng là nhập khẩu, trong đó 80% từ Trung Quốc. Không ít trường hợp đơn vị được phép nhập khẩu nguyên liệu về chế biến, đóng gói nhưng không có phòng phân tích, không có cán bộ nắm chắc chuyên môn. Điều đáng quan tâm là, nếu sử dụng thuốc BVTV không đúng quy trình sẽ không phòng trừ được sâu bệnh mà còn ảnh hưởng đến bản thân người sử dụng và cả môi trường.
Cần sớm ban hành luật
Theo ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục BVTV, hiện các quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của thanh tra chuyên ngành BV&KDTV từ trung ương đến địa phương chưa thống nhất, gây khó khăn rất lớn trong quản lý. Bên cạnh đó, các chế tài xử lý vi phạm còn thiếu tính răn đe. Đơn cử như, NĐ 26 quy định, mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh thuốc BVTV ngoài danh mục, thuốc BVTV cấm dưới 1kg chỉ bị phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng.
Bàn luận vấn đề này, ông Nguyễn Đình Sơn, Phó chi Cục trưởng Cục BVTV Thanh Hóa cho rằng, trong lĩnh vực BVTV hiện nay mới chỉ thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện và dự báo sâu bệnh chứ chưa xây dựng được các quy định cụ thể về tỷ lệ, mức nhiễm sâu bệnh. Ngay việc công bố dịch cũng gặp nhiều khó khăn, theo quy định thì phải có 5-10% diện tích bị nhiễm bệnh mới được công bố dịch. Tuy nhiên, với những bệnh hại nguy hiểm, lây lan nhanh cần phải công bố dịch ngay khi phát hiện chứ không tuân theo quy định(?). Đối với lĩnh vực KDTV hàng hóa nông sản nhập khẩu theo con đường chính ngạch được kiểm soát đúng quy trình, còn với các mặt hàng tại các cửa khẩu theo đường tiểu ngạch vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Tiến sĩ Hà Viết Cường, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho biết, công tác KDTV nhập khẩu còn nhiều bất cập. Hiện hoạt động KDTV mới chỉ kiểm soát được một phần khối lượng hàng hóa thuộc diện KDTV vào địa bàn các tỉnh, thành phố chứ chưa theo dõi, kiểm tra được nguồn gốc các giống cây trồng nhập nội
Thực tiễn đòi hỏi cần sớm ban hành Luật BV&KDTV để điều chỉnh và thống nhất các vấn đề quản lý. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và nông dân phải nâng cao nhận thức và thực hiện đúng quy định, chấp hành nghiêm công tác BV&KDTV.