Chưa có tiếng nói chung

Du lịch - Ngày đăng : 05:39, 24/04/2010

(HNM) - Được đánh giá là hai ngành kinh tế mạnh, gắn bó mật thiết, thế nhưng sau hơn 10 năm liên kết hợp tác, du lịch và hàng không vẫn chưa tìm được

Khách du lịch đến sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Đàm Duy


Giá vé nội đắt hơn vé ngoại
Thực ra, hơn 10 năm ký kết hợp tác phát triển (từ năm 1999 đến 2010), hai ngành du lịch và hàng không ít nhiều cũng đạt được hiệu quả nhất định trong việc "giúp nhau cùng tiến". Nếu như trong giai đoạn 1995-2003, mới chỉ có khoảng 60% lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng máy bay thì đến giai đoạn 2004-2009 đã tăng lên mức 70-80%. Bên cạnh đó, cần phải nói rằng lượng khách nội địa đi du lịch bằng đường hàng không cũng tăng trưởng mạnh qua các năm.

Tuy nhiên, ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch (TCDL) cho rằng, sự hợp tác giữa du lịch và hàng không vẫn chưa chặt chẽ và bộc lộ nhiều bất cập. Dù ngành du lịch và hàng không đã có sự liên kết nhằm giảm giá tour nhưng theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp lữ hành, hiện các hãng hàng không của Việt Nam thường đưa ra những điều kiện khá ngặt nghèo, buộc các công ty du lịch phải đặt chỗ sớm. Thêm vào đó, số lượng vé dành cho du lịch không nhiều khiến các công ty khó gom được khách lẻ. Các hãng hàng không vẫn áp dụng hình thức phạt khi bên lữ hành đề nghị đổi tên khách hàng (trong trường hợp ghi sai tên khách, thay đổi người bay) và thường yêu cầu các công ty du lịch phải khẳng định số lượng khách sử dụng máy bay trước 1 tháng. Những điều kể trên thực sự đã gây khó cho phía du lịch.

Hàng không trong nước có nguồn vé giá rẻ nhưng họ thường lựa chọn, dành vé cho công ty du lịch lớn, những nơi có số nguồn khách ổn định và bởi vậy, những công ty du lịch nhỏ hầu như không có cơ hội tiếp cận nguồn vé này. Theo ông Cao Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam Vitours, hiện nay TCDL và Việt Nam Airlines (VNA) đang kết hợp khởi động chương trình kích cầu du lịch năm 2010. Tuy nhiên, phía VNA chỉ cung cấp khoảng 20 chỗ trên chuyến bay. Sự "ưu ái nhỏ giọt" khiến bên du lịch không thể "mạnh tay" được.

Trong năm 2009, cùng phối hợp với ngành du lịch triển khai chương trình kích cầu "Ấn tượng Việt Nam", hàng không Việt Nam đã liên tục mở chương trình khuyến mãi, giảm giá. Tuy vậy, từ đầu năm 2010, hàng không trong nước đã có kế hoạch tăng giá vé máy bay nội địa do không còn được hưởng chính sách giảm 50% thuế VAT như trong năm 2009. Bộ Tài chính đã cho phép hàng không trong nước được nâng trần giá vé máy bay từ 1,5 lên 1,7 triệu đồng. Theo ông Vũ Thế Bình, vấn đề này đã tác động không nhỏ đến việc hình thành giá tour của các công ty du lịch, khiến họ khó đàm phán với đối tác. Các công ty du lịch thường ký hợp đồng đưa đón khách đoàn với mức giá được duy trì trong khoảng thời gian tương đối dài, có khi là cả một năm. "Giá thành tour nội địa tăng sẽ tác động xấu tới tình hình tiêu thụ các dịch vụ du lịch. Từ đó, du lịch trong nước sẽ có khả năng đối mặt với thực tế là kém hấp dẫn đối với du khách khi giá vé máy bay khứ hồi đi các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore… thì rẻ, còn giá vé máy bay nội địa của chúng ta lại tăng nhiều", ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Xây dựng sản phẩm "home to home"
Khó khăn trong việc liên kết, theo ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, là do hai phía không có sự trao đổi thông tin thường xuyên, kịp thời. Phía hàng không nhiều khi không được biết về chính sách, kế hoạch, chương trình hành động mới của du lịch. Ở chiều ngược lại, ngành du lịch không phải lúc nào cũng nhận được thông tin về các chương trình khuyến mãi của hàng không. Điều đó dẫn đến tình trạng đầu cơ vé máy bay, nhất là vào những dịp lễ, tết hay có sự kiện quan trọng.

Theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trần Chiến Thắng, mỗi ngành có sản phẩm đặc thù riêng biệt và vì vậy, để lấp đầy khoảng trống giữa hai bên thì cần phải phát huy tối đa lợi thế của mỗi ngành, giải quyết tốt bài toán cung cấp đầy đủ thông tin cho mỗi bên, tiến tới xây dựng sản phẩm trọn gói chung "home to home" (đón - trả khách tận nhà).

Hiện có 44 hãng hàng không nước ngoài thuộc 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác đi, đến Việt Nam với 54 đường bay từ 34 điểm đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Thị trường hàng không Việt Nam có sự tham gia của hầu hết hãng hàng không lớn như Singapore Airlines, Thai Airway, China Airlines, Eva Air, Japan Airlines, Cathay Pacific, Korean Air… Tuy nhiên, hợp tác giữa TCDL với các hãng hàng không nước ngoài, nhất là với các hãng có đại diện tại Việt Nam chưa được đẩy mạnh nên chưa phát huy tốt tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên.

Thu Trang