Do cả chính quyền lẫn người dân

Đời sống - Ngày đăng : 05:30, 24/04/2010

(HNM) - Hơn 40 hộ dân thôn Tràng An, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ gửi đơn đến Báo Hànộimới phản ánh việc bị UBND huyện cưỡng chế giải phóng mặt bằng (GPMB) không đúng quy định của pháp luật và cố tình phá hoại hoa màu. Thực hư của vấn đề này ra sao?

Đường vào điểm CN - TTCN Ngọc Sơn được hình thành trên phần đất cưỡng chế ngày 13-1-2010.


Ngày 13-1-2010, UBND huyện Chương Mỹ đã cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân ở thị trấn Chúc Sơn thuộc quy hoạch một số dự án trên địa bàn. Khu vực cưỡng chế là đất canh tác của người dân thôn Tràng An. Khi tiến hành cưỡng chế, các lực lượng chức năng của huyện đã gặp phải sự phản đối gay gắt, quyết liệt của các hộ có đất bị thu hồi.

Tìm hiểu tình hình, chúng tôi được biết, năm 2006 và 2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có Quyết định số 1207 (ngày 12-7-2006) thu hồi 85.660m2 và Quyết định số 151 (ngày 21-1-2008) thu hồi 16.864,9m2 đất thuộc địa bàn thị trấn Chúc Sơn, chuyển mục đích thành đất chuyên dùng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mở rộng điểm CN-TTCN Ngọc Sơn và xây dựng trụ sở Công an huyện. Sau khi có quyết định, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc họp với dân. Trong rất nhiều biên bản họp, ý kiến được ghi nhận nhiều nhất là số đông người dân thôn Tràng An không đồng tình với chủ trương thu hồi đất mà muốn giữ lại để sản xuất nông nghiệp nên việc có liên quan đến khoảng 100 hộ dân nhưng có tới hơn 40 hộ không chịu nhận tiền đền bù. Ông Đỗ Văn Toàn, một người dân trong thôn, còn khẳng định: Nhiều hộ dân không được nhận quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế và phương án đền bù, nhưng ngày 13-1-2010, UBND huyện vẫn tiến hành cưỡng chế GPMB khiến toàn bộ hoa màu trên đó (chuẩn bị đến ngày thu hoạch) bị hủy hoại hoàn toàn...

Theo hồ sơ của UBND huyện Chương Mỹ, chúng tôi nhận thấy: Sau khi có quyết định thu hồi đất của tỉnh, UBND thị trấn Chúc Sơn và huyện Chương Mỹ đã nhiều lần tổ chức họp dân, các quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB… đều được niêm yết công khai và giao đến từng hộ nhưng nhiều người không nhận, không ký biên bản. Về việc người dân phản ánh bị thiệt hại hoa màu, ông Hoàng Văn Thuyên, cán bộ địa chính thị trấn Chúc Sơn thừa nhận: Vào thời điểm cưỡng chế, người dân vẫn trồng hoa màu dù Nhà nước đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2007. Do quá trình GPMB kéo dài đã quá lâu, không thể trì hoãn thêm được nữa nên phải tiến hành cưỡng chế. Để người dân đỡ bị thiệt thòi, UBND thị trấn đã kiểm đếm thiệt hại hoa màu của người dân và có văn bản đề nghị UBND huyện xem xét, hỗ trợ.

Theo một số cán bộ huyện Chương Mỹ, nguyên nhân chính của tình trạng chậm trễ trong công tác GPMB nói trên là do người dân chưa được nhận đất dịch vụ nên không yên tâm; mặt khác, thời điểm ban hành quyết định thu hồi đất thì mức đền bù được thực hiện theo Quyết định 2404 ngày 11-12-2007 (quy định giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Hà Tây) và Quyết định 370 ngày 22-2-2008 (biểu giá bồi thường đối với nhà, vật, kiến trúc, cây hoa màu trên địa bàn tỉnh Hà Tây) nên chỉ là 31 triệu đồng/sào ruộng (đã bao gồm cả các khoản hỗ trợ khác), theo người dân là quá thấp. Xung quanh những nội dung trên, ông Đỗ Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết: Sau khi người dân có đơn khiếu nại, UBND huyện đã rà soát toàn bộ quy trình và vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách để người dân được hưởng quyền lợi ở mức cao nhất. Tuy nhiên, mức giá đền bù tại thời điểm có quyết định thu hồi đất khác nhiều so với hiện nay. Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục thực hiện GPMB để có quỹ đất trả đất dịch vụ cho các hộ dân. Đây là ưu tiên hàng đầu trong việc tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại trên địa bàn thị trấn Chúc Sơn".

Như thế nghĩa là, người dân có những cơ sở nhất định trong việc khiếu nại và sự chậm trễ trong thực hiện GPMB ở thị trấn Chúc Sơn có nguyên nhân ở cả phía chính quyền địa phương. Việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Nhà nước là nghĩa vụ của người dân, song các cấp chính quyền cũng cần có những chủ trương bảo đảm mang tính thiết thực cho người bị thu hồi đất như đào tạo nghề mới, sớm bàn giao đất dịch vụ để người dân ổn định cuộc sống…

Thiện Mỹ