Cây cầu lớn nhất Đông Nam Á
Xã hội - Ngày đăng : 04:57, 24/04/2010
Cầu Cần Thơ, cầu dây văng lớn thứ 7 thế giới đã chính thức đi vào hoạt động. |
Ngược dòng lịch sử
Bến phà Cần Thơ nằm trên quốc lộ 1, băng qua sông Hậu, rộng 1.840m, nối liền tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Theo sử sách, khoảng năm 1915-1918, quan Toàn quyền Đông Dương quyết định đắp một con đường từ Sài Gòn đi Cần Thơ - Rạch Giá. Theo đó bến đò Hậu Giang cũng hình thành và mở ra tuyến đường bộ đi Sóc Trăng, Bạc Liêu hoặc qua Long Xuyên - Châu Đốc. Đầu những năm 50 thế kỷ trước, bến đò Hậu Giang được xây mới và mở rộng thành bến phà. Thời ấy phà chạy bằng... sức người (có từ 6 đến 10 người đạp guồng cho phà chạy); rồi sau đó phà mới chạy bằng máy hơi nước, máy dầu. Trước 1975, mới có 4-5 chiếc phà 100 tấn và đổi tên thành bến phà Cần Thơ. Từ sau 1975 đến nay nó trở thành cụm phà Hậu Giang, là một nút giao thông trọng điểm của miền sông nước Nam bộ với 4 bến, 13 chiếc phà có tải trọng từ 100 đến 200 tấn, được trang bị máy móc hiện đại.
Hiện cụm phà có trên 300 cán bộ, công nhân viên làm việc liên tục 24/24 giờ mỗi ngày. Đây là bến phà cuối cùng trên tuyến quốc lộ 1A nối liền Bắc - Nam. Theo thống kê, bình quân mỗi ngày có khoảng 3.500 lượt ô tô, 7.000 mô tô, hơn 20.000 hành khách qua lại. Không chỉ làm nhiệm vụ giao thông, bến phà này cũng là nơi nuôi sống hàng ngàn con người buôn bán ở 2 đầu bến. Sơ bộ, chỉ riêng bờ phía Bắc (thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) đã có 235 hộ với gần 1.000 người hành nghề mua bán ở khu vực bến phà Cần Thơ… Có thể nói, với gần trăm năm tuổi, phà Cần Thơ đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân thành phố Cần Thơ và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong một giai đoạn, cụm phà này đã đóng góp phần công sức rất lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cơ hội phát triển cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Xác định Cần Thơ là trọng điểm của vùng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long, nên Chính phủ đã quyết định xây dựng cầu Cần Thơ. Ngày 25-9-2004, Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công xây dựng cây cầu huyết mạch này. Lẽ ra cầu đã hoàn thành từ năm 2008, song do sự cố sập đường dẫn vào tháng 9-2007 nên bây giờ mới có thể thông xe! Đây là cây cầu lớn nhất khu vực Đông Nam Á, có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng với khu vực Tây Nam bộ trong việc kết nối, giao thương giữa 2 bờ sông Hậu tạo điều kiện cho phát triển kinh tế. Cầu Cần Thơ có điểm đầu thuộc huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Tổng chiều dài toàn tuyến là 15,85km, trong đó phần cầu chính (gồm cầu treo dây văng và các cầu dẫn hai bên) có chiều dài 2,75km, rộng 23,1m với 4 làn xe cơ giới tốc độ thiết kế 80km/giờ và 2 làn bộ hành. Phần đường dẫn vào cầu dài 13,1km với 13 cầu dẫn, trong đó 4 cầu trên đất Vĩnh Long và 9 cầu trên địa phận TP Cần Thơ). Phần cầu treo dây văng trong cầu chính gồm 7 nhịp liên tục với tổng chiều dài là 1.090m.
Cầu có 2 tháp cầu hình chữ A bằng bê tông cốt thép dự ứng lực cao 165,3m tính từ đỉnh bệ cọc, trong đó một tháp đặt trên bờ sông phía Cái Vồn (Vĩnh Long), một tháp đặt ngay trên sông Hậu, phía Cồn Ấu (Cần Thơ). Hệ dây văng treo sàn cầu lên trụ tháp được bố trí trên 2 mặt phẳng xiên, gồm 4x42 bó cáp. Mỗi bó cáp có bố trí thiết bị chống rung. Hệ dầm mặt cầu là hệ dầm hộp gồm 2 loại: bê tông cốt thép dự ứng lực và thép. Phần móng cầu sử dụng móng cọc khoan nhồi bê tông cốt thép dự ứng lực. Nhịp giữa hai trụ tháp chính rộng 550m, bảo đảm cho tàu có trọng tải lớn qua lại thuận tiện. Tổng mức đầu tư của công trình là 4.832 tỷ đồng (thời điểm năm 2001, tương đương khoảng 342,6 triệu USD) bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Theo ước tính, một chuyến vượt sông Hậu qua cầu Cần Thơ sẽ tiết kiệm chi phí vận hành khoảng 20.400 đồng mỗi ô tô, rút ngắn thời gian so với đi phà khoảng 32 phút. Như vậy, ngoài việc vượt sông nhanh hơn còn giúp hàng hóa - chủ yếu là nông sản, thực phẩm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long bớt giảm sút chất lượng và sẽ tiêu thụ được với giá trị cao hơn.
Cầu Cần Thơ khánh thành, cũng là lúc phà Hậu Giang "kết thúc sứ mệnh lịch sử". Ngay từ đầu tháng 3-2010, Ban Giám đốc cụm phà Hậu Giang đã xây dựng đề án về nhân sự. Bộ GTVT đã tổ chức lễ công bố thành lập Công ty TNHH một thành viên Quản lý và khai thác cầu Cần Thơ trên cơ sở chuyển giao từ cụm phà. Công ty này sẽ giải quyết nhân sự cho các lao động của phà Hậu Giang sau khi thông cầu. Còn với bà con buôn bán, các địa phương đã giới thiệu họ vào các khu công nghiệp trên địa bàn hoặc cho vay vốn để chuyển đổi nghề… nhằm ổn định đời sống.
Cầu Cần Thơ khánh thành là niềm vui cho cả vùng sông nước Nam bộ; đồng thời mở ra những cơ hội mới cho việc phát triển kinh tế của đất nước.