Đến hẹn… lại lo!
Góc nhìn - Ngày đăng : 04:08, 24/04/2010
Với cha mẹ học sinh, con em dù đúng tuyến còn phấp phỏng nỗi lo nhập trường, huống hồ là trái tuyến. Vậy nên, năm sau rút kinh nghiệm từ năm trước, việc lo cho con em mình có suất ở một trường tiểu học nào đó thường được làm sớm hơn. Ví như năm nay chẳng hạn, từ đầu tháng 4 tới giờ, chuyện lo cho con em mình vào các lớp "đại học chữ to" ngày càng tăng nhiệt độ và những cuộc chạy đua vẫn đang ngấm ngầm diễn ra. Đúng là "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", nhưng đến hẹn (tức là con em mình đến tuổi vào lớp 1) thì bắt buộc... phải lo, phải chạy. Lo sớm, chạy sớm may ra còn chỗ tốt (có thể là trường điểm, trường gần nhà), chứ lo muộn, chạy muộn thì chả biết hồi kết sẽ ra sao.
Năm học trước, tại các trường bậc tiểu học của quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) chênh lệch giữa "đầu vào" (số học sinh vào lớp 1) và "đầu ra" (số học sinh lớp 5 lên lớp 6) là hơn 4.500 em. Để giải quyết chỗ học cho học sinh, tất cả các trường tiểu học trên địa bàn quận Bình Tân phải cắt giảm số lớp bán trú, lớp ngày học hai buổi, dồn sĩ số các lớp học khối 2-3-4, rồi tận dụng sân chơi để xây thêm phòng học... Còn với quận Gò Vấp, quận có số người nhập cư đông nhất TP Hồ Chí Minh (khoảng 540.000 dân) thì 5 năm rồi, toàn địa bàn vẫn giữ nguyên con số 18 trường tiểu học. Do đó, việc xin cho con em được theo học lớp 1 luôn trong tình trạng năm sau căng thẳng hơn năm trước. Tại Hà Nội chuyện cũng xảy ra tương tự khi có hàng loạt khu chung cư, tái định cư mới hình thành nhưng nơi thì chưa kịp xây trường, nơi chủ đầu tư "quên" luôn chuyện đó dù thiết kế, quy hoạch ban đầu trình thẩm định đều có cả. Người đông, số lượng học sinh vào lớp 1 gia tăng theo từng năm, trong khi số trường được xây dựng mới chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì việc phải lo, phải chạy là tất yếu.
Lại còn một nghịch lý nữa. Hiện nay nhiều trường đang hướng đến mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn quốc gia. Việc để nâng cao chất lượng dạy và học thì cần phải có những chuẩn mực là hoàn toàn cần thiết. Song trong cái "chuẩn to" này là hàng loạt "chuẩn nhỏ". Đó là phòng học, trang thiết bị, sĩ số học sinh mỗi lớp, diện tích sân chơi... Vậy nhưng, vấn đề quá tải "đầu vào" của học sinh lớp 1 có thể sẽ phá vỡ hàng loạt "chuẩn nhỏ", từ đó "chuẩn to" cũng khó lòng đạt được. Một cán bộ ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh cho biết: Trường nào khi xây dựng cũng hướng tới mục tiêu đạt chuẩn, nhưng đến mùa tuyển sinh thì phải ưu tiên giải quyết đủ chỗ học cho học sinh, còn chuyện đạt chuẩn hay không đành xếp vào thứ yếu.
Chuyện cứ lòng vòng như vậy, năm này qua năm khác, việc tuyển sinh vào lớp 1 đến hẹn... lại lo. Như thế, chả trách lại "đẻ" ra cơ chế "xin - cho" rồi nhũng nhiễu, tiêu cực. Và việc nâng cao chất lượng dạy và học ngay ở lớp "đại học chữ to" đã là không đơn giản.
Vẫn biết nay "đất chật người đông", có diện tích để xây trường là không dễ, rồi tiếp đó là chuyện nguồn kinh phí. Tuy nhiên, có những việc khó cũng phải làm. Nếu không, cứ đà này người dân ở các đô thị lớn có khi phải xếp hàng xin cho con em vào lớp 1 từ khi còn đang học mẫu giáo, mầm non!