IMCAPI Hà Nội 2010: Hiệp lực chống đại dịch
Đời sống - Ngày đăng : 06:32, 22/04/2010
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện đầu tiên ở châu Á vào năm 2003, sau đó lan rộng ra nhiều quốc gia khác. Đến nay, đã ghi nhận hơn 490 trường hợp mắc cúm gia cầm và 290 trường hợp tử vong trên thế giới. Hiện tại chỉ có 3 nước Ai Cập, Indonesia và Việt Nam còn ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 ở người. Tại Việt Nam, DCGC lần đầu tiên xảy ra vào cuối năm 2003, đến tháng 4-2004 đã lan nhanh ra nhiều tỉnh, thành phố với 24% số xã trong toàn quốc. Dịch bệnh đã gây thiệt hại lớn, khiến hơn 52 triệu gia cầm chết và bị tiêu hủy. Ông Jean Marc Olive, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, giai đoạn 2009 - 2010, các trường hợp mắc cúm A/H5N1 ở người đã giảm. Phân tích tình hình dịch từ năm 2003 đến nay cho thấy, ngày càng có sự phối hợp, điều phối tốt hơn trong việc xử lý, phản ứng kịp thời với dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1 ở cấp quốc gia và toàn cầu. Ông Jean Marc Olive cảnh báo, virus cúm A/H5N1 vẫn tồn tại trong gia cầm, đặc biệt là khu vực nông thôn nơi còn nghèo đói, chăn nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ, hợp lý, nên tỷ lệ mắc bệnh vẫn cao. Do đó, không thể chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, nguy cơ kết hợp 3 đến 4 loại virus với nhau (gồm virus từ gà, lợn, người) tạo ra chủng virus mới có thể lây truyền nhanh từ người sang người; sự đi lại thuận tiện giữa biên giới các nước cũng làm tăng khả năng lây lan... "Đa số các trường hợp mắc cúm sau này có những biến chứng phức tạp hơn. Trường hợp tử vong xuất hiện cả ở những người trẻ có sức khỏe tốt... Những khu vực vẫn có nguy cơ cúm nhiều nhất là Đông Nam Á, Tây Phi và vùng nhiệt đới ở Mỹ", ông Jean Marc Olive nói.
Quyết tâm đẩy lùi đại dịch
Hội nghị IMCAPI Hanoi 2010 tiếp nối các Hội nghị Washington, Geneva (2005), Bamako, Vienna, Bắc Kinh (2006), New Delhi (2007) và Sharm El Sheikh (2008). Tại 7 hội nghị trước, nhiều kinh nghiệm hay trong công tác phòng, chống DCGC và đại dịch cúm đã được phổ biến. Cộng đồng quốc tế đã đề ra các giải pháp, trợ giúp cần thiết nhằm ứng phó DCGC thể độc lực cao và sẵn sàng ứng phó với một đại dịch có nguy cơ xảy ra. Kể từ hội nghị đầu tiên tại Washington (tháng 10-2005) đến nay, cộng đồng quốc tế đã nhận thức rõ hơn nguy cơ về một đại dịch mà con người phải đối phó, từ đó, từng bước điều chỉnh chiến lược phòng, chống và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó đại dịch. Nhờ kinh nghiệm những năm qua cùng với nguồn lực quý báu được huy động, thế giới đã cơ bản khống chế được sự lây lan của virus H5N1 trong đàn gia cầm trên phạm vi toàn cầu và sự lây nhiễm sang người; Liên hiệp quốc cũng kịp thời đề ra những biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại về người do dịch cúm H1N1 gây ra.
Tại hội nghị, các quốc gia đã bày tỏ sự đồng tâm hiệp lực cao đối phó với DCGC độc lực cao và đại dịch. Ông David Nabarro, chuyên viên cao cấp của Ủy ban Điều phối đại dịch cúm Liên hiệp quốc nhấn mạnh 3 ưu tiên cần được thúc đẩy: giữ vững những công việc đã làm được trong lĩnh vực kiểm soát tình hình dịch bệnh; phát động các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân tham gia chống dịch cúm và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn; nâng cao khả năng chuyên môn của hệ thống tham gia chống dịch. Ở một khía cạnh khác, ông Edward Avalos, Phó Thứ trưởng phụ trách về chính sách và điều tiết thị trường, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ có quan điểm: "Ngày càng nhiều các bằng chứng từ khắp nơi trên thế giới cho thấy, sự tương tác giữa con người với động vật và môi trường là nguồn gốc phát sinh nhiều căn bệnh truyền nhiễm ở con người. Vì vậy, sự hợp tác giữa thú y và y tế là yếu tố quyết định trong việc ứng phó với đại dịch". Ông Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, Chính phủ và toàn xã hội đã, đang có những nỗ lực lớn kiểm soát virus cúm gia cầm độc lực cao trong đàn vật nuôi và bảo vệ con người. Tuy nhiên, để thành công, Việt Nam rất cần sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa với cộng đồng quốc tế vì lợi ích sức khỏe con người và ngành chăn nuôi.
Tuyên bố Hà Nội về kiểm soát cúm gia cầm và đại dịch Trong 2 ngày thảo luận, Hội nghị quốc tế về cúm động vật và đại dịch đã thông qua tuyên bố Hà Nội về kiểm soát cúm gia cầm và đại dịch. Tuyên bố xác nhận sự cần thiết củng cố các hoạt động hợp tác quốc tế và khu vực về phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền hiệu quả giữa các chuyên gia, công chúng và củng cố hệ thống y tế công cộng, thú y... Các nước và các tổ chức quốc tế kêu gọi: Phải thận trọng với các nguy cơ mới phát sinh như virus H5N1, H1N1 và các chủng virus khác. |